Yêu nhanh, cưới gấp ngày càng trở nên thịnh hành trong xã hội hiện đại và nhiều người cũng phải hối hận vì điều đó.
Xu hướng “Yêu nhanh, cưới gấp” ngày càng trở nên thịnh hành trong đối với đời sống hiện đại. Không phải chỉ những bạn trẻ chơi bời, sống buông thả mới thích xu hướng hôn nhân này mà ngay cả những người trưởng thành hơn, tuổi đời chững chạc cũng vội vã yêu, vội vã cưới. Mỗi người một lí do nhưng gần như chung nhau một kết cục. Không tìm hiểu kĩ bạn đời, hôn nhân khó lòng hạnh phúc:
Chọn chồng như mua hàng hiệu
Ngọc Vân là người hội tụ đầy đủ những phẩm chất đáng mơ ước của một người phụ nữ hiện đại. Ngọc Vân sở hữu một vóc dáng cân đối, cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn. Hơn nữa, gia đình Ngọc Vân lại rất giàu có, nền nếp. Bản thân cô không chỉ đẹp mà còn có học thức, hiện tại đang làm cho một công ty nước ngoài, lương tháng tính bằng tiền đô. Chính vì những ưu điểm đó mà Ngọc Vân và gia đình luôn tâm niệm cần phải tìm một người đàn ông xứng đáng với điều kiện tốt mà mình đang có.
Ngọc Vân cũng yêu một vài người, tình cảm xuất phát từ trái tim nhưng rồi không đi đến đâu cả vì thế về sau cô xác định: không cần yêu nhiều quá, chỉ cần hợp nhau, những điều kiện bên lề tốt là được. Khi có người quen giới thiệu, Ngọc Vân đi gặp gỡ một anh chàng gia đình cũng được liệt vào hàng bề thế. Bản thân anh ta cũng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh tư nhân cô liền ưng ngay. Tính từ khi quen nhau đến khi quyết định cưới chỉ vẻn vẹn 2 tháng trời. Bố mẹ Ngọc Vân lại sốt sắng ra mặt khi biết “lí lịch” của con rể tương lai nên gật đầu đồng ý. Vậy là họ nhanh chóng kết hôn trong sự ngỡ ngàng của nhiều người vì với một số bạn bè của Ngọc Vân thậm chí cô hẹn hò với anh chàng này từ khi nào cũng ít người biết.
Lấy phải chồng phá gia chi tử vì quá vội vàng kết hôn (ảnh minh họa)
Nhưng cuộc hôn nhân vội vã đó đã mang tới cho Ngọc Vân một sự hối hận cả cuộc đời. Người đàn ông hào nhoáng mà cô gặp mỗi khi hẹn hò thực chất chỉ là một kẻ ăn chơi, lêu lổng. Gia đình anh ta có điều kiện, mở cho anh ta một công ty để che mắt thế gian. Công việc chính mà chồng Vân làm phần lớn là cờ bạc và ăn chơi suốt ngày. Cái công ty đó chỉ là một vỏ bọc mà bố mẹ chồng Vân cố gắng tạo ra để con trai không bị nhòm ngó. Về nhà còn chưa hết bàng hoàng vì “bản chất ưu tú” của chồng được bộc lộ rõ ràng thì sau 4 tháng kết hôn, chồng Vân bị bắt trong một vũ trường vì tội sử dụng ma túy trái phương. Ngày chồng bị bắt cũng là ngày Vân viết đơn ly hôn chờ quyết định của tòa. Vân ngậm ngùi thương cho đời mình vì quá cầu toàn, muốn một anh chàng hoàn hảo cuối cùng đã khiến đời mình dang dở.
“Cưới vợ phải cưới liền tay”
Cũng là một “nạn nhân” của việc cưới gấp, anh Trung giờ đây méo mặt trong việc “cải tạo” vợ. Từng lời ăn tiếng nói của cô vợ tuổi “ô mai” khiến Trung ngượng chín mặt với bạn bè, người thân. Thậm chí mọi người trong gia đình anh còn không muốn chấp nhận một cô con dâu hỗn hào như vậy vì Thúy quá láo. Anh Trung cho biết: “Mình vẫn cố gắng làm hết sức mình hi vọng cô ấy thay đổi. Mình thực sự không muốn mới cưới nhau chưa được nửa năm mà đã ly hôn, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng chỉ sợ rằng sự cố gắng của mình cũng không mang lại kết quả khi mà đó thuộc về bản chất của cô ấy”.
