Khi đã biết tiến độ và hành trình tất yếu của một cuộc hôn nhân thì số người "bỏ cuộc giữa đường" có thể sẽ giảm đi khi nhận ra rằng vượt qua những khó khăn tất yếu là cả hạnh phúc dài lâu.
Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát hằng trăm mối quan hệ vợ chồng, nhà tâm lý gia đình người Mỹ Michele Weiner Davis khẳng định con đường của hôn nhân rất ít khi bằng phẳng mà là những giai đoạn kế tiếp nhau lên thác xuống ghềnh mới đến bờ hạnh phúc. Bạn hãy hình dung đời sống vợ chồng là một vòng tròn khép kín, sau bao vất vả lại nồng thắm như lúc ban đầu nếu bạn kiên trì không bỏ cuộc.
Giai đoạn 1: Tình yêu nồng nàn
Từ đầu đến cuối mối tình, bạn không thể ngờ rằng việc mình gặp nàng may mắn đến thế nào. Nhiều khi bạn kinh ngạc vì hai người có nhiều cái chung quá: những sở thích về âm nhạc, về món ăn và cả những bộ phim thích xem. Bạn vừa nhấc điện thoại định hỏi em ở đâu thì đã trông thấy cô ấy vừa về đến cửa, cứ như hai người hiểu hết lòng nhau.
Đôi khi những khó chịu nho nhỏ trỗi dậy nhưng chúng được vượt qua một cách dễ dàng vì cả hai đều sẵn sàng bỏ qua cho nhau. Không có thời gian nào trong mối quan hệ của bạn tốt đẹp hơn thế. Cả hai sẵn sàng đáp ứng nhau mọi nhu cầu mà chẳng phải cố gắng gì. Đó là thời kỳ lãng mạn nhất, làm cho hai người quấn quít nhau chẳng muốn rời. Trong trạng thái say đắm ngất ngây đó, bạn không ngần ngại giao phó toàn bộ phần đời còn lại cho nhau và quyết định làm đám cưới.
Nhưng cuộc vui nào cũng tàn. Bạn bắt đầu nhận ra hành trình của hôn nhân có khá nhiều ghềnh thác, chẳng như mong chờ.
Giai đoạn 2: Vỡ mộng
Thông thường giai đoạn hai là khó khăn nhất vì bạn phải trải qua sự hẫng hụt lớn nhất. Bạn đi từ giấc mơ hạnh phúc đến vỡ mộng. Hàng triệu vấn đề thực tế bắt đầu xuất hiện. Những chuyện lặt vặt quấy rầy bạn. Bạn nhận thấy vợ không phải là cô gái hoàn hảo như mình vẫn nghĩ. Cô ấy khó tính, hay than phiền, và càm ràm.
Rất nhiều thực tế khiến bạn nghĩ hai người khác nhau quá. Bạn đã nhầm lẫn chăng? Hai người tranh cãi về mọi thứ, rồi chính bạn nhận ra mình đã sai lầm khi gắn bó cuộc đời với một người như vậy. Mâu thuẫn cứ ngày một tăng dần và thay đổi lớn nhất là sau khi bạn có con, phải thanh toán bao nhiêu hóa đơn ga, điện, nước... Công việc bên ngoài xã hội đã mệt mỏi, áp lực, về nhà là vợ lại cằn nhằn, con khóc. Không còn một chút không gian yên tĩnh nào để làm việc, nghỉ ngơi.
Giai đoạn 3: Thay đổi
Trong giai đoạn này, người ta cảm thấy mọi cái đều sai và cần phải xem xét lại. Sống theo cách của cô ấy hay theo cách của bạn cũng đều không ổn. Cả hai luôn "chiến đấu" để buộc đối phương chấp nhận giải pháp của mình. Mỗi lần bất đồng là một cơ hội để xét lại cuộc hôn nhân. Cả hai đào bới những yếu kém của nhau ngày càng sâu hơn. Cần tìm đến một người thứ ba để giải quyết vấn đề này, một bác sĩ tư vấn tâm lý chẳng hạn.
