Theo các bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần, dùng rượu quá đà, nghiện rượu có thể gây tổn thương đa cơ quan từ thần kinh T.Ư đến tâm thần, tim mạch, hệ cơ, suy thận, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Bất kể biến chứng trên cơ quan nào của cơ thể cũng có thể khiến người nghiện rượu tử vong.
Tàn phá thể xác và tâm thần
PGS. TS Trần Hữu Bình, Trưởng phòng điều trị nghiện chất, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), Phó Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội cho rằng, hiện nay, rượu bia tràn ngập thị trường, dường như xã hội càng phát triển, rượu bia càng phát triển theo.
Theo PGS. TS Trần Hữu Bình, rượu, bia là chất tác động tâm thần. Nếu sử dụng ở mức độ an toàn thì nó sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng không an toàn, lạm dụng, nghiện ngập rượu bia sẽ có tác dụng ngược lại, ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tâm thần, hành vi, tâm tính. Người nghiện rượu bia thường thèm muốn một cách mãnh liệt.
Rượu bia quá đà tàn phá thể xác và tâm thần con người. Ảnh: Hoài Anh.
Khi bỏ thì xuất hiện hội chứng cai rượu. Hội chứng này xuất hiện một cách khủng khiếp, phát động toàn bộ hệ thống thần kinh thực vật và nội tạng đưa người bệnh vào tình trạng khốn đốn, có bệnh nhân trở nên vật vã, vã mồ hôi, co giật và hôn mê, có người rối loạn về hành vi, nhân cách và có thể giết người trong bối cảnh như thế.
PGS. TS Trần Hữu Bình cho rằng, nghiện rượu bia để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe con người cũng như xã hội. “Rượu bia quá đà tàn phá về thể xác và tâm thần con người. Nó đưa đến hàng loạt các bệnh tật”. Các bệnh lý về tim mạch: Cao huyết áp, tai biến mạch máu não, các bệnh lý của tim, vành tim; Bệnh lý tiêu hóa: Chảy máu, viêm loét dạ dày, viêm gan, xơ gan, viêm suy thận; Bệnh lý thần kinh: Viêm nhiễm đa dây thần kinh ngoại biên; Các bệnh lý của tâm thần gây ra các hiện tượng ảo giác, sảng, suy giảm trí nhớ mà mất trí do rượu.
Về mặt xã hội, người uống rượu bia quá đà, say xỉn sẽ gây ra các hành vi gây rối trật tự, đánh nhau, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, gây tai nạn giao thông.
Uống dễ, bỏ khó
Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai Hà Nội) thường cấp cứu và điều trị những ca ngộ độc rượu cấp hàng ngày. Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Đàm Chính, bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp ở trung tâm rất đông, hầu như ca trực nào cũng có. Bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp có nhiều biểu hiện khác nhau, ho khạc, viêm phổi sặc; Uống mà không ăn dẫn đến hạ đường huyết, hôn mê, co giật; Nôn nhiều dẫn đến hạ kaly máu; Hạ thân nhiệt do uống rượu ngồi chỗ lạnh bị trúng gió. Theo BS Chính, bất kỳ một triệu chứng nào kể trên nếu không được điều trị kịp thời đều có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Ngoài điều trị ngộ độc rượu cấp, mỗi tuần Trung tâm chống độc tiếp nhận 1-2 ca nghiện rượu mạn tính từ Viện Sức khỏe tâm thần chuyển sang. Đây là những bệnh nhân có những biến chứng nặng do quá trình dùng rượu lâu dài gây ra. BS Chính cho biết, những bệnh nhân này thường có các biểu hiện là lên cơn run nhiều, nhẹ là run các đầu ngón tay, ngón chân, nặng là run bàn tay, bàn chân và nguy hiểm hơn là co giật toàn thân và gây ra hội chứng tiêu cơ vân cấp, từ đó gây ra một loạt các biến chứng trong đó phổ biến nhất là suy thận cấp.
Với những bệnh nhân bị loạn thần quá nặng, các loại thuốc không còn có tác dụng điều trị gây ra co giật, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong. Những bệnh nhân này khi sang Trung tâm chống độc phải thở bằng máy, và được dùng các biện pháp điều trị tích cực để hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, việc điều trị cho những bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn do họ dùng rượu lâu ngày gan hỏng, thể trạng suy yếu, cơ địa dễ nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy giảm.
BS Nguyễn Đàm Chính cho rằng, dùng rượu mạn tính (nghiện rượu) có thể gây tổn thương đa cơ quan từ thần kinh T.Ư cho đến tổn thương về mặt tâm thần, tim mạch, hô hấp, hệ cơ, suy thận, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
Những bệnh nhân nghiện rượu thường rất khó bỏ, bởi rượu là thức uống quá phổ dụng, rất dễ kiếm, thường sau một thời gian cai, bệnh nhân lại tái uống. “Việt Nam có thói quen uống rượu lâu đời, lý do uống rượu thì vô vàn nên khuyên bảo một người không uống rượu có lẽ là giáo điều.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể uống rượu nhưng trong mức độ an toàn cho phép, có lợi cho sức khỏe không nên ép nhau, và chọn loại rượu có nguồn gốc an toàn, tránh uống phải rượu độc”, BS Nguyễn Đàm Chính khuyên.