Có người nói, trong mắt đàn ông, đời đàn bà đẹp nhất ba lần: Lần đầu là lúc nhận lời yêu, lần hai là ngày mặc áo cưới và lần ba là lúc làm mẹ. Vẻ đẹp của đàn bà, có lẽ xuất phát từ nội tâm và cảm xúc, chứ không chỉ nằm ở lớp trang điểm gắn trên mặt.
Công ty tôi đang bàn nhau về chuyện sắp tới lại đổi đồng phục mới, có người ủng hộ, có người phản đối, nhốn nhào trong đám ý kiến, một chị cho hay: “Nếu không có đàn ông, chị em phụ nữ không mặc đồ đi làm cũng được.”
Mấy anh nghe xong câu đó, cũng nói lại: “Thì không có các cô, chúng tôi cũng chẳng cần bận quần". Hóa ra, đàn bà đàn ông mặc đồ, chủ yếu không phải để che thân mà nhằm cho phái kia nhìn để sướng con mắt.
“Nếu không có đàn ông, chị em phụ nữ không mặc đồ đi làm cũng được" (ảnh minh họa)
Đọc trên mạng, thấy có bài báo người ta viết: “Thế nào là đàn bà đẹp?”, bên dưới phần bình luận, chẳng thấy cánh chị em phụ nữ lên tiếng, mà toàn các anh thi nhau kể. Chung quy với các anh, đàn bà đẹp thường gom chung trong hai điểm chính: chân dài, ngực to. Cái này thì đúng chuẩn của cô gì da trắng như tuyết hay làm người mẫu nội y mà được tiếng gái ngoan kia rồi. Vậy mới thấy, rõ ràng việc mặc quần áo trên người của các bà đã không được đàn ông coi trọng. Uổng phí công mua đồ hết sức.
Đàn bà đẹp, dĩ nhiên không nằm ở quần áo. Cái câu “Người đẹp nhờ lụa” ngày xưa ông bà nói, tới giờ đã hết hợp thời. Bởi một lẽ, chỉ cần đưa ra hai cô nàng, một quấn lụa kín từ đầu đến chân và một không mảnh lụa trên thân, dám chắc rằng cánh đàn ông đều chọn cô không có lụa là đẹp hơn. Thế đấy!
Nhưng không có nghĩa đàn bà chẳng cần mặc gì thì đã đẹp. Có lần, một trang web bên Tây có bài viết về vùng “tam giác quỷ” của phụ nữ Việt. Này, các anh đừng nghĩ đến cái chỗ mà các anh đang nghĩ nhé (nhưng tôi thích suy nghĩ của các anh). Cái tam giác ấy nằm ngay eo đàn bà, khi họ mặc áo dài, lộ ra một phần da thịt hình tam giác trắng tinh. Mấy anh trai Tây gọi đấy là phần “sexy” nhất của phụ nữ Việt. Chuẩn chẳng cần chỉnh! Vậy rõ ràng, có khi mặc đồ lại đẹp hơn cái chẳng mặc gì.
Nhắc đến trai Tây, lại nhớ chuyện cái chuẩn đẹp của mỗi nhóm người lại khác nhau. Công ty tôi có một bạn nữ, theo quan điểm của Việt Nam thì chẳng thể gọi là đẹp: mắt một mí, da ngăm đen, thân hình ốm, ngực không to, mái tóc hơi rối nhìn có vẻ hoang dại. Vậy mà đùng một cái, chị gởi thiệp đám cưới, tên chú rể lại là một anh chàng xứ Tây.
Tiệc cưới hai người, nhìn chú rể cười tươi ơi là tươi, kéo tay cô dâu đi khắp chốn, miệng luôn mồm: “My wife’s so beautiful!” (tạm dịch: Vợ tui đẹp quá chừng!") rồi hun chóc chóc vào má nàng, khối cô trong công ty thèm thuồng. Vấn đề ở đây, là mỗi một dân tộc lại có cách đánh giá về vẻ đẹp của đàn bà khác nhau, thế nên chị em phụ nữ phải luôn tin tưởng rằng dù tại đây ta không được công nhận là đẹp, thì ở một đất nước xa xôi nào đó, ta sẽ đăng quang hoa hậu. Và từ giờ, ta nên bắt đầu chuẩn bị cho ước mơ sang quốc gia đó sống là vừa.
Mà không cần nói chi mỗi dân tộc cho xa, ở cái đất nước bé tí của ta thì qua mỗi thời đại cái đẹp lại thay đổi. Như trong Kiều, Vân đẹp theo kiểu “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” tức là mặt tròn như trăng thì đẹp, giờ mặt vậy quần chúng lại bảo “mặt mâm”, phải hình chữ V (V-line ấy) thì mới là đẹp. Vậy nên xét trên cái chuẩn về “đẹp” thì gần như không thể tìm được.
Vậy chung quy, đàn bà đẹp nhất là khi nào?
Có người nói, trong mắt đàn ông, đời đàn bà, đẹp nhất ba lần: : Lần đầu là lúc nhận lời yêu, lần hai là ngày mặc áo cưới và lần ba là lúc làm mẹ. Vẻ đẹp của đàn bà, xuất phát từ nội tâm và cảm xúc, chứ không nằm ở lớp trang điểm bằng mỹ phẩm đắt tiền gắn trên mặt.
Có người lại nói, đồng ý rằng đẹp ngoại hình là một lợi thế của đàn bà, nhưng không có nghĩa cái đẹp đó khi cần lại có thể bào ra ăn được. Như có lần tôi dự phỏng vấn: giữa một cô đẹp vô cùng và một cô rất giản dị, bình thường, chị trưởng phòng nhân sự quyết định chọn cô giản dị, lý do duy nhất là: “Nó biết cân bằng thời gian để trang điểm và làm việc, đẹp quá chỉ biết chăm chăm lo cho bề ngoài thôi em ạ". Cái này chị nói đúng, bởi đâu phải lần đầu người ta rỉ tai nhau: “Đẹp quá hóa vô dụng.”
Vậy hóa ra, đàn bà đẹp không phải lúc nào cũng dựa vào quần áo, vào trang điểm. Có quan điểm nói rằng đàn bà đẹp là đẹp từ nhân cách sống, từ kiến thức xã hội, từ việc làm chủ chính cuộc sống bản thân mình mà không lệ thuộc vào đàn ông hay bất kỳ ai.
Đàn bà cũng đừng bao giờ hỏi đàn ông rằng: “Hôm nay anh thấy em mặc cái váy này đẹp không?” vì đàn ông nó có biết cái váy thế nào là đẹp đâu. Nó chỉ biết cái váy khác cái quần ở chỗ quần thì hai ống, váy thì không có ống nào. Chỉ cần đàn ông yêu đàn bà, thì dù đàn bà mặc đồ như thế nào, trang điểm ra sao, thậm chí không trang điểm lẫn… không mặc đồ thì đàn ông vẫn cứ thấy đẹp như thường. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa đàn bà cho mình cái quyền lơ là bản thân, bởi làm đẹp cho mình chính cũng là cách đàn bà thể hiện sự tôn trọng người đối diện.
Đàn bà nên hiểu rằng, đàn bà đẹp không đơn giản chỉ để đàn ông nhìn bằng mắt, mà phải cho hắn cảm nhận bằng con tim. Còn với những kẻ đàn ông chỉ biết đánh giá đàn bà dựa trên ngoại hình, thứ đấy, đàn bà cũng đừng nên để tâm đến. Thật đấy đàn bà ạ.