Đây chính là thời điểm nhiều cuộc hôn nhân đứng giữa ngã ba đường. Trước mặt họ có ba lựa chọn: Một là, bỏ cuộc vì tin hôn nhân của mình là sai lầm. Bởi họ nghĩ rằng mình không còn yêu nữa, ngay cả kết hôn cũng chẳng phải do tình yêu mà chỉ là sự bồng bột nhất thời và họ đòi ly dị. Hai là, họ nhận thấy cãi nhau, phê bình chỉ trích cũng vô ích, vì con cái nên đành chấp nhận nhưng ai có mối quan tâm riêng của người ấy. May thay vẫn có khoảng hơn 50% số người kết hôn quyết định bắt đầu tổ chức lại cuộc sống chung, làm cho nó tích cực hơn bằng cách cố gắng đáp ứng những nhu cầu của nhau. Nếu cách thứ nhất và thứ hai thiên về nghĩ đến mình và buông xuôi bất lực thì cách thứ ba đòi hỏi nhiều nỗ lực đầu tư cho mối quan hệ để chuyển sang giai đoạn thứ tư tốt đẹp hơn.
Giai đoạn 4: Chấp nhận nhau
Bước sang giai đoạn 4, chúng ta cũng đi đến thời kỳ mà không thèm xét nét đối tác về mọi thứ và tự nhủ cuối cùng phải thoát ra khỏi sự gò bó để sống thanh thản. Người ta bắt đầu tham khảo ý kiến của người khác, có người tìm đến lời khuyên răn của tôn giáo, có người lại tìm đến các đường dây tư vấn hôn nhân hoặc đọc các cuốn sách về tâm lý gia đình hay xem phim tâm lý xã hội và tìm ra những giải pháp của mình.
Trong giai đoạn này, khả năng tha thứ cao hơn. Chúng ta nhận ra chung sống với ai đó không phải là dễ dàng, cần phải tha thứ và chấp nhận nhau bởi vì con người không ai hoàn thiện. Khi những bất đồng xuất hiện, chúng ta không cố gắng tranh cãi giành phần thắng về mình nữa mà biết chấp nhận những cách nghĩ khác nhau. Vì thế, xung đột ít xảy ra hơn và khi xuất hiện cũng không mãnh liệt như những năm trước. Nếu bạn đủ khôn ngoan và bình tĩnh đi hết giai đoạn này thì sẽ bước sang giai đoạn 5.
Giai đoạn 5: Chung sống đến hết đời
Đáng tiếc là có đến một nửa số người kết hôn ngày nay không bao giờ đi đến được giai đoạn này. Lúc này, bạn không còn tranh cãi nữa để xác định ai thắng ai thua, cũng như đòi hỏi người kia phải làm theo mong muốn của mình. Đây là giai đoạn mọi cái đã ngã ngũ và người ta sống trong hòa bình, an phận.
Nhiều người lại cảm thấy tình yêu sống lại lần nữa. Cả hai đồng ý rằng hôn nhân không phải mâm cỗ cứ ngồi vào ăn mà cần lao động cật lực để có. Đến lúc này, bạn mới tin rằng tuy đối tác chẳng hoàn hảo gì nhưng có thể sống chung với cô ấy được. Bạn cũng cảm thấy tin ở chính mình và bắt đầu đánh giá những sự khác nhau giữa hai người và nhận ra chính điều đó làm cho cuộc sống đỡ đơn điệu và trở nên phong phù hơn. Giờ đây, con cái đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, cho phép bạn lại có thời gian tập trung vào hôn nhân lần nữa giống như ngày xưa.
Với mỗi cặp đôi, các giai đoạn này không dài bằng nhau nhưng hầu như cuộc hôn nhân nào kéo dài đến cuối đời cũng lần lượt đi qua 5 chặng đường tuần tự như thế. Trật tự này cũng không bao giờ thay đổi. Khi biết rõ cả 5 cung đường trên vòng tròn khép kín của hôn nhân, bạn sẽ có cách điều chỉnh thế nào để kéo dài những giai đoạn êm đềm hạnh phúc và rút ngắn đến mức ít nhất những giai đoạn cãi cọ triền miên và lái cuộc hôn nhân đi theo ý muốn của mình.
Theo depplus.vn