Bạn và bạn đời là hai cá thể tách biệt nên đôi khi sẽ có quan điểm khác nhau và xảy ra tranh cãi. Cách ứng xử sau đó đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Dưới đây là 10 phản ứng cần tránh sau khi tranh cãi, dù lúc đó bạn đã nguôi ngoai hay vẫn còn bực tức.
1. Tỏ ra lạnh nhạt với bạn đời
Nếu bạn cần một chút không gian cho riêng mình sau tranh cãi thì điều đó hoàn toàn bình thường, miễn là bạn nói rõ với chồng. “Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người thường phạm phải sau khi tranh cãi đó là tỏ thái độ không hợp tác”, Rachel A. Sussman, chuyên gia tư vấn hôn nhân (Mỹ) chia sẻ. Nếu bạn xua đuổi hay ngó lơ bạn đời, anh ấy có thể nghĩ bạn đang trừng phạt anh ấy và điều đó sẽ khiến anh ấy trong tương lai không muốn chia sẻ với bạn cảm xúc của bản thân. Thay vào đó, hãy nói: “Em không thể ‘hạ nhiệt’ nhanh được như anh. Hãy cho em một chút thời gian và em nghĩ rằng mọi việc sẽ ổn. Nếu không, chúng ta có thể thảo luận thêm”.
Ảnh: Stilettosmagazine.
2. Dùng những lời anh ấy nói (trong lúc tranh cãi) làm vũ khí của riêng mình
Bạn có biết câu: “Điều gì xảy ra ở Vegas thì hãy để nó ở Vegas”? Bất kỳ điều gì bạn đời nói ra trong lúc hai người đang tranh cãi cũng chỉ nên giới hạn nó quanh cuộc tranh cãi đó. Nếu trong lúc đang tranh cãi mà anh ấy nói điều gì khiến bạn khó chịu thì hãy cho anh ấy biết điều đó. Và nếu những lời nói đó vẫn ám ảnh và khiến bạn thấy bức bối sang cả ngày hôm sau thì hãy tìm cách thư giãn cho bản thân thay vì tìm anh ấy để gây gổ. Tranh cãi quá thường xuyên có thể khiến bạn và bạn đời luôn xoay quanh một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát.
3. Chỉ nói “Em xin lỗi” mà không giải thích khi anh ấy còn bị tổn thương
Điều đó chẳng khác gì bạn nói: “Em ngán đến tận cổ chuyện này rồi. Hãy để em được yên. Em muốn làm gì đó khác”, Laurie Puhn, chuyên gia hòa giải (Mỹ), đồng thời là người sáng lập chương trình Fight Less, Love More chia sẻ. Thay vào đó, “Điều bạn nên nói là: ‘Em xin lỗi vì….’ và giải thích điều bạn đang nói. Phần tiếp theo của lời xin lỗi là ‘Sau này, em sẽ….’ và giải thích rằng bạn sẽ không lặp lại sai lầm như thế nữa”.
4. Bao biện cho nguyên nhân gây chiến
Có hàng triệu lý do mà bạn có thể viện ra để giải thích vì sao mình gây chiến, ví dụ một ngày làm việc tồi tệ tại cơ quan, cơn đau đầu quái ác hành hạ, hay một đêm không được nghỉ ngơi. Trên thực tế, một nghiên cứu do ĐH California (Mỹ) tiến hành đã cho thấy những cặp vợ chồng không ngủ đủ giấc dễ tranh cãi với nhau hơn. Tuy nhiên, đổ lỗi cho nguyên nhân nào đó về cuộc tranh cãi của mình là điều không công bằng cho cả bạn và bạn đời. “Các cuộc tranh cãi thường là về vấn đề thông tin”, tiến sĩ Golland chia sẻ. “Nếu bạn tức giận, buồn bã, hay tổn thương, thì đó là thông tin mà chồng bạn cần biết”. Và lần tới, nếu bạn phải trải qua một ngày làm việc tồi tệ thì “hãy cảnh báo chồng trước khi về tới nhà”, tiến sĩ Golland khuyến khích. Nhờ đó, anh ấy sẽ biết là bạn đang trong tình trạng dễ bị kích thích hơn bình thường.
5. Bỏ đi khi anh ấy muốn nói
Nếu cuộc chiến mới trôi qua được vài phút, hãy nói với chồng rằng bạn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào hoặc sẵn sàng lắng nghe những chia sẻ bực bội của anh ấy sau khi anh có thời gian suy nghĩ. Và nếu sau vài ngày anh ấy muốn lật lại vấn đề thì bạn không nên “quay lưng lại”. “Giao tiếp không lời nói không khác gì việc la hét”, tiến sĩ Golland chia sẻ. Nếu bạn nhận thấy mình đang “quay lưng lại” thì hãy xin lỗi, quay trở lại, và lắng nghe anh ấy. “Hãy phản hồi lại những gì anh ấy đang nói, ví dụ: ‘Vậy là anh đang nói rằng… Đúng không?’". Hãy kiểm tra lại để chắc chắn rằng bạn đang tiếp nhận thông tin đúng đắn từ anh ấy.
