Rửa bát là công việc hàng ngày, tưởng chừng đơn giản đối với nhiều chị em phụ nữ, tuy nhiên vẫn có những sai lầm mà chị em dễ mắc phải. Dưới đây là 7 "lỗi" chị em cần phải tránh tuyệt đối để giữ gìn sức khỏe toàn diện cho cả gia đình.
Dùng nước rửa bát rởm
Nhiều bà nội trợ có sở thích ham rẻ, ham khuyến mại nên đã "rước" những can nước rửa bát 3 không (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) trôi nổi trên thị trường về nhà mà không biết được rằng đây là một mầm mống gây hại cho sức khỏe. Bởi nước rửa bát rởm chứa nhiều hóa chất độc hại.
Nước rửa bát dởm khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cụ thể là nếu ăn phải thức ăn đựng trong bát đĩa rửa chưa sạch, chất Natri hiđroxit sẽ tác động xấu đến dạ dày, ăn mòn miệng, làm chức năng của hệ men tiêu hóa của bạn bị suy giảm. Nếu để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong nước rửa bát thì sẽ khiến da mỏng đi, dễ bị bào mòn, viêm da.
Tuyệt đối không mua những mặt hàng trôi nổi thế này
Trường hợp dùng lâu ngày sẽ dễ bị ung thư da do tế bào da bị phá huỷ. Nếu ai hít quá nhiều và thường xuyên chất tạo mùi có trong nước rửa bát sẽ bị ảnh hưởng không tốt đến phổi, hệ hô hấp và hệ thần kinh, lâu ngày có thể bị đau đầu, khó thở, thở gấp.
Ngoài ra, nước rửa bát trôi nổi thường dùng toàn phẩm màu công nghiệp không có nguồn gốc rõ ràng, rất dễ gây ngộ độc nếu không được rửa thật kỹ với nước sạch.
Do đó, các bà nội trợ tuyệt đối không mua nước rửa chén, bát hàng rẻ tiền, hàng không nhãn mác mà nên mua nước rửa bát có thương hiệu nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn quốc tế ở những cửa hàng uy tín,
Không đeo găng tay khi rửa bát
Dù nước rửa bát của bạn có xịn đến đâu đi nữa thì bạn cũng nên bảo vệ đôi tay của mình bằng cách đeo găng mỗi khi rửa chén bát.
Muốn có đôi tay đẹp, hãy đeo găng khi rửa bát đĩa
Đối với những người phải làm công việc rửa bát thuê ngoài hàng quán, ngoài việc đeo găng tay thì nên đeo thêm khẩu trang để hạn chế tiếp xúc lâu dài với mùi bay ra từ nước rửa bát.
Lấy nhiều nước rửa bát cho một lần dùng
Đôi khi thấy bát đĩa quá bẩn, bà nội trợ sợ rửa không sạch nên dùng một lượng lớn nước rửa bát để rửa.Theo các nhà nghiên cứu, đúng là lượng nước tẩy rửa nhiều sẽ gia tăng hiệu quả làm sạch. Tuy nhiên, "tác dụng phụ" của nó là rất khó rửa sạch hết hóa chất, những chất còn sót lại sẽ thôi ra thức ăn khi dụng cụ đó được tái sử dụng.
Nếu bạn không muốn lãng phí nước rửa chén thì nên có ngay miếng rửa chén tạo bọt. Với cùng lượng nước rửa chén, công cụ rửa tạo bọt này có thể giải quyết được gấp đôi số chén đĩa bẩn so với loại giẻ không tạo bọt.
Chọn miếng tạo bọt sẽ giúp bạn tiết kiệm được lượng lớn nước rửa bát
Đổ nước rửa bát trực tiếp lên chén đĩa
Nhiều người nghĩ rằng đổ trực tiếp dung dịch nước rửa chén đậm đặc lên chén đĩa thì hiệu quả tẩy rửa sẽ cao hơn. Đúng là như vậy, song các nhà nghiên cứu khuyến cáo không nên đổ nước tẩy rửa trực tiếp lên dụng cụ đựng thức ăn bởi làm như vậy vừa lãng phí mà khả năng sau khi tráng lại bằng nước sạch, lượng hóa chất còn sót lại trên bề mặt chén đĩa nhiều. Khi được tái sử dụng để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại trong đó sẽ thôi ra đồ ăn, đi vào cơ thể người, về lâu dài sẽ gây bệnh.
Vì thế lời khuyên cho mọi người khi dùng nước rửa bát là hãy pha loãng nước rửa bát với nước sạch theo tỉ lệ 2/8, kết hợp với miếng rửa tạo bọt là cách cân bằng cả hai mục tiêu vệ sinh và tiết kiệm. Nên chọn mua nước rửa chén loại đậm đặc của các nhãn hiệu uy tín trên thị trường. Những sản phẩm này có thể đắt hơn loại trôi nổi một chút nhưng cho khả năng tạo bọt nhiều hơn, rửa được nhiều chén đĩa hơn. Ngoài ra, chén đĩa sau khi rửa còn lưu lại hương thơm tự nhiên dễ chịu như chanh hay trà xanh mà không độc hại cho da tay.
Sau khi rửa, chỉ tráng qua loa
Một số bà nội trợ bận rộn thường viện lý do "không có thời gian" nên khi rửa chén thường chỉ tráng qua loa sao cho nhìn thấy không còn bọt chất tẩy rửa là được. Tuy nhiên bạn không biết rằng bằng cảm quan chúng ta khó có thể nhận thấy các hóa chất vẫn còn bám trên bề mặt chén đĩa nếu chỉ được tráng sơ qua.
Do đó, để làm sạch các chất này chẳng còn cách nào khác là bạn phải tráng cho thật kỹ, từ 2 đến 3 lần trong chậu nước sạch sau khi rửa.
Ngâm dụng cụ đựng thức ăn trong dung dịch nước rửa chén quá lâu
Đừng thấy chén đĩa quá bẩn mà bạn nghĩ rằng phải ngâm chúng trong nước tẩy pha loãng qua một đêm mới sạch hết được. Thực chất thời gian ngâm dụng cụ đựng thức ăn trong dung dịch tẩy rửa càng lâu thì nguy cơ các hóa chất đó ngấm vào chén đĩa càng cao. Thậm chí đối với các loại đũa, muỗng làm bằng chất liệu dễ thấm như tre hoặc gỗ khi đã ngấm hóa chất thì không thể tẩy rửa sạch được.Do đó, hãy rửa sạch chén bát dưới vòi nước chảy.
Dùng bột giặt để rửa chén bát
Vì một lý do nào đó, có thể do nhỡ, chị em nội trợ hồn nhiên lấy bột giặt để rửa bát đĩa với lý do chúng mang tính chất làm sạch như nhau. Đây là một việc làm tai hại bởi các hóa chất có thể sót lại trong quá trình rửa và tráng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra bệnh ung thư, viêm gan, dạ dày, túi mật, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể...