Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ tổ chức tiêm lại vắc-xin Quinvaxem cho trẻ, bắt đầu từ 11/11 đến hết tháng 1/2014.
Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh ước tính, mỗi tháng sẽ có 72.000 trẻ em được tiêm vắc-xin Quinvaxem theo lịch tiêm và tiêm bù, với tổng số 216.000 liều. Nếu tính thêm số trẻ em tiêm các mũi tiêm chủng khác như sởi 1, sởi 2 và DPT4, toàn thành phố sẽ có 88.000 trẻ được tiêm chủng trong một tháng. Đây là con số khá lớn nên nếu không tổ chức tốt thì dễ dẫn đến tình trạng quá tải.
Ảnh minh họa
Để đảm bảo an toàn trong đợt tiêm chủng lần này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận huyện thực hiện đúng qui trình tiêm chủng, phải khám rà soát bệnh trước khi tiêm, khi có phản ứng phải lập tức báo cáo lên thành phố. Đặc biệt, trạm y tế phải tuyên truyền đến người dân về các phản ứng sau tiêm, cung cấp cho người dân số điện thoại liên hệ của các bác sĩ ở trạm y tế.
Đối với trẻ đã tiêm mũi trước là tiêm dịch vụ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện tiếp tục tổ chức tiêm dịch vụ. Các bác sĩ phải khám sàng lọc và tư vấn kỹ về tiền sử các loại vắc-xin và xem sổ tiêm chủng của trẻ để có thông tin chính xác về vấn đề này.
Hà Nội: Siết chặt quy trình tiêm chủng
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm trở lại vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem. Theo đó, 68.000 liều vắc xin đã được chuyển đến trung tâm y tế 29 quận huyện để cấp cho 577 điểm tiêm chủng tại 577 xã, phường. Với quy định mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, trung bình các xã, phường sẽ tiêm trong 2-5 ngày.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, việc tiêm chủng cho trẻ sẽ phòng ngừa được nhiều bệnh, do đó mong muốn các bà mẹ hãy đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng đầy đủ.
Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ tất cả quy định của Bộ Y tế và sẽ nỗ lực hơn để công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt. Đối với các trang thiết bị phục vụ tiêm chủng, như: tủ lạnh, phích bảo quản vắc xin, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ; các trang thiết bị phục vụ tiêm vắc xin; trang thiết bị cấp cứu sốc phản vệ; trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn; trang thiết bị lưu vỏ vắc xin, bơm kim tiêm đã sử dụng... đều được chuẩn bị đầy đủ.
Đồng thời ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường, như sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất thường đó.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, sau tiêm Quinvaxem, trẻ thường có biểu hiện sốt, nóng đỏ chỗ tiêm. Vì vậy, khi thấy con sốt, các bà mẹ cần đắp khăn mát trên trán trẻ, thậm chí có thể dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, đồng thời luôn theo dõi sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ tuyệt đối không xoa, bóp, chườm hoặc đắp bất kỳ thứ gì vào vết tiêm của con, kể cả trường hợp vết tiêm sưng, đỏ. Bởi vì làm như vậy có thể khiến vùng tiêm nhiễm trùng, áp xe, hoặc làm mất tác dụng của vắc-xin.
Theo Minh Hải (VnMedia.vn)