Ho về đêm khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học tập và làm việc...
Thời tiết những ngày đầu đông đang có những dấu hiệu thay đổi nhiệt độ thất thường, ngày ấm đêm lạnh, là điều kiện cho các chứng bệnh về hô hấp phát triển, trong đó có chứng ho về đêm khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học tập và làm việc...
Ho là một triệu chứng hay gặp, nhất là khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hít phải nhiều bụi, khói, khói bếp, khói lò... Ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: thức ăn, bụi... Do đó, ho được coi là một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh.
Ho về đêm chỉ tình trạng không ho vào ban ngày, nhưng cứ đến đêm lại bị ho, có thể ho từng cơn và ho dai dẳng, liên tục. Nguyên nhân và triệu chứng của chứng ho về đêm ở trẻ em và người lớn thể hiện như:
Khi bé bị ho, cần thường xuyên vệ sinh mũi họng cho bé.
Ho về đêm ở trẻ em
Nhiều bé không ho vào ban ngày vì thời điểm này bé đang ở tư thế vận động, các chất nhầy tiết thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Nhưng ban đêm, khi ngủ, các chất nhày ứ đọng trong cổ gây kích thích ho. Chính đờm nhớt sẽ làm bé nghẹt thở, khó chịu không ngủ được và quấy khóc suốt đêm. Bé có thể đau bụng, ho đỏ mặt và cong người vì khi ho, các cơ ở bụng co lại, đẩy cơ hoành lên, tống đờm ra khỏi cổ. Nếu đột ngột thấy trẻ ho sặc sụa, không bị sốt nhưng khó thở, mặt tái đi thì có thể do trẻ đã bị một dị vật vào đường hô hấp.
Trẻ ho về đêm cũng có thể do bị cảm lạnh, bị viêm mũi xoang nên đờm nhầy từ mũi xoang chảy xuống họng kích thích gây ho khi ngủ. Trẻ bị hen cũng hay ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm. Ở những trẻ hen, cơn ho dài và dày khiến trẻ mệt mỏi. Khi trẻ ho nhiều sẽ kích thích phản xạ hầu họng gây nôn trớ.
Với các bé bị ho về đêm hoặc ho lúc ngủ trưa, sặc từng cơn dẫn đến nôn trớ, đây là triệu chứng của ho do trào ngược dạ dày – thực quản. Trẻ bị chứng trào ngược, van dạ dày không tốt, vì vậy, thức ăn và dịch tiết trào ngược lên đường hô hấp dễ gây viêm đường hô hấp. Ho thường xảy ra với các bé hay ăn uống sát giờ đi ngủ, thức ăn không kịp tiêu hóa cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ, gây ứ, trướng dạ dày. Sau một thời gian dài ăn uống đêm liên tục, các cơ của bé suy yếu, không khép kín được miệng trên của dạ dày, tạo đều kiện cho các chất dịch ứ trong dạ dày trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản gây ho sặc từng cơn.
Chăm sóc bé bị ho đêm
Đa số khi thấy con bị ho đêm, các bố mẹ thường áp dụng một số bài thuốc dân gian để giúp con bớt ho. Có thể hấp mật ong với quất, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ... chắt lấy nước cho con uống ngày 3 - 4 lần. Những cách này giúp cho bé giảm ho hiệu quả và lành tính. Cần thường xuyên vệ sinh mũi họng cho bé.
Bố mẹ cũng cần hạn chế cho con ăn uống sát giờ đi ngủ. Tốt nhất, bé nên ăn uống trước khi ngủ 1 giờ. Hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn kích thích ho nhiều hơn như tôm, cua, ghẹ... Trước khi ngủ, hãy cho con uống 1 thìa mật ong ấm giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn. Lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi.
Hãy kê cao gối cho con ngủ, đầu và vai cao hơn thân, ngăn đờm nhớt hay nước mũi ứ lại ở họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói xe cộ, khói thuốc lá và bụi, giữ vệ sinh mũi họng cho bé và môi trường sống.
Ho đêm ở người lớn
Ban ngày có khi chỉ ho húng hắng chốc nhát, không có dấu hiệu của cúm hay viêm họng, nhưng khi ngủ trưa hoặc ban đêm, bạn lại bị ho, thậm chí ngứa họng phải khậm khoạc và ho dai dẳng, liên tục. Tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến bạn khó chịu, mệt mỏi và dễ cáu kỉnh, hiệu suất làm việc sẽ bị ảnh hưởng. Ho về đêm ở người lớn có thể do các yếu tố sau:
Dấu hiệu ho về đêm cũng có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn. (Ảnh minh họa)
Do hen suyễn: Hầu hết những người bị bệnh hen suyễn đều có thể gặp phải các vấn đề hô hấp như ho khan. Vì vậy, dấu hiệu ho về đêm cũng có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn. Những triệu chứng của hen suyễn xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào hoạt động và yếu tố tác động. Những triệu chứng đầu tiên thường là ho và thở rít, các triệu chứng tái đi, tái lại và thường nặng về đêm, khi gắng sức hoặc gặp lạnh. Nhiễm lạnh, cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây bùng phát bệnh hen suyễn, khi đó, người bệnh cảm thấy khó thở, thở rít, ho tăng, khạc đờm tăng, nặng ngực...
Viêm xoang: Khi bị viêm xoang, các xoang bị viêm sẽ bị tắc, bị ngạt mũi, các chất nhày chảy xuống mặt sau của cổ họng. Vào ban ngày, các dịch nhày này được người bệnh xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa. Nhưng về ban đêm, dịch nhày dễ ứ lại nơi cổ họng và gây ho. Chứng nghẹt mũi do viêm xoang khiến người bệnh khi ngủ dễ phải thở bằng miệng, do vậy, họng rất dễ khô, rát và bị ho về đêm.
Trào ngược axit: Bệnh trào ngược axit (hay còn gọi là GERD) cũng gây ho. Khi nằm xuống, các axit gây khó tiêu và ợ nóng trong dạ dày có thể trôi ngược lên phổi dẫn đến ho. Nếu nguyên nhân gây ho và khó chịu về ban đêm đã được xác định thì hãy cố gắng ăn ít hơn vào bữa tối, khi ngủ nên gối cao đầu, việc trào ngược sẽ giảm đi và sẽ bớt ho.
Với tình trạng bị ho đêm kéo dài hơn 5 ngày (kể cả trẻ con và người lớn), kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, ho sâu, khó thở, đau bụng..., người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được dùng thuốc và tư vấn cách trị bệnh hiệu quả, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Theo Khampha.vn