Không biết mình có được chồng yêu không là vấn đề không ít bà vợ rất băn khoăn, nhưng làm thế nào để biết được sự thật là việc chẳng hề đơn giản...
Có chị hay hỏi chồng: “Anh có yêu em không?”. Cách này đơn giản nhất nhưng độ tin cậy cũng thấp nhất. Đàn ông khối người nói dối như cuội. Miệng vẫn nói “chẳng yêu em thì yêu ai?”, nhưng bụng lại đang nghĩ cách chuồn khỏi nhà đi với bồ. Cho nên, nhiều người cho rằng, không nên nghe đàn ông nói, hãy nhìn việc họ làm.
Nhưng nhìn cũng khó mà nhận ra chân tướng. Lắm ông ngày kỷ niệm nào đều tặng hoa cho vợ, đi đâu xa về đều có quà, ra vẻ quan tâm đến vợ không ai bằng nhưng nào biết “ma ăn cỗ” ở đâu. Giáo sư tâm lý học Robert Abel, cố vấn trưởng một trung tâm nghiên cứu hôn nhân tại Mỹ, nhiều năm tìm hiểu tính cách đàn ông, đã kết luận là không nên chỉ căn cứ vào lời nói hay việc làm của đàn ông, mà muốn biết chồng có yêu mình không phải quan sát trạng thái tâm lý của anh ta.
Theo ông, tất cả những người chồng yêu vợ đều giống nhau ở chỗ họ luôn cảm thấy thoải mái khi sống trong ngôi nhà của mình, có tâm trạng bằng lòng với hạnh phúc mình đang có. Tuy nhiên, mỗi người đàn ông biểu lộ trạng thái đó theo cách riêng của họ.
Chẳng hạn, một người chồng phải làm việc hàng ngày để bảo đảm kinh tế gia đình mà vẫn vui vẻ, yêu đời, chẳng bao giờ phàn nàn một câu, là mẫu đàn ông biểu lộ tình yêu bằng cách kiếm tiền để cuộc sống gia đình thoải mái hơn, như thế chẳng phải là tình yêu hay sao? Trong trường hợp này, bạn đừng buồn vì anh ấy không tặng hoa. Hãy cầm những đồng tiền thơm thảo mà anh ấy đưa một cách sung sướng như những người vợ khác được chồng tặng hoa.
Nếu anh ấy mua tặng bạn cái gì đó như máy giặt hay lò vi sóng chẳng hạn, bạn hãy tỏ lòng biết ơn và tự hào về công lao khó nhọc, cũng như những thành công của anh ta trong công việc. Những người chồng này rất cần sự đánh giá cao của người bạn đời về thành quả lao động của mình. Bạn đừng buồn phiền vì anh ấy không tặng hoa và nhất là đừng so sánh anh ấy với những đàn ông khác.
Có thể chồng bạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà ông bố chưa bao giờ tặng hoa cho mẹ, có khi còn nói: “Hoa làm cái gì, cắm mấy hôm lại đem đi vứt”. Muốn chồng có được thói quen lãng mạn đó, bạn phải huấn luyện dần. Chẳng hạn, thỉnh thoảng bạn mua hoa về cắm và tỏ vẻ thích thú ngắm lọ hoa. Bạn có thể tặng hoa anh ấy nhân ngày sinh nhật hoặc gợi ý các con tặng hoa cho mẹ ngày 8/3. Đó là sách lược “mưa dầm thấm lâu”, chắc chắn anh ấy sẽ thay đổi.
Có những người chồng rất tôn trọng vợ, đánh giá cao những công việc bạn làm và khi bạn gặp khó khăn, anh ấy sẵn sàng chia sẻ mà chẳng phàn nàn gì. Đó cũng là món quà vô giá, chẳng phải người vợ nào cũng có được. Chồng bạn không coi bạn là kẻ chỉ biết hưởng thụ mà trân trọng khả năng của bạn, đó mới là người bạn đời thực sự hiểu mình.
Còn hơn có người hay mua hoa tặng vợ nhưng chưa chắc đã là yêu khi anh ta bảo: “Em đi làm làm quái gì. Thu nhập của em có được bao nhiêu. Thà cứ ở nhà trông con cho nhàn thân. Anh chỉ làm thêm một chút đã bằng lương em”. Anh ta không hiểu, được đi làm, được giao tiếp với xã hội và khẳng định mình là niềm vui lớn nhất của bạn.
Lại có dạng đàn ông không nói “anh yêu em” bao giờ. Cũng đừng mong anh chồng này viết cho bạn một lá thư ngay cả khi đi đâu xa, càng không bao giờ anh ta làm thơ tặng vợ hay mua những tấm bưu thiếp xinh xinh trong ngày sinh nhật. Nhưng như thế không hẳn là anh ta không yêu bạn.
Bạn hãy để ý khi vợ chồng ở bên nhau anh ấy như thế nào? Có ai âu yếm bạn nồng nhiệt như anh ấy? Có ai sung sướng và làm cho bạn cảm thấy sung sướng đến thế? Lẽ nào đó không phải tình yêu? Đối với ông chồng này, bạn hãy đón nhận tình cảm nồng nhiệt của anh ấy và hãy đáp lại như thế chứ đừng viết thư hay tặng bưu thiếp và cũng chẳng cần nói “em yêu anh”.
Thế mới biết đàn ông yêu vợ không giống nhau, mỗi người một cách, điều quan trọng là bạn có hiểu được tình yêu của chồng không. Tiến sĩ tâm lý Tina Tessina, tác giả cuốn Những người bạn đời chân thật cho rằng: “Hạnh phúc vợ chồng chỉ có được khi hai người hiểu nhau. Người chồng yêu vợ theo kiểu nào, nếu được đáp lại cũng bằng kiểu đó thì chẳng khác nào hai người song ca hợp giọng”.