Khi anh ấy coi thường bạn, bạn giận quá thì mất khôn mà bỏ qua thì lại ấm ức và "ôm hận" trong lòng, tự gặm nhấm nỗi đau một mình. Vậy phải ứng xử thế nào mới là thông minh trong trường hợp này?
Bất kì tổn thương nào cũng làm cho bạn cảm thấy đau. Nếu một người không quan trọng, một người bạn không quen biết hoặc không quan tâm gây tổn thương cho bạn thì nỗi đau đó sẽ nhẹ nhàng hơn và nhanh chóng tan biến. Còn nếu thủ phạm là người bạn yêu thương, tin tưởng thì nỗi đau do bị tổn thương sẽ sâu sắc hơn nhiều.
Khi yêu, bạn luôn mong muốn có sự tôn trọng từ cả hai phía. Đặc biệt, vì bạn là phận nữ nên cho dù không được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" thì người yêu bạn cũng phải biết nâng niu, nhẹ nhàng, dịu dàng... với bạn.
Đặc biệt, chuyện anh ấy có hành vi, cử chỉ khiếm nhã với bạn hoặc làm bạn tổn thương, đau khổ... là điều càng không thể được diễn ra. Phụ nữ vốn nhạy cảm, nếu chẳng may bị người yêu làm cho bị tổn thương, họ sẽ vô cùng đau khổ, suy diễn ra nhiều điều tồi tệ, thậm chí buông lời cay nghiệt với anh ấy theo kiểu "ăn miếng" trả miếng... Những diễn biến tâm lý phức tạp kéo theo hành động bột phát có thể làm cho sự tổn thương càng tăng lên, thậm chí đe dọa mối quan hệ của cả hai.
Phụ nữ vốn nhạy cảm, nếu chẳng may bị người yêu làm cho bị tổn thương, họ sẽ vô cùng đau khổ, suy diễn ra nhiều điều tồi tệ, thậm chí buông lời cay nghiệt với anh ấy theo kiểu "ăn miếng" trả miếng (Ảnh minh họa)
Đàn ông thì ngược lại, họ suy nghĩ đơn giản và đôi khi nói ra những điều vô tâm mà ngay bản thân họ cũng không biết rằng lời nói đó lại làm người yêu mình bị tổn thương. Chính vì vậy, họ không chú ý đến phản ứng tâm lý của người yêu. Khi thấy người yêu tỏ ra dằn dỗi mà không nói tại sao, họ cảm thấy chán nản nhiều hơn. Và nếu bị người yêu "trách móc" nặng lời hoặc gán cho nhiều tội danh như "xấu xa, coi thường người khác"... thì tính sĩ diện của họ càng nổi lên. Kết quả, nguy cơ chia tay càng dễ xảy ra.
Giận quá thì mất khôn mà bỏ qua thì lại ấm ức và "ôm hận" trong lòng, tự gặm nhấm nỗi đau một mình. Vậy phải ứng xử thế nào mới là thông minh trong trường hợp này? Bạn hãy tham khảo một số cách "xử trí" của một số bạn gái như dưới đây nhé.
1. Vẫn giữ thái độ tôn trọng anh ấy
"Phản ứng của chúng ta khi bị coi thường hoặc xúc phạm là phòng thủ và đả kích ngược trở lại để bảo vệ chính mình. Nhưng với tôi, đây không phải là phương pháp tốt để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người.
Nếu người yêu có thái độ xúc phạm bạn, nếu bạn cũng xúc phạm anh ấy thì chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn mà thôi. Thậm chí nó làm giảm giá trị của bạn. Hãy tỏ ra là người trưởng thành và có suy nghĩ bằng cách nói chuyện nghiêm túc với anh ấy về việc anh ấy vừa làm bằng một giọng điệu tôn trọng anh ấy. Nếu anh ấy vẫn không muốn tiếp thu thì bạn nên dừng cuộc nói chuyện tại đây" - Hồng Linh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
2. Bỏ đi ngay lúc đó
"Tại sao lại phải mất thời gian ở lại để nghe những lời hoặc chịu những cử chỉ xúc phạm của chính người yêu mình lúc đó. Hãy giữ im lặng và bỏ đi vì nếu ở lại, có thể anh ấy sẽ không biết anh ấy sai ở chỗ nào hoặc có thể bạn sẽ buông ra những lời nói thậm tệ mà có thể sau đó bạn vô cùng hối tiếc nhưng không thể lấy lại được.
Bỏ đi cũng là cách để bạn giải tỏa cảm xúc của mình. Nó cũng "âm thầm" cho người yêu bạn hiểu một điều rằng anh ấy vừa làm sai một điều gì đó và cần phải suy nghĩ lại. Nếu bạn không nói gì, anh ấy sẽ muốn xin lỗi bạn hơn là bạn "gân