Thuận theo mọi chọn lựa trước đó, Thảo vẫn tiến hành lễ rước dâu, ra mắt 2 họ trong trường hợp không có chú rể.
Ngày lành tháng tốt dòng họ hai bên đã chọn để tác thành cho đôi uyên ương. Nhưng vì nhiệm vụ cấp bách, chàng cảnh sát biển phải lên đường khi ngày cưới đã cập kề. Không muốn để chồng tương lai chịu áp lực, cô dâu một mình làm lễ vu quy…
Như nhiều đôi bạn trẻ yêu nhau khác, Võ Thị Diệu Thảo (SN 1991, ngụ thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) và Trương Trường Quang (SN 1989, chủ nhiệm quân y cảnh sát biển vùng 2, đóng tại Núi Thành, quê Quảng Nam) luôn mơ về ngày cưới hạnh phúc. Thế nhưng khi mọi thứ đã sẵn sàng, thiệp được phát đi, nhà hàng cũng đã đặt… thì Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở biển Đông, anh bộ đội nhận lệnh lên tàu ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
Mối tình của những lá thư tay thời công nghệ số
Trước ngày cưới “hụt” một tuần lễ, cô dâu khá bận rộn. Vừa rời nơi làm việc tại trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam, Thảo lại quáng quàng chạy đi lo thay cả phần của chồng tương lai, vì tính đến khả năng chú rể sẽ vắng mặt trong ngày rước dâu.
Năm năm trước, anh bộ đội học tại Học viện Quân y Hà Nội, cô gái học Trường văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Trong một lần tình cờ đi chơi Tết, cả hai chạm mặt nhau ở quảng trường TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) rồi yêu nhau như thể định mệnh. Sau này tốt nghiệp, anh bộ đội về công tác tại đơn vị Cảnh sát biển vùng 2 đóng ở Núi Thành, còn Thảo làm ở TP. Tam Kỳ.
“Dù cùng công tác trong tỉnh, nhưng suốt thời gian yêu nhau, anh Quang cũng thường chỉ vội vàng điện thoại về hỏi thăm em vài câu rồi lại “khóa máy” làm nhiệm vụ chứ ít có cơ hội gặp gỡ”, cô gái nhớ lại.
Vợ chồng chưa cưới Trường Quang - Diệu Thảo
Rồi suy nghĩ lại, Thảo cũng bỏ qua những giận hờn, dù đôi lúc cũng mặc cảm mỗi khi nhìn bạn bè được người yêu đưa rước mỗi ngày. Điểm đặc biệt ở anh bộ đội mà cô gái “càng khó dứt” là anh hay viết thư tay cho cô thay vì nhắn tin, gọi điện thoại trong thời buổi công nghệ số.
Tất cả các lá thư tay chồng chưa cưới gửi, cô đều cất kĩ. Đặc biệt trong những ngày này, những cánh thư cứ đêm đêm lại được cô lục lại đọc, như một cách để vơi đi nỗi nhớ người yêu.
Tháng 11/2013, đôi trẻ tổ chức lễ đính hôn, dự định đầu tháng 6/2014 tới đây làm đám cưới. Hôn lễ đã được ấn định, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhà hàng được đặt xong, thiệp cưới cũng đã phát hết cho bạn bè, người thân, chỉ chờ ngày ra mắt họ hàng hai bên.
Bất ngờ, chiều tối ngày 12/5, trong bữa cơm tại nhà, anh bộ đội nhận điện thoại từ chỉ huy lệnh phải theo tàu cảnh sát biển ra vùng biển Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Trong chốc lát, không khí gia đình bỗng chùng xuống. Tuy nhiên, cũng nhanh chóng sau đó, chính cô gái lấy lại tinh thần, cảm thấy cần phải động viên chồng chưa cưới yên tâm lên đường nhận nhiệm vụ, hơn là ủy mị.
Thảo tâm sự: “Nghĩ đến cảnh lúc này anh đang sát cánh cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tôi tự hào lắm chứ. Nhưng nói không buồn, nôn nao là dối lòng. Tuy nhiên, vì yêu anh và hiểu cho nhiệm vụ thiêng liêng, nên tôi cố gắng giấu cảm xúc để anh không bận lòng. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết, vì thế việc anh có về kịp đám cưới hay không, việc tôi phải một mình về nhà chồng ra sao cũng không còn quan trọng”.
Chấp nhận ngày cưới vắng chú rể
Vì ngoài biển xa, không có phương tiện liên lạc vệ tinh nên Thảo cùng gia đình chỉ biết theo dõi tình hình qua báo chí, truyền hình. “Cứ mỗi sáng, tôi lại bật vô tuyến xem chương trình thời sự mới nhất về tình hình biển đảo, xem Trung Quốc đã đưa giàn khoan đến đâu, hung hãn tấn công tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và tàu cá ngư dân như thế nào.
“Đối với tôi, với anh ấy và bất cứ người dân Việt Nam nào, Tổ quốc luôn trên hết”
Đặc biệt cũng cốt muốn nghe những thông tin về sự tổn thất, ai bị thương… bởi người quan trọng bậc nhất đời tôi đang ở đó. Lo sợ đủ thứ hết, nhưng làm vợ của cảnh sát biển, phải chấp nhận thôi...”, Thảo bộc bạch.
Để giúp chồng cũng như bày tỏ lòng yêu nước của mình, cô gái chọn cách cố gắp tập trung cho công việc, tham gia mọi hoạt động, các phong trào xã hội lành mạnh.
Nhớ lại hôm tiễn chồng chưa cưới ra quân cảng, cô gái kể, anh lên tàu em chỉ kịp dặn với theo: “Đừng quên ngày cưới vợ, anh về rồi đi tiếp nghe. Mọi khâu chuẩn bị hai gia đình đã lo hết rồi”.
Đáp lời vợ chưa cưới, chàng cản sát biển tếu táo: “Anh không về được, em mượn chú rể khác tổ chức đám cưới đi”. Đùa là vậy, nhưng hai người vẫn ngầm thống nhất với nhau: Nếu trước đám cưới 10 ngày, anh chưa kịp về, Thảo ở nhà sẽ hoãn đám cưới, chờ ngày anh hoàn thành nhiệm vụ rồi tính tiếp.
Song những ngày này nghĩ lại, vì ngày lành tháng tốt dòng họ đã chọn, Thảo càng không muốn để chồng tương lai chịu áp lực nên đành thuận theo mọi chọn lựa trước đó, vẫn để tiến hành lễ rước dâu, ra mắt 2 họ cả trường hợp không có chú rể.
Những ngày qua, nhiều đồng nghiệp và cả những người mới quen đều chia sẻ, động viên cô gái. Ông Trương Cao Nhã (SN 1964, ba của anh Quang) nói: “Dù chưa cưới nhưng gia đình đã xem Thảo như con dâu rồi, chỉ chờ ra mắt hai họ nên việc con trai có về kịp hay không cũng vậy. Chúng tôi chỉ thấy áy náy cho con dâu nên những ngày qua, gia đình, bà con trong họ luôn tâm sự để cháu vững tin, vui vẻ.
Giờ cả hai gia đình chỉ mong Quang và anh em trên tàu luôn khỏe mạnh, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền mà nhân dân, Đảng, Tổ quốc đã giao phó”.