Vợ anh Trung kém anh tới 11 tuổi. Thúy đích thực là một cô dâu tuổi teen, trong khi đó Trung trưởng thành và đĩnh đạc hơn. Trước khi yêu Thúy, anh Trung từng yêu và gắn bó nhiều năm với một cô gái nhưng rồi hai người chia tay trước khi quyết định cưới không lâu. Nguyên nhân cũng là bởi bạn bè gièm pha, chê bai này nọ khiến cô bạn gái đó không vững lòng tin nên đã chia tay. Vì thế khi gặp Thúy, phần vì tuổi đời của anh đã chững chạc, phần vì cái tâm lí sợ vụt mất tình cảm, lại phải tìm hiểu và yêu lại từ đầu nên ngay từ khi mới quen Thúy anh đã tâm niệm nếu hợp là cưới luôn.
Các cụ xưa đã có câu “cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. Mà chính bản thân anh cũng đã từng trải qua chuyện đó rồi nên anh biết.
Quen nhau được 3 tuần, Trung cảm thấy thích thú vô cùng với tính cách trẻ trung, sôi nổi của bạn gái. Trung đánh liều đặt vấn đề nghiêm túc và Thúy ngay lập tức đồng ý. Yêu nhau thêm 4 tuần nữa thì hai người quyết định cưới. Ngày cưới cô dâu và chú rể đẹp rạng ngời nhưng chỉ sau đó 2 tháng trời, Thúy đã mang valy về nhà ngoại vì cãi nhau với chồng.
Thúy còn trẻ, tính tình trẻ con, chưa quen với việc làm vợ, làm dâu nên cô cãi nhau với hầu hết mọi người trong nhà. Ở nhà đẻ, Thúy là con út nên càng được chiều chuộng, không phải chăm sóc, lo lắng cho ai bao giờ. Lấy chồng rồi, cô bị gò vào khuôn phép nên không chịu. Hơn nữa cộng thêm tính hiếu thắng và ương bướng nên Thúy không ngần ngại cãi nhau tay đôi với mẹ chồng. Chỉ sau một tháng về làm dâu, vợ chồng Thúy – Trung đã phải thuê nhà ra ngoài sống vì bố mẹ chồng nói rằng: “Nếu nó không đi thì tao đi”.
Hôn nhân bi kịch vì quá vội vàng khi cưới nhau (Ảnh minh họa)
Hiện tại, anh Trung vẫn đang cố gắng để thuyết phục và “uốn” vợ dần dần nhưng thấy tình hình không khả quan. Mỗi lần tan làm về nhà với Trung là cả một cơn ác mộng mà chính anh cũng không biết mình sẽ chịu đựng được trong bao lâu.
Hôn nhân chỉ là góp gạo thổi cơm chung
Chị Hồng chia sẻ: “Mình đã sốc khi cưới nhau xong anh ấy coi cuộc hôn nhân này chỉ như góp gạo thổi cơm chung. Anh bảo mình ghi rõ ràng các khoản tiền chi tiêu, sinh hoạt ra để chia đôi đóng góp. Có lẽ mình đã quá vội vàng khi kết hôn, khi tình cảm chưa kịp nhen nhóm. Nên giờ đây đang từng ngày phải khắc phục cuộc hôn nhân này dù mệt mỏi và chán chường vì hôn nhân không giống như mình mong đợi”.
Chị Hồng lấy chồng ở mức kỉ lục, 3 tuần sau khi quyết định yêu và cưới. Chị Hồng và anh Đức đều đã nhiều tuổi mà chưa lập gia đình. Hai người đều mải mê cho sự nghiệp nên mặc dù rất thành đạt trong công việc nhưng tình duyên lại chưa tìm được bến đỗ. Mọi người trong công ty thấy hai người như vậy nên gán ghép và giới thiệu cho. Cảm thấy phù hợp nên anh chị quyết định cưới với lí do: “Cũng không có gì phải nghĩ ngợi nhiều”
Cưới nhau về, sở thích, thói quen, tính cách của mỗi người một kiểu, không ai giống ai nên rất khó để nói chuyện. Anh Đức thích sự yên lặng mỗi tối nên chị Hồng thường phải ra phòng khách ngồi xem tivi một mình, để anh yên ổn trong phòng ngủ. Ngày nào nấu cơm, nguyên chuyện bát nước chấm cũng phải chia làm hai bát vì anh Đức không ăn được cay còn chị lại thích. Mỗi thứ đều phải phân biệt rạch ròi khiến chị rất buồn mà không biết phải làm sao.
Nhưng choáng hơn cả là anh yêu cầu hàng tháng mỗi vợ chồng đóng một khoản tiền bằng nhau còn tiền của ai người nấy tiêu. Chị thực sự chán nản vì hôn nhân chẳng khác nào hai kẻ xa lạ dọn về sống chung một nhà và có nghĩa vụ đóng góp như nhau. Chị không tìm thấy sự đồng điệu với chồng nhưng vẫn cố chấp nhận với hi vọng thời gian và khi những đứa con ra đời, tình cảm của anh chị sẽ được nhen nhóm dần lên.