Sở dĩ tôi biết người đàn ông đang ở với mình không phải là ba ruột vì có một lần tôi bị ông ấy đánh đòn. Ông đánh tôi rất nhiều và rất đau. Lỗi mà tôi bị đánh là do ăn vụng đồ ăn trong bếp.
Xin trích đăng hai chương đầu tiên trong cuốn tự truyện Cung đàn lỗi nhịp của ca sĩ - chuyên gia trang điểm Lê Duy, với sự chấp bút của nhà báo Hà Tùng Long.
Nỗi ám ảnh đầu đời
Nếu ai đói hỏi tôi: “Tuổi thơ của bạn như thế nào?”. Tôi sẽ trả lời luôn mà không cần suy nghĩ: “Tuổi thơ của tôi là chuỗi dài những nỗi ám ảnh”. Nỗi ám ảnh có thể đậm, có thể nhạt… nhưng nó đã theo tôi trong suốt quãng đời tôi đã đi qua. Và đến nay, mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc lẫn hình ảnh xưa cũ.
Tôi còn nhớ, nỗi ám ảnh đầu tiên giáng xuống khi tôi còn là một cậu bé 5 tuổi. Đó cũng là lý do tôi bắt đầu kể về cuộc đời mình từ con số “5”.
Năm 1974, tôi tròn 5 tuổi. Tôi sống cùng gia đình có ba má và hai đứa em trai (một sinh năm 1972, một sinh năm 1973). Gia đình tôi ngụ trong một căn nhà tập thể được thuê lại ở khu cư xá Phế Binh, TX. Tây Ninh (đây là cư xá giành cho những lính phế binh của chế độ cũ). Một buổi sáng, khi tôi vừa thức giấc, đang đứng trước cửa nhà ngó nghiêng tìm mẹ thì bỗng tiếng súng vang lên liên hồi. Tiếng súng mỗi lúc một dồn dập, vang chóe bên tai. Mùi khói súng cũng quyện đặc quánh cả vùng không gian ấy.
Quá đỗi sợ hãi, tôi chui tọt xuống gầm giường để nấp. Nhưng do gầm giường quá thấp nên tôi chỉ có thể đút được mỗi cái đầu còn phần thân thì mắc kẹt ở ngoài. Tôi khóc toáng lên trong nỗi sợ hãi khôn cùng. May sao lúc đó mẹ tôi “hiện ra” và “giải cứu” cho tôi khỏi sự sợ hãi ấy. Mẹ ôm chầm lấy tôi xoa đầu, vỗ về, còn tôi thì ôm chặt lấy mẹ khóc nức nở. Nỗi sợ hãi đó đã trở thành một nỗi ám ảnh tuổi thơ. Nó cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi lúc rõ, lúc mờ… và khiến một thằng con trai như tôi trở nên nhạy cảm hơn những bạn cùng trang lứa.
Một thời gian ngắn sau, cả khu cư xá Phế Binh, nơi mà gia đình tôi đang sống đồng loạt sơ tán sang một nơi khác. Sau này tôi mới biết, sở dĩ lúc đó cả khu cư xá phải sơ tán là vì chạy giặc. Tôi không nhớ rõ lúc đó các gia đình khác di chuyển sang chỗ mới bằng phương tiện gì. Riêng gia đình tôi, ba tôi chất những đồ dùng ít ỏi của gia đình lên một chiếc xe kéo. Hai đứa em của tôi cũng được ba cho lên ngồi ở đầu chiếc xe, còn má dắt tôi đi bộ bên cạnh chiếc xe kéo của ba. Nơi chúng tôi đến là Lộ Chánh Môn, một con đường rất rộng lớn ngay trước mặt tòa thánh Tây Ninh.
Đối với một cậu bé 5 tuổi như tôi, chưa bao giờ có quãng đường nào xa như quãng đường từ nhà cũ đến Lộ Chánh Môn. Lúc về đến Lộ Chánh Môn, gia đình tôi được một người họ hàng của ba tôi cho mượn một khoảnh đất nho nhỏ trong khuôn viên gia đình họ để dựng lều ở tạm.
