Nấu cơm, đi chợ, rửa bát, lau nhà, đón con... trước đây thường được coi là "việc nhỏ" của phụ nữ. Nhưng cuộc sống đã thay đổi, ngày càng có nhiều đàn ông tự nguyện đảm trách việc này.
Việc lớn - việc nhỏ
Có nhiều cách định nghĩa thế nào là "việc lớn". Thông thường, những công việc cần nhiều sức lực như gánh nước, bổ củi, đào đất, xẻ gỗ được coi là việc lớn, dành cho đàn ông. Nhưng cuộc sống hiện đại, nhất là ở đô thị, những công việc ấy gần như không còn.
Cũng có quan điểm cho rằng những công việc thiên về kỹ thuật, máy móc như sửa xe đạp, xe máy, sửa chữa ống nước, đường điện, TV, tủ lạnh... là của cánh mày râu. Tuy chưa có cuộc khảo sát về những người đàn ông "kỹ thuật" nhưng chắc chắn số đó còn rơi rớt lại không nhiều. Hầu hết các anh đều tận dụng tối đa các dịch vụ sửa chữa luôn sẵn sàng.
Lại có ý kiến khẳng định, đàn ông làm việc trọng đại như đối ngoại, bàn chuyện "đại sự" như hiếu hỉ, chọn nghề nghiệp, quyết định hôn nhân của con cái, rồi mua đất, làm nhà. Nhưng ngày nay, phụ nữ khá tháo vát, những công việc nói trên, chị em cũng dám quyết, thậm chí còn quyết mạnh hơn cả các ông.
Kết cục, nếu cứ chờ có công to việc lớn mới làm cho "xứng tầm" thì nhiều người đàn ông sẽ thất nghiệp trong gia đình, trở thành người vô tích sự.
Điều chỉnh là khôn ngoan
Trong khi nhiều anh vẫn ung dung chờ "việc lớn", không ít ông chồng đã mạnh dạn lao vào làm "việc nhỏ". Và họ trở thành nhân vật rất đáng yêu trong gia đình.
Anh Phạm Hữu Hảo làm ở Cục Quân khí (Hà Nội) bày tỏ, đi chợ không xấu, chỉ xấu khi mình không kiếm được tiền để mua sắm hoặc ngồi không ăn sẵn, bắt vợ con hầu hạ thôi. "Tôi nghĩ đàn ông không nên câu nệ làm nặng nề cuộc sống gia đình. Tôi chẳng ngại ngần khi giúp vợ đi chợ, nấu cơm", anh Hảo nói.
Tại các siêu thị lớn như Big.C, Metro, Intimex..., có không ít đàn ông tay đẩy xe, tay chọn đồ. Anh nào lười nhất cũng đưa xe hàng đi cạnh vợ. Nét mặt họ hớn hở chứ không mặc cảm, xấu hổ như trước kia nữa. Tại chợ rau, chợ cá, nhiều anh chẳng ngại ngần lựa chọn những món ngon cho gia đình.
Giặt giũ thì đã có máy, anh chỉ việc vứt đồ vào và ấn nút là xong. Nấu cơm cũng không quá khó khi vợ vắng nhà: cắm nồi cơm điện, đặt lại thức ăn cho nóng hoặc làm vài món bình dân.
Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, cuộc sống gia đình được gắn kết bởi các thành viên. Khi chồng làm "việc nhỏ", mối quan hệ giữa hai vợ chồng sẽ cảm thấy thân thiết và dễ sẻ chia hơn. Giúp vợ việc nhà, các ông chồng cũng sẽ ngạc nhiên về chính bản thân mình và thú vị hơn là thấy vợ và các con được hạnh phúc. Anh Nguyễn Trung Kiên, sống ở Chùa Láng, Hà Nội, là một ví dụ.
Là ông chủ của một cơ sở sản xuất nhưng anh Kiên coi đi chợ là một thú vui, thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Anh còn nói: "Khi đi chợ, mình hiểu cuộc sống hơn, biết thêm về giá cả thị trường hơn và thêm cảm thông với vợ lúc nâng lên hạ xuống từng đồng khi mua mớ rau".