Con trai vừa bỏ nhà đi bụi. Chồng điện thoại năn nỉ, thuyết phục; cuối cùng, con hứa sẽ quay về với điều kiện muốn nói chuyện với chồng như hai… người đàn ông, dù con chỉ mới 15 tuổi.
Cha con hẹn gặp ở quán cà phê. Chiều cuối năm se lạnh mà chồng liên tục vã mồ hôi trước những lời gan ruột của con. Con ấp úng mở đầu câu chuyện: “Mọi thứ diễn ra trong gia đình mình đều là giả dối. Con không chịu được nữa”. Con hỏi cha: “Rốt cuộc, ba với cô Lâm có gì không?”.
Lâm mới về nhận công tác ở cơ quan chồng, chưa quen việc nên theo chồng nhờ hướng dẫn cũng là bình thường. Rủi sao, đó lại là cái cớ phát sinh “lời ong tiếng ve”. Tiếng đồn đến tai vợ. Kết quả, không riêng chồng mà các con cũng bị vạ lây, cùng gánh chịu những hờn giận, trách móc của vợ. Không khí gia đình luôn căng thẳng, vợ hết xỉa xói chồng “ham hố” đến chửi xéo các con “làm người cho ra người” mỗi khi con mắc lỗi. Đâm nản, mỗi chiều về đến nhà, hễ thấy mặt vợ… bí xị là chồng quay xe, dông thẳng đến quán nhậu. Đúng một tuần như vậy thì vợ thua, trở lại ngọt ngào, vui vẻ như trước. Con trai giải thích: “Mẹ chỉ đóng kịch thôi, chứ còn giận ba lắm. Ba không thấy có gì khác lạ sao?”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Con cúi đầu: “Không có ba ở nhà, mẹ rất hung dữ, anh em con làm gì mẹ cũng không vừa lòng, cũng quát mắng. Con chưa kịp quét nhà, mẹ cầm chổi phang vào con, mắng con là cái thứ ăn hại, vô dụng. Em Mai điểm toán kém, bị cô giáo phê bình, mẹ cầm cuốn tập xé nát. Chỉ khi ba về đến nhà, mẹ mới trở lại là mẹ của trước đây. Mẹ nói cười với ba. Mẹ bắt tụi con cũng phải vui vẻ. Ngày nào ba về trễ, mẹ kêu tụi con cùng đợi cơm ba”. Chồng choáng váng, giận run trước những lời của con. Hóa ra, cái không khí… bỗng dưng đầm ấm của gia đình chỉ là màn kịch. Chồng giật mình nhớ ra, có hôm chồng về rất trễ, bữa cơm dọn ra, các con ăn như chưa từng… được ăn. Chồng ngạc nhiên, hỏi đợi ba làm gì thì vợ cướp lời: “Bảo ăn trước, có đứa nào chịu ăn. Hai đứa nói đợi ba về để cùng ăn cho vui”… Con trai kéo chồng về thực tại: “Mẹ nói phải như vậy để ba thấy gia đình đầm ấm mà quý trọng vợ con, từ đó không thương cô Lâm nữa”. Chồng như nghẹt thở, trách mình đã không nhìn ra ánh mắt thẳm buồn của các con.
Con lại hỏi: “Ba có nhớ hôm đám giỗ ông nội không, cô Lâm mang đến giỏ trái cây rồi cho em Mai mấy hộp sữa. Lúc có ba ở đó, mẹ cười rất tươi, bảo em Mai nhận quà của cô Lâm nhưng sau đó, mẹ dẫn em ra sau nhà giật mấy hộp sữa trên tay em vứt thùng rác. Mẹ chửi em Mai là cái đồ… giống cha, ham của lạ!”. Cảm giác nóng ran trong chồng chuyển thành cơn ớn lạnh. Chồng rùng mình nhớ hôm chồng bất ngờ về sớm, mới đến ngõ đã nghe tiếng vợ: “Lũ bây biến hết cho tao nhờ”. Nhưng khi thấy chồng, giọng vợ rất ngọt: “Hai nhóc đâu, phụ mẹ nhặt rau nấu cơm nè”. Con trai vờ không nghe thấy, bỏ lên lầu. Còn con gái tiến đến mẹ với vẻ sợ sệt, mắt đỏ hoe.
Con trai bảo: “Ba bỏ cô Lâm đi, để mẹ không đóng kịch nữa”. Chồng đau nhói trước đề nghị của con. Vậy là, những gì chồng giải thích về mối quan hệ với Lâm, vợ chỉ giả vờ tin. Vẫn đinh ninh chồng có tội, vợ dựng lên màn kịch “lạt mềm buộc chặt” mỗi khi có mặt chồng; còn sau lưng, bao oán hờn vợ trút lên đầu con. Sau cuộc trò chuyện, chồng nghĩ, vợ chồng phải ngồi lại với nhau trong tư cách của người làm cha mẹ. Hành xử của vợ không những tạo áp lực, khiến các con khiếp sợ, mà còn là khởi nguồn của thói giả dối, e sẽ “lậm” vào tính cách các con. Làm cha mẹ, trước hết phải chân thành với con, thẳng thắn trong mọi tình huống, để con không sống trong hoài nghi, bất an trong chính gia đình mình.