6. Xúc phạm bạn đời
Đầu óc bạn vẫn quay cuồng sau “cuộc chiến”? Dù có như thế, bạn vẫn không có quyền lẩm bẩm những điều khó nghe với bạn đời. “Đừng bao giờ xúc phạm ai đó. Rất khó có thể bỏ qua điều đó”, bà Sussman chia sẻ. Vì thế, nếu hai bạn tranh cãi về ngân sách dành cho kỳ nghỉ của mình, đừng nói rằng anh ấy có quá ít tiền khi bạn đang ngắm những bức ảnh của bạn mình trong kỳ nghỉ của cô ấy đến Hy Lạp. Sự xúc phạm “chỉ làm cho anh ấy đáp trả lại bằng những lời xúc phạm”, Sussman chia sẻ. Thay vào đó, khi đã bình tĩnh lại, hãy đề nghị anh ấy cùng trò chuyện với bạn về điều vẫn khiến bạn thấy khó chịu. Hãy nói điều gì đó như: “Em biết anh băn khoăn vì chúng mình không có tiền, nhưng đây là phần đóng góp của em”, bà Sussman khuyến khích.
7. “Yêu” không tự nguyện
Cả hai đã thực sự thừa nhận sai lầm và xin lỗi nhau, và sau đó anh ấy lại muốn “gần gũi”. Bạn không tin được điều này?. “Điều đó không phải là vì họ không nhận thức được rằng hai bạn vừa tranh cãi”, bà Sussman chia sẻ. “Rất nhiều nam giới muốn ‘yêu’ để cảm thấy gần gũi hơn”. Và nếu đó là điều bạn không muốn trong lúc này thì hãy nhẹ nhàng từ chối anh ấy. “Hãy nói: ‘Em rất cảm ơn khi anh muốn gần em lúc này, nhưng giờ em chưa sẵn sàng cho việc đó”, bà chia sẻ. “Hãy ôm anh ấy, và nói rằng hai bạn có thể bên nhau vào ngày hôm sau”. Đừng chỉ nằm cuộn tròn và từ chối anh ấy mà không một lời giải thích. “Điều đó sẽ làm tổn thương tình cảm của anh ấy”, bà cho biết.
8. Tập trung vào nguyên nhân “gây chiến”
Tốt hơn bạn nên dành năng lượng của mình vào việc tìm ra giải pháp cho vấn đề. Ví dụ, chồng bạn quên mang theo tiền mặt khi đi tham dự một sự kiện bắt buộc phải dùng đến tiền mặt. Hai bạn đã xích mích vì chuyện đó, nhưng sau đó bạn đi rút tiền ở thẻ ATM và mọi việc đã được giải quyết. Hãy cùng nhau tận hưởng sự kiện đó thay vì cứ ám ảnh mãi về lỗi lầm của chồng trong đầu. “Sự khác biệt giữa một cuộc tranh cãi tích cực và một cuộc tranh cãi tiêu cực là bạn có tìm ra được giải pháp hay không”, bà Puhn chia sẻ. Mặt khác, nếu sự đãng trí của anh ấy thường xuyên xảy ra thì hãy nói với anh rằng: “Em thấy gần đây anh thường quên mang theo tiền mặt. Có vấn đề gì thế?”. Đây là cách tiếp cận vấn đề ít mang tính phán xét hơn so với câu nói: “Đừng bao giờ lặp lại việc này nữa”.
9. Nói “Em không có ý đó”
“Nói ra điều đó giống như bạn đang sử dụng một cục tẩy đối với loại mực vĩnh viễn”, bà Puhn chia sẻ. “Nó sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn bởi vì chồng bạn sẽ nói: ‘Em có ý đó!”. Bàn đi cãi lại về những điều bạn đã nói và không nói, có ý và không có ý, chỉ khiến bạn luôn tập trung vào quá khứ thay vì tìm ra giải pháp cho tương lai. Còn nếu anh ấy nói “Anh không có ý đó” thì bạn hãy nói: “Anh không có ý đó, nhưng đó là những gì em cảm thấy khi anh nói. Vì thế, sau này anh đừng nói thế nữa”.
10. Tự trách mình vì xảy ra tranh cãi
Tất cả mọi người đều muốn bạn đời dành tâm sức cho hôn nhân và tranh cãi chính là một dấu hiệu cho thấy cả hai vẫn đang cố gắng cải thiện hôn nhân của mình, một điều hoàn toàn tích cực. Bà Puhn cho biết, khi một cặp vợ chồng chia sẻ rằng: “Chúng tôi từng tranh cãi rất nhiều, nhưng bây giờ chúng tôi để mặc mọi chuyện” thì điều đó cho thấy cuộc hôn nhân của họ không thể cứu vãn được nữa. Đó không phải là do họ không còn bất đồng về mọi việc. “Nó có nghĩa là họ buông trôi mối quan hệ của mình, điều thường xảy ra trước khi họ rời bỏ hay tìm một mối quan hệ khác”, bà cho biết. Vì thế, hãy vui vẻ khi cả hai vẫn còn dành cho mối quan hệ của mình đủ quan tâm để cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề phát sinh.