Nhìn thấy vợ chồng hàng xóm dắt nhau ra tòa ly hôn, chị mới giật mình nhìn lại bản thân và cách hành xử của chị với cuộc hôn nhân của mình.
Vốn là một người phụ nữ sắc sảo, ít chịu nhún nhường người khác, chị Phương (Lĩnh Nam - Hà Nội) không chỉ bạo dạn, ghê gớm ngoài xã hội mà còn trở thành người vợ quái kiệt trong gia đình. Trong khi đó anh Việt - chồng chị, là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, chiều vợ thương con đến mức được mọi người xếp vào hàng “sắp tuyệt chủng”. Lẽ thường với người chồng như vậy người phụ nữ sẽ hài lòng và hết mực trân trọng. Thế nhưng chị Phương thì không vậy. Chị chia sẻ rằng một phần vì chủ quan, phần khác vì cá tính sẵn có nên không mấy khi chị đề cao vai trò của chồng trong cuộc sống. Và giờ đây, khi trải qua gần 15 năm chung sống với chồng, chị mới giật mình vì bản thân đã có quá nhiều lần "trịch thượng" với chồng.
Chị giật mình nhận ra những ngày tháng quá mình đã cư xử thô lỗ với chồng (Ảnh minh họa)
Trước đây, chị thường nghĩ những việc anh Việt làm, hoặc sự nhún nhường của anh ấy trong cuộc sống vợ chồng là điều tất yếu. "Trong hai vợ chồng, người này mềm thì người kia phải cứng, có như vậy mới chèo chống được gia đình... Cũng vì thế mà tôi lấn át vai trò trụ cột của anh ấy trong gia đình. Mọi việc công việc tôi đều độc lập đứng ra quyết" - chị nói.
Trong câu chuyện của chị với bạn bè, mỗi lần nhắc đến chồng, chị Phương thường nói những câu cửa miệng như "Ôi dào ôi, lão ấy lành như cục đất, chán lắm, việc gì cũng đến tay mình". Chị thừa nhận rằng có những lúc bản thân không thèm để ý đến những ý kiến của chồng. "Có những khi đuối lý với anh ấy thật nhưng tôi vẫn cố ăn thua đến cùng bằng cách gằn giọng, lớn tiếng để lấn át đi để chồng buộc phải nhường. Và chồng tôi luôn làm thế".
Cũng vì được chồng nhường nhịn nên chị Phương càng không nhận thấy rằng mình làm như vậy là quá đáng với chồng. Nhiều người cũng nói với chị rằng nếu chị cứ giữ thói quen cư xử như vậy sẽ đẩy anh Việt đến với người phụ nữ khác. Tuy nhiên chị vẫn chắc nịch "Có mà thách vàng cũng không dám". Chỉ đến khi chứng kiến cặp vợ chồng hàng xóm vốn được cả khu ca ngợi là yên ấm, hạnh phúc bỗng kéo nhau ra tòa ly hôn chị mới giật mình. Vợ chồng nhà hàng xóm ly hôn và chị thấy lo sợ vì chồng mình có thể đến lúc nào đó cũng giống anh hàng xóm hết chịu đựng nổi thói quen lấn át chồng của vợ.
Phải nói chuyện hàng xóm ly hôn không chỉ là cú đau nhớ đời của riêng chị hàng xóm mà cũng đòn mạnh khiến tôi giật mình thức tỉnh. Trước đến giờ tôi không quan tâm để ý đến lòng tự trọng của chồng. Tôi nhận ra vợ chồng chỉ hạnh phúc bền chặt khi cả hai tôn trọng lẫn nhau. Đã chung sống với nhau thì đừng nên quá đề cao cái tôi của bản thân. Chồng đã chấp nhận nhún nhường mình thì hãy lấy đó là hạnh phúc và cũng nên nhìn lại bản thân để điều chỉnh hành vi của mình. Vợ chồng không có nghĩa là có thể làm ẩu, nói bừa" - chị Phương nói.
