Trứng, cá, quả táo… là những loại thực phẩm giúp phát triển trí não trẻ cực hiệu quả
Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Ngoài tính di truyền (vốn có tỷ lệ không cao), sự phát triển trí não của trẻ phụ thuộc rất lớn vào nguồn dưỡng chất từ thực phẩm mà cơ thể được cung cấp. Dưới đây là 9 loại thực phẩm đã được chứng minh rất tốt cho sự phát triển não bộ mà các mẹ nên bổ sung cho con trước thềm năm học mới.
1. Trứng
Trứng chứa rất nhiều dưỡng chất như choline, Omega-3, kẽm, lutein, trong đó quan trọng nhất là axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ. Do đó, ăn trứng không chỉ giúp tăng cường trí nhớ mà còn giúp con cải thiện độ tập trung.
Các mẹ có thể cho con ăn bánh mỳ kẹp trứng ốp lát vào mỗi buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. Chế độ ăn kết hợp protein – carbohydrate này có thể giúp con đủ no đến bữa ăn tiếp theo mà không cần dùng đến đường hay các loại thức ăn nhanh.
Trứng không chỉ giúp tăng cường trí nhớ mà còn giúp cải thiện độ tập trung của con (Ảnh minh họa)
2. Cá
Chất béo tự nhiên trong cá được coi là nguồn cung cấp vitamin D và Omega-3 tuyệt vời. Những chất này chính là vũ khí giúp con chống lại tình trạng kém tập trung và suy giảm nhận thức. Các loại cá mẹ nên cho con ăn gồm có cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi và các loại cá tương tự.
Mỗi tuần mẹ nên cho con ăn ít nhất 2 bữa cá, có thể là cá nướng bỏ lò hoặc luộc. Khi chế biến, các mẹ nên lưu ý vì những lợi ích sức khỏe mà cá mang lại có thể sẽ mất đi nếu cá được rán quá kỹ. Ngoài ra, các mẹ có thể bổ sung Omega-3 cho con bằng cách cho con uống dầu cá. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đều nhận định rằng hấp thu Omega-3 từ việc ăn cá vẫn tốt hơn từ việc uống các viên dầu cá bổ sung.
3. Thịt “sạch”
Thịt là nguồn thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển cả về thể chất và trí não của con. Tuy nhiên, thịt động vật được nuôi bằng chất kích thích chính là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng“sương mù não”, một triệu chứng rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ rõ ràng cũng như trí nhớ của con. Do đó, khi mua thịt, các mẹ nên chọn mua ở những quán quen, tránh mua những loại thịt có chất bảo quản, chất tạo màu và các thành phần có hại khác.
4. Các loại rau củ có màu sáng đậm
Rau củ là nguồn thực phẩm giàu vitamin C và chất chống oxi hóa, không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp bảo vệ não bộ khỏi những gốc tự do, vốn là kẻ thù của não bộ. Do đó, đây là loại thực phẩm cần thiết mẹ nên cho con ăn hàng ngày.
Khi mua, các mẹ nên chọn những loại thực phẩm có màu sáng đậm như các màu xanh, đỏ, cam, bởi đó là những loại rau củ có nhiều dưỡng chất nhất. Bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, giá đỗ, khoai lang, cà rốt... là những loại rau rau củ các mẹ nên cho con ăn thường xuyên.
Khi mua rau củ, các mẹ nên chọn những loại có màu sáng đậm (Ảnh minh họa)
5. Các loại hạt
Chứa rất nhiều protein, axit béo, vitamin và khoáng chất cần thiết, các loại hạt như lạc, hướng dương, bí ngô, vừng, hạnh nhân...không chỉ giúp “bôi trơn” các cơ quan thuộc hệ tuần hoàn mà còn có tác dụng làm dịu não bộ của con bởi những loại hạt này chứa Tryptophan, chất có tác dụng tạo sự thoải mái và thư giãn cho cả cơ thể. Đối với những loại hạt này, các mẹ có thể cho con ăn trực tiếp, trộn với salad hoặc làm lạc vừng.
6. Bột yến mạch
Bột yến mạch là loại thực phẩm giàu glucose, nguồn năng lượng chính của não bộ. Nguồn glucose có trong bột yến mạch thường được cơ thể bẻ gãy rất chậm, do đó nguồn năng lượng cung cấp cho não được duy trì lâu.
Thêm vào đó, protein và chất xơ có trong bột yến mạch còn giúp lưu thông các mạch máu não, giúp não hoạt động tốt hơn. Do đó, để chuẩn bị tốt cho năm học mới, các mẹ nên sớm bổ sung bột yến mạch vào chế độ ăn của con.
7. Quả việt quất, bơ, táo, mận
Việt quất (blueberry) và bơ là hai loại quả được các nhà khoa học chứng minh có khả năng bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng và bệnh tăng huyết áp. Trong đó, bệnh tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây suy giảm nhận thức.
Đối với trái việt quất, các mẹ có thể cho con ăn tươi, để lạnh hoặc sấy khô. Còn đối với trái bơ, bởi loại quả này chứa lượng calo khá cao nên các mẹ chỉ nên cho con ăn ¼ - ½ quả mỗi ngày. Với loại quả này, có lẽ xay sinh tố là cách chế biến dễ dàng và tiện lợi nhất.
Ngoài ra, táo hoặc mận là những loại hoa quả có nhiều chất chống oxi hóa mà mẹ có thể bổ sung cho con. Tuy nhiên, đối với những loại quả này, dưỡng chất thường nằm ở vỏ, do đó các mẹ không nên gọt vỏ mà nên chọn những cửa hàng bán hoa quả có uy tín và rửa sạch trước khi cho con ăn.
8. Sô-cô-lađen
Thành phần có trong sô-cô-la đen tác dụng tích cực lên não bộ có thể kể đến như chất chống oxi hóa, chất kích thích (caffeine) giúp tăng cường sự tập trung. Ngoài ra, sô-cô-la đen còn giúp kích thích cơ thể sản xuất endorphin, một chất giúp giải tỏa căng thẳng. 2-3 gam sô-cô-la đen mỗi ngày là lượng phù hợp các mẹ có thể cung cấp cho con.
2-3 gam sô-cô-la đen mỗi ngày sẽ giúp con tỉnh táo và giải tỏa căng thẳng (Ảnh minh họa)
9. Nước
Tất cả tế bào trong cơ thể đều cần đến nước để phát triển và tế bào não cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, khoảng ¾ thể tích não là nước. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi kiểm tra về sức mạnh của não bộ, những trẻ được cung cấp đầy đủ nước đạt kết quả cao hơn những trẻ bị thiếu nước.
Lượng nước trẻ uống mỗi ngày (ml) được tính = 1000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ - 10 đơn vị). Ví dụ trẻ nặng 13 kg cần: 1000 ml + (3 x 50ml) = 1150 ml, nếu trẻ uống 500ml sữa/ ngày, lượng nước cần bổ sung là: 1150 – 500 = 650 ml. Nói chung trẻ từ 10 tuổi trở lên lượng nước uống gần bằng người lớn: 2 – 2,5l/ngày.
Chỉ còn khoảng một tháng nữa thôi, các con sẽ bước vào năm học mới. Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây các mẹ sẽ giúp con có được sự chuẩn bị tốt nhất về mặt dinh dưỡng trước thềm năm học mới. Chúc các con một năm học đạt được thật nhiều điểm 10.
Theo khampha.vn