Phụ nữ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn.
Bên cạnh việc giữ gìn vóc dáng cân đối, thon thả, công bố mới đây của Trung tâm nghiên cứu Lawrence Berkeley National Laboratory ở California, Mỹ, còn cho thấy tác dụng không ngờ nữa của thể thao. Theo đó, phụ nữ luyện tập thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn.
Tích cực tập luyện thể dục thể thao giúp phụ nữ bảo vệ bản thân trước nguy cơ ung thư vú. Ảnh: Women’s Health.
Trên trang Women’s Health, nhóm nhà khoa học đã trình bày kết quả phân tích dữ liệu từ nghiên cứu sức khỏe National Walkers' and Runners' Health Studies nhằm đánh giá mối tương quan giữa nguy cơ ung thư vú với mức độ tập luyện thể dục của chị em.
Một nghiên cứu kéo dài 11 năm cho thấy, hàng tuần phụ nữ tập luyện ít nhất một giờ thể dục cường độ cao, hay 90 phút thể dục với cường độ trung bình thì nguy cơ chết vì ung thư vú giảm 42%. Yếu tố hoạt động thể dục trong nghiên cứu được đánh giá độc lập với chế độ dinh dưỡng, vòng eo, vòng mông hay tiền sử ung thư vú của gia đình.
Kết quả nghiên cứu trên cũng phù hợp với hướng dẫn tập luyện của Trung tâm quản lý dịch bệnh Mỹ (CDC): Hàng tuần, mỗi người nên có ít nhất 75 phút thể dục cường độ cao hay 150 phút tập luyện với cường độ trung bình.
Cường độ tập luyện cao hay trung bình thể hiện qua mức năng lượng tiêu hao trong quá trình vận động. Thực tế có một số phương pháp để đánh giá mức độ gắng sức, tuy nhiên đơn giản và dễ áp dụng nhất là “talk test” (tạm dịch là “thử nghiệm lời nói”).
- Vận động mức độ trung bình là khi bạn vận động thân thể (có tăng nhịp thở và nhịp tim), nhưng vẫn có thể nói chuyện bình thường, không thể hát.
- Vận động mức độ cao là khi bạn chỉ có thể nói vài chữ, sau đó phải ngắt quãng để thở.
Như vậy, chị em có thêm cho mình một động cơ để tích cực tập luyện thể dục thể thao, bảo vệ bản thân trước nguy cơ ung thư vú - nỗi ám ảnh của phái đẹp thời @.