Năm đó, Bin, con trai tôi lên chín tuổi, nó là một đứa hiền lành và nguyên tắc. Bin có thể chạy loăng quăng nịnh nọt các anh chị lớn hơn mình. Bin có thể chơi với các bạn cùng lứa suốt cả ngày. Nhưng với những đứa trẻ nhỏ hơn, Bin không bao giờ muốn tới gần. Lúc đầu tôi đã rất lo lắng và khó chịu về điều này.
Chỉ cần em bé tới gần là Bin xô ra hoặc cất hết đồ chơi và đóng cửa lại. Cu cậu có thể bất ngờ quát em bé hoặc thậm chí đánh mạnh. Tôi dùng lời nhỏ nhẹ để giải thích với con trai rằng những em bé thật đáng yêu và dễ thương. Tôi muốn thuyết phục con để nó nhường nhịn em nhưng nó không chịu. Bin bảo: “Con ghét em bé, nó muốn làm gì là làm chứ không chịu nghe lời con. Mô hình tàu chiến, hạm đội con mất công xếp cả mấy ngày, vậy mà em đạp tung tóe, phá tanh bành. Nếu nó vào phòng con mà bị ngã thì kiểu gì con cũng bị mắng”. Bin kể tội “bọn con nít” một thôi một hồi, rồi cương quyết viết một thông báo “Trẻ con cấm vào” dán trước cửa. Rồi nhận ra em chưa biết chữ, anh Hai bổ sung bên cạnh hình một cái thước kẻ.
Tôi không dám đưa con đi chơi nhà bạn bè, nhất là những gia đình có trẻ con vì sợ cu cậu “gây hậu quả nghiêm trọng”. Những đứa trẻ khi có các anh chị đến chơi thường lân la tới gần và “ngưỡng mộ”. Tôi cứ phải canh chừng con trai mình. Cũng đã nhiều lần tôi nóng nảy và đánh con vì tội lấy tay gạt em bé hoặc trừng mắt nhìn. Thậm chí, nhiều lúc tôi ngại ngùng và khó xử với người khác.
Đến một ngày, tôi nghĩ rằng nên “lấy độc trị độc”. Vậy là hai mẹ con đi thăm một nơi nuôi trẻ mồ côi. Tôi muốn xem phản ứng của con như thế nào, và tôi cũng muốn dạy con biết thế nào là lòng nhân ái. Khi mới bước vào phòng của bọn trẻ, Bin hơi hoảng hốt. Có quá nhiều trẻ em, giường sát giường. Đứa khóc, đứa cười, đứa vịn tay vào thành giường ngóng mọi người, đứa nằm một mình và mân mê mép đệm. Có đứa thờ ơ nhìn lên trần nhà, những vết ngứa được bôi thuốc sát trùng xanh nhòe nhoẹt, có đứa còn đỏ hỏn nằm thiêm thiếp trên giường, có đứa trắng trẻo, xinh xắn như thiên thần, nhưng cũng có đứa không may bị dị tật, không tai, hoặc không tay, không chân, đầu méo mó.
Không hiểu sao ở nhà con tôi là đứa nổi tiếng hậu đậu, vụng về, vậy mà quay qua quay lại đã thấy cu cậu ngồi bên thùng sữa và đang giúp cô bảo mẫu đong sữa cho các bé. Bin chăm chú nhìn vào từng bình, có ghi tên từng bé để đậy nắp chặt lại. Cô bảo mẫu đến giường nào là cu cậu tìm ngay được bình sữa đó cho em bé. Nó còn cầm một bình sữa và đút cho em bé ngồi dãy đầu tiên. Bin chưa làm việc này cho ai bao giờ.
Con trai cứ thắc mắc sao bố mẹ các em lại bỏ các em vào trại mồ côi. Sao các em hiền lành và dễ thương như thế mà nỡ cho người khác... Tôi cũng cố gắng tìm những từ dễ hiểu nhất để giải thích cho “nhà hảo tâm nhỏ tuổi” của mình. Tôi không muốn con biết quá nhiều về sự vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, nó quá nhỏ để phân biệt đúng sai. Tôi chỉ muốn con trai mình biết rằng, đứa trẻ nào cũng cần được chăm sóc và nâng niu.
Cu cậu bảo “em bé này giống cu Ben nhà cô Mai mẹ nhỉ, chân tay nó cũng bé bé xinh xinh”. Tôi nhìn thấy ánh mắt con trai dịu dàng khi ngắm những đứa trẻ mồ côi, nó cảm thấy mình lớn hẳn lên và bao dung với bọn trẻ.
Tôi đùa với bé Huy đang chạy quấn quýt đòi con trai sang phòng bên cạnh để chơi: “Huy cẩn thận nhé, nếu anh giơ tay lên là chạy lẹ!”. Con trai nhìn tôi cười bẽn lẽn: “Mẹ cứ làm như lúc nào con cũng đánh trẻ con”.
Tôi bất ngờ với kết quả ngoài mong đợi của mình. Điều kỳ diệu nhất là từ đó cậu con trai tôi không còn mắng mỏ hay đánh em nữa. Bin tự tháo “lệnh cấm” trước cửa và phòng không còn đóng im ỉm.
Nhiều lúc mình lo bảo vệ những đứa bé mà vô tình đã không công bằng với những đứa trẻ lớn hơn. Những đứa trẻ không thể hiểu vì sao lại phải nhường, phải chấp nhận thua chỉ vì nó đã lớn. Mình không thể dạy con phải yêu em bé nếu như em bé được nâng niu, chiều chuộng và được người lớn bênh chằm chặp, thậm chí nhiều lúc đứa lớn bị quát mắng, đòn roi chỉ vì tiếng khóc, tiếng hét và cả chuyện mách lẻo của đứa nhỏ. Dạy lòng nhân ái cho con không cần phải giải thích dài dòng, nhiều lúc chỉ cần cho trẻ cơ hội để cảm nhận bằng tay, bằng mắt, bằng cảm xúc thật của mình là đủ. Khi một đứa trẻ bắt đầu lớn thấy những em bé non nớt, yếu đuối thì sẽ đem lòng thương xót. Chúng sẽ thấy mình cần dang tay che chở những đứa trẻ nhỏ hơn mình và lòng bao dung sẽ rộng mở hơn.