Câu chuyện của vợ chồng chị Hương (Cầu Giấy - Hà Nội) cũng có những sự tương đồng với gia đình chị Phương. Và may thay chị Hương cũng kịp thời thức tỉnh, và đưa được con thuyền hạnh phúc của mình vượt qua cơn sóng ngầm do chính chị gây ra.
The lời kể của chị Hương, chồng chị vốn chỉ là công chức bình thường, mức lương thuộc hàng lẹt đẹt so với đồng nghiệp ở cơ quan. Công việc của anh chủ yếu là nghiên cứu. Trong khi đó, chị là sếp lớn của một công ty tư nhân. Chức vụ của chị Hương cao đồng nghĩa với thu nhập lớn. Bởi vậy, mỗi khi hết tháng, đến kỳ lương, anh đưa cho chị thì chị cười cợt nói anh giữ lại mà uống trà đá. Chị cũng thường than vãn, thể hiện sự bất mãn của mình về chồng khi chị mới chính là trụ cột kiếm tiền trong gia đình.
Chị cho biết, ngày anh chị mới lấy nhau, kinh tế khó khăn, trong khi chị mong muốn anh vùng lên làm kinh tế để vực gia đình dậy thì anh lại vùi đầu vào nghiên cứu khoa học. Thi thoảng anh bán ý tưởng mang về đưa cho chị một khoản tiền "có tấm có món". Vậy nhưng chị thì ngẫm nghĩ cuộc sống không thể trông mong vào những khoản tiền bấp bênh và đồng lương ít ỏi của chồng. "Tôi không muốn cuộc sống của hai vợ chồng lúc nào cũng trong cảnh giật gấu vá vai. Anh ấy thì cứ miệt mài theo đuổi khoa học. Chỉ còn cách tôi bứt ra và gạt mọi hi vọng ở chồng sang một bên, tôi quyết không để bản thân phải ngước mắt nhìn thèm những người phụ nữ khác" - chị Hương nói.
Chị cho biết thêm: "Cuộc sống kinh tế thị trường, trong khi nhà nhà đi buôn, người người trở thành tỉ phú. Dạo đó chồng tôi thấy vợ không hài lòng cũng trăn trở, cũng lao vào dạy thêm, nhận thêm việc. Thế nhưng với ngành nghề của anh ấy cộng với kiểu người miệt mài cho nghiên cứu thì số tiền anh ấy mang về không được là bao. Nó không đảm bảo mang lại cho chúng tôi cuộc sống đủ đầy. Tôi nghĩ rằng mình đã không thể trông mong gì ở một người chồng... vô dụng trong chuyện kiếm tiền".
Và chính bởi suy nghĩ đó, tiền lương anh mang về cho chị có tăng lên ngày một thì chị cũng chỉ coi số tiền đó chỉ đủ tiền uống trà đá: “Kinh tế gia đình bấn bít, ai cũng lao vào kiếm tiền để thỏa mãn mục tiêu riêng của bản thân khiến cho vợ chồng tôi ít trao đổi, trò chuyện với nhau” - chị Hương chia sẻ.
Miệt mài với công việc và những chuyến công tác dài ngày, chị Hương không để tâm xem cuộc sống của chồng thế nào. Đôi khi chị thấy anh ngập ngừng đứng trước cửa phòng làm việc của chị rồi lại thở dài đi ra. Nhưng vì công việc dở dang chị lại nhanh chóng gạt đi. "Đến lúc mẹ tôi ốm nằm trong viện. Tôi đi nước ngoài công tác gần nửa tháng trở về, vào viện thăm bà thì mới thấy chồng tất tả chăm nom, bón cho bà từng thìa cháo... Lúc này nhìn thấy bộ dạng của chồng tôi mới nhận ra suốt gần 4 năm qua tôi chỉ vùi đầu vào kiếm tiền, không còn để ý đến những việc xung quanh, đến cảm giác của chồng. Thậm chí có những lúc tôi thấy chồng vô tích sự... Cuộc sống của vợ chồng tôi đã có những con sóng ngầm nho nhỏ xem vào. Cũng may tôi kịp thời nhận ra cuộc sống vợ chồng nếu quá coi trọng đồng tiền thì cũng sẽ nhanh chóng tan như bọt biển" - chị Hương chia sẻ.