Ca sĩ - chuyên gia trang điểm Lê Duy sau khi chuyển giới
Ba má tôi đã mất gần một tuần để dựng nên một ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa, đắp nền đất, với sự giúp sức của một số người họ hàng của ba mà tôi không nhớ rõ. Sau khi làm xong nhà, má tôi có bảo với ba tôi đào một cái hầm bên cạnh gian bếp để mỗi lần có tiếng đạn là tôi có thể chui xuống đó ẩn nấp. Gia đình tôi sống ở Lộ Chánh Môn được một thời gian thì đất nước giải phóng.
Chương II: Biến cố
... Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu, cứ mỗi lần nhắc đến đứa em đó lòng tôi lại quặn lên một nỗi đau và không kìm được nước mắt. Tôi nhớ rất rõ, lúc mẹ sinh em ra, tôi cứ nằng nặc đòi bế em trên tay dù lúc đó tôi mới 6 tuổi. Và khi nhìn vào khuôn mặt của em, tôi có một cảm giác cực kỳ gần gũi, thân thương… không thể cắt nghĩa nổi. Đó không chỉ đơn thuần là tình máu mủ, ruột rà, thân thích… mà cứ như chúng tôi thân thiết với nhau từ kiếp trước.
Cứ mỗi lần trước khi đi ngủ, tôi toàn đòi má cho tôi được thơm em hoặc nằm cạnh em. Rồi một buổi sáng, khi vừa thức giấc, tôi đã thấy má ôm chặt em trong lòng và khóc nức nở. Tôi chạy vội đến bên má thì má xua tôi tránh xa, không cho tôi lại gần. Phải khi ba tôi cùng một vài người họ hàng mang một tấm vải màu xám quấn quanh người em tôi mới biết em đã qua đời. Tôi đã khóc rất nhiều khi người ta đưa em tôi ra khỏi nhà. Sự ra đi của em cũng làm cuộc sống trong gia đình tôi lặng lẽ hơn.
Đến một ngày nọ, tôi thấy ba má dậy và đi ra khỏi nhà từ rất sớm. Ba anh em tôi không hiểu ba và má đi đâu nên cứ đứng ở cổng chờ trông. Khi trời đã đổ dần bóng đêm, nhà nhà đã lên đèn… chúng tôi vẫn chưa thấy ba má về. Lúc đó, trong lòng tôi bỗng nhiên cồn cào như có lửa đốt. Tôi cứ đi ra đi vào, đứng ngồi không yên. Mãi đến lúc đã qua cơn đầu hôm, tôi mới thấy ba tôi đi về một mình. Tôi vội vàng chạy lại gần ba hỏi: “Má con đâu ba?”. Ba tôi mệt mỏi trả lời: “Má mày bị bắt rồi”. Ba vẫn luôn gọi tôi là “mày”, tiếng “con” phát ra từ miệng ba tôi tựa như một thứ hàng hiệu xa xỉ.
Vì lúc đó tôi còn quá nhỏ nên khi nghe ba nói má tôi bị bắt thì chỉ nghĩ bị ai đó giữ lại không cho về chứ không nghĩ má tôi bị giam vào tù vì tội bán vàng và kim cương trái phép. Sau này, khi lớn lên, má có kể lại cho tôi nghe rằng, ở thời điểm đó, nhà nước có lệnh cấm buôn bán vàng, kim cương, đá quý… Dù nắm được quy định đó nhưng má tôi vẫn đánh liều nhận đi bán hộ cho người ta để lấy tiền hoa hồng. Tuy nhiên, không may cho má tôi, khi đang đi bán hộ một nhà giàu có trong vùng một số tài sản quý giá thì má tôi bị bắt. Lúc má bị bắt giam, tôi vừa tròn 8 tuổi.
Thời điểm má tôi bị bắt giam, tôi phải trải qua khá nhiều biến động. Tôi phải đối diện với sự ghẻ lạnh của ba. Và đặc biệt, những ngày tháng đó, tôi mới phát hiện ra người ba mà mình đang sống cùng không phải là ba ruột mà chỉ là ba dượng. Sở dĩ tôi biết người đàn ông đang ở với mình không phải là ba ruột vì có một lần tôi bị ông ấy đánh đòn. Ông đánh tôi rất nhiều và rất đau. Lỗi mà tôi bị đánh là do ăn vụng đồ ăn trong bếp.
Tôi còn nhớ, ngày hôm đó ba tôi đi bẫy về được một con kỳ nhông. Ba làm thịt và kho lên để cả nhà dùng trong mấy ngày. Tuy nhiên, do ít khi được ăn thịt, lại là lần đầu tiên được ăn thịt của một con vật rất lạ nên anh em chúng tôi thấy rất ngon miệng. Chờ lúc ba đi vắng, tôi và hai đứa em thi thoảng lại chạy vào bếp bốc vụng một miếng bỏ vào mồm cho đỡ thèm. Đến lúc ba tôi về, khi vào bếp, mở nắp vung ra và nhìn thấy nồi thịt chỉ còn vài miếng liền nổi trận lôi đình. Ba gọi anh em chúng tôi ra tra khảo và tất nhiên, lúc đó tôi là anh cả, tôi phải khai nhận để tránh đòn cho các em. Tôi bị ba dùng roi đánh rất nhiều vào mông và tay chân.
Chưa hả dạ, ông còn cởi hết quần áo và dùng dây trói tôi vào gốc cây mận sau nhà để lũ kiến vàng đốt tôi. Những người hàng xóm xung quanh thấy tôi bị ba tôi phạt quá nặng, rất thương tình, muốn qua “giải cứu” nhưng vì sợ ba tôi phạt tôi nặng hơn nên họ chỉ dám đứng ngoài hàng rào nhìn vào với ánh mắt đầy thương cảm. Mãi cho đến khi bà ngoại tôi có việc vô tình đi qua nhà, nhìn thấy tôi bị kiến đốt xưng vù khắp toàn thân nên bà tôi phải làm căng thì ba mới chịu cởi trói cho tôi. Trận đòn đó là một nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, thời gian sống với ba tôi, tôi còn bị rất nhiều trận đòn khác nhưng vì đã quá lâu nên tôi không thể nhớ hết.
Cách trận đòn đó khoảng 2 ngày sau, một buổi chiều tôi đang đứng trước cổng nhà thì được dì Ba cạnh nhà ngoắt tôi qua. Khi qua, dì Ba ôm tôi vào lòng, sờ lại những nốt xưng tấy mà tôi bị ba đánh và kiến đốt rồi xoa dầu cho tôi. Bà đưa cho tôi một cái bánh để ăn rồi dặn: “Từ rày về sau, con đừng nghịch nữa, con phải nghe lời ba con không ông ấy sẽ đánh con chết. Vì ông ấy không phải là ba ruột của con đâu!”.
Thực sự, với sự non nớt của một đứa trẻ lên 8 hồi đó, tôi vẫn chưa phân biệt được một cách rõ rệt, ba ruột là như thế nào và ba dượng là người có quan hệ với mình ra sao. Chỉ biết rằng, khi nghe dì Ba nói xong, trong tôi dâng lên một nỗi buồn khó tả. Nỗi buồn đó không thể gọi thành tên nhưng đó là nỗi buồn không có nước mắt. Nó chỉ có một nỗi lo sợ mơ hồ trong thẳm sâu tâm thức của một đứa trẻ. Mãi đến khi dì Ba phân tích rõ hơn tôi mới biết người mà tôi gọi là ba bấy lâu chỉ là ba của hai đứa em còn ba tôi là một người đàn ông khác.
Ngay từ phút giây đó, tôi cảm nhận thấy cuộc đời tôi có một cái gì đó đầy sự trắc trở và khó hiểu. Trong đầu tôi hiện lên bao câu hỏi và tôi muốn được ai đó giải đáp hết cho mình nhưng tôi không biết hỏi ai. Tuy nhiên, cũng từ đó, tôi đã hiểu vì sao ba chỉ chiều chuộng hai em mà không hề quan tâm đến tôi, thậm chí chỉ cần tôi sai một điều gì đó là ông ấy sẵn sàng đánh tôi không hề thương tiếc. Càng nghĩ đến cảnh tôi bị ba dượng ghẻ lạnh tôi lại càng muốn mẹ tôi có mặt ở nhà lúc đó. Bởi chỉ có bà mới trả lời giúp tôi câu hỏi: “Ba ruột con đang ở đâu?”.