Thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể lực, trí tuệ và có thể dẫn đến một số tai nạn, do đó cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo nhu cầu chất sắt ngay từ khi còn nhỏ.
Thiếu máu do thiếu sắt là một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất trên thế giới, nhất là ở những nước đang phát triển. Các kết quả điều tra cộng đồng về tình trạng thiếu máu ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ phụ nữ và trẻ em bị thiếu máu rất cao, có lúc lên đến 40%.
Biểu hiện và tác hại của thiếu máu do thiếu sắt
Sắt là một vi khoáng chất quan trọng tham gia quá trình tạo máu và là một phần cấu trúc của bộ não. Vì vậy, thiếu sắt sẽ dẫn đến giảm phát triển về trí tuệ và khả năng lao động. Nếu thiếu sắt xảy ra sớm (từ giai đoạn hình thành và phát triển não) có thể dẫn đến tổn thương tế bào não không hồi phục.
Người thiếu máu hay mệt mỏi, chóng mặt, nước da xanh xao, nhợt nhạt, tóc cũng như làn da, móng tay, móng chân khô, sần, sức đề kháng đối với bệnh tật giảm sút.
Trẻ thiếu máu thường chậm hoặc ngưng phát triển về chiều cao và cân nặng. Trẻ nhỏ dễ biếng ăn, suy dinh dưỡng, cơ bắp nhão, kém phát triển não bộ và tâm thần vận động, giảm trí thông minh, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng như viêm mũi, họng, viêm phổi, tiêu chảy... Trẻ lớn khó tập trung chú ý nghe giảng bài, hay buồn ngủ, không hiểu bài, học bài khó thuộc lại mau quên, chạy nhảy hay vui chơi và thể dục thể thao cũng bị hạn chế.
Người lớn thiếu máu cũng không thể tập trung tốt, kém minh mẫn và hay bị sai sót trong công việc, dẫn đến khả năng lao động, học tập và vận động thể lực... bị giảm sút đáng kể.
Nhu cầu chất sắt
Trẻ em đang tăng trưởng, trẻ gái tuổi dậy thì, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có nhu cầu chất sắt cao để tạo máu, nếu không cung cấp đủ sẽ bị thiếu máu. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ hằng tháng bị mất chất sắt qua kinh nguyệt nên dễ bị thiếu máu hơn nam giới.
Nhu cầu chất sắt hằng ngày theo khuyến cáo:
Cách phòng ngừa thiếu máu
Thiếu máu chủ yếu là do khẩu phần ăn hằng ngày không đủ và không cân đối giữa các chất dinh dưỡng, đặc biệt là không đáp ứng đủ nhu cầu chất sắt - thành phần quan trọng của huyết cầu tố, nơi thu nhận oxy để máu đưa đến nuôi dưỡng tế bào, đảm bảo sự sống cho cơ thể. Do đó, để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ với đa dạng các loại thực phẩm và các thực phẩm giàu chất sắt, tăng cường sử dụng các thực phẩm có bổ sung sắt, xổ giun sán định kỳ mỗi 6 tháng cho cả gia đình (cho người trên 2 tuổi).
Các thực phẩm giàu chất sắt thường có màu đỏ như thịt, cá, gan, huyết luộc, lòng đỏ trứng, các loại rau xanh như rau dền, bồ ngót, rau đay, rau muống..., các loại đậu và nấm. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn nguồn gốc thực vật. Các loại trái cây tươi giàu Vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo, sơ-ri, đu đủ, chuối... dùng trong bữa ăn sẽ giúp hấp thu chất sắt từ thực phẩm tốt hơn.
Ngược lại, chất Tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu chất sắt. Do vậy, không nên uống nước trà đặc ngay sau bữa ăn, chỉ nên uống trà loãng và cách khoảng 2 giờ sau ăn.
Một chế độ ăn đa dạng, đủ nhu cầu năng lượng sẽ bổ sung các thành phần dinh dưỡng lẫn nhau, đảm bảo đủ nhu cầu chất sắt cho cơ thể nên sẽ không bị thiếu máu.
Hàm lượng chất sắt trong một số thực phẩm - tính trên 100gr phần thực phẩm ăn được (mg/gr):
Đối với những người có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao như phụ nữ có thai, cần uống bổ sung chất sắt mỗi ngày một liều với 60mg sắt nguyên tố (và 400mcg Acid Folic) ngay từ khi biết có thai cho đến sau sinh một tháng. Phụ nữ tuổi từ 15 - 49 nên bổ sung chất sắt với liều khoảng 60mg mỗi tuần một lần trong 16 tuần mỗi năm