Giảm giá từ 50 đến 70% nhưng vẫn ế là tình trạng chung của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp ở TP.HCM.
Mùa giảm giá ở TP.HCM thường bắt đầu trong tháng 12. Đây là thời điểm mà những hộ buôn bán cần nguồn tiền lớn để nhập hàng về bán hàng phục vụ Noel, Tết dương lịch, Nguyên đán. Hầu hết các cửa hiệu đều thanh lý hàng tồn, nên mức giảm giá thậm chí còn thấp hơn giá nhập.
Dạo quanh các trục đường lớn ở TP.HCM từ đầu tháng 12 đến nay, người tiêu dùng dễ choáng ngợp trước rừng băng rôn, bảng thông báo giảm giá, khuyến mãi, bán hàng thanh lý … được treo trước cửa các trung tâm mua sắm, cửa hàng, cửa hiệu thời trang từ cao cấp đến bình dân.
Tại TP.HCM, mùa Noel và Tết dương lịch được xem là dịp để tín đồ thời trang săn các món hàng hiệu với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay, mặc các thương hiệu ra sức khuyến mãi, người tiêu dùng vẫn thờ ơ
Trên những tuyến đường chuyên bán hàng thời trang ở trung tâm TP HCM như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3)…, hầu hết các cửa hàng đều trưng biển khuyến mãi từ 30%-70% nhưng vẫn vắng khách mua.
Ghi nhận tại trung tâm mua sắm Parkson (Q.1, TP.HCM), các thương hiệu nổi tiếng như JS.From, Valentino, Foci, Calvin Klein… đều trưng bảng giảm giá đến 50%. Ngoài ra còn rất nhiều các hình thức khuyến mại hấp dẫn khác nhằm thu hút khách hàng, nhưng vẫn không ăn thua. Khách hàng chủ yếu đến các trung tâm mua sắm để tham quan, lượng người hỏi mua rất ít, dù nhân viên rất niềm nở mời chào.
Dù sử dụng nhiều chiêu thức khuyến mại, như giảm 10% với sản phẩm đầu tiên, giảm 20% với sản phẩm thứ 2...nhưng cửa hàng này vẫn ế khách
“Giảm giá đến mấy khách cũng không mua, đa phần chỉ vào xem, hỏi giá sơ sơ rồi quay lưng ra đi. Năm qua kinh doanh không thuận lợi, hy vọng dịp cuối năm sẽ khác nhưng gần hết mùa khuyến mãi rồi mà cũng không có gì tiến triển”, quản lý một cửa hiệu giày ở Thương xá Tax (Q.1) cho biết.
Trong khi đó, theo nhiều chủ cửa hiệu thời trang cao cấp tại trung tâm thương mại Diamond Plaza, năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh thời trang đã bung khuyến mãi mạnh từ giữa năm chứ không đợi đến cuối năm. Quy mô giảm giá năm nay cũng rầm rộ hơn và mức giá giảm cũng cao hơn. Nếu mức giảm cao nhất các năm trước chỉ 50% thì năm nay nhiều nhãn hàng giảm đến 70-80%, thời gian giảm cũng kéo dài hơn, vì từ đầu năm đến giờ sức mua rất thấp. Tuy nhiên, các biển hiệu giảm giá dù hấp dẫn đến đâu vẫn không mấy thu hút người mua.
Nhân viên tụ tập nói chuyện vì không có khách để phục vụ
Sức mua ảm đạm ngoài nguyên nhân chung của kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, thì theo chia sẻ chị Đặng Nhật Ánh (Q.7), các thương hiệu thời trang nổi tiếng dù giảm đến 50, 70% vẫn còn ở mức giá khá đắt so với thu nhập của nhiều người. Ở trung tâm mua sắm Crescent Mall (Q.7), giá phổ biến một đôi giày khoảng 3 - 3,5 triệu đồng, áo thun nam khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, đầm váy khoảng 2-3 triệu đồng nếu giảm 30-50% thì người dùng bình dân vẫn khó chấp nhận bỏ trên 1 triệu đồng để mua. Chưa kể những mặt hàng giảm nhiều thì lại lỗi mốt, lỗi size, lỗi mùa...nên khách không có nhiều lựa chọn, chị Ánh cho biết thêm.
Ở các cửa hàng thời trang bình dân, không khí mua sắm có vẻ tấp nập hơn, nhưng vẫn không như các năm trước
Tình trạng chung của các trung tâm thương mại lớn mùa mua sắm cuối năm nay thường vắng hoe. Nếu có khách thì phần lớn chỉ tập trung vào các sản phẩm có giá thấp, không quá 500.000 đồng.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng gần đây bắt đầu chuộng hàng xách tay từ nước ngoài, dù nguồn gốc và chất lượng chưa được kiểm chứng, nhưng lại có mức giá khá “bèo” so với hàng hiệu được bán trong nước. Do đó, khách hàng tầm trung cũng không mấy mặn mà chi tiền triệu với các loại hàng hiệu giảm giá nữa