Những lúc mẹ ốm, hay có chuyện buồn, khóc, con gái tôi không thể hiện sự quan tâm hay tình cảm trìu mến gì, thường chỉ len lén nhìn mẹ rồi chạy đi chơi.
Con gái tôi 5 tuổi. Cháu khá ngoan và những lúc bình thường tỏ ra rất quấn mẹ. Hàng ngày bé hay nói yêu mẹ và luôn muốn làm mọi việc cùng mẹ (tắm, đánh răng, ăn uống…). Thế nhưng, những lúc mẹ buồn, cháu thường không bày tỏ sự quan tâm gì.
Có lần, tôi rất buồn, khóc sau khi cãi nhau với chồng, thì con cứ coi như không biết, nhất quyết đòi mẹ pha sữa (hoặc làm một việc gì đó mà thường vào giờ đó tôi vẫn làm cho con). Không hiểu có phải con gái tôi vô tâm hay thế nào? Tôi phải dạy làm sao để con biết chia sẻ cảm xúc với người khác và thể hiện sự quan tâm với người thân? (Minh Anh)
Ảnh minh họa: Wallcoo.net.
Trả lời:
Chào bạn,
Trong việc thể hiện hay nhận biết cảm xúc của người khác, trẻ em thường có hành động hay suy nghĩ khác với người lớn. Việc cháu nói yêu mẹ đã được thể hiện theo cách của cháu là cùng làm việc với mẹ, mà đối với trẻ đây là một cách bày tỏ như trò chơi và chúng ta nên biết trẻ chỉ chơi với ai mà trẻ thích, đó là một cách thể hiện tình cảm rất tự nhiên, bình thường. Còn ngược lại, khi bé thấy mẹ buồn, hay đau ốm thì đối với trẻ, đó lại là điều bất thường, trẻ không hiểu tại sao bữa nay mẹ lại có hành vi kỳ lạ và không vui vẻ nên không dám tiếp cận. Với chuyện mẹ khóc cũng vậy, việc đòi mẹ pha sữa là một cách mong muốn được mẹ quan tâm và đây cũng là một cách quan tâm đến mẹ của trẻ.
Vì thế chúng ta không nên trách bé vô tâm mà nên hiểu là bé chưa biết nhận diện cảm xúc theo cách nghĩ như người lớn, chưa biết cách thể hiện đúng nghĩa các cảm xúc yêu thương và lo lắng. Do đó trước khi muốn bé có khả năng bày tỏ và chia sẻ cảm xúc thì chúng ta cần tập cho trẻ nhận biết các cảm xúc, bằng cách chỉ cho cháu hiểu như thế nào là vui, là buồn, là thích thú hay khó chịu...
Bắt đầu từ những việc đơn giản là nói ra cảm xúc như: hôm nay mẹ rất vui, sau đó thể hiện bằng nụ cười và một vòng tay ôm ấp. Hoặc hôm nay mẹ không vui, mẹ buồn và sau đó là một biểu hiện cho trẻ biết như thế nào là buồn. Trẻ sẽ hiểu nghĩa của các cảm xúc và từ đó sẽ có được những đáp ứng phù hợp với tình trạng vui buồn hay mệt mỏi của bố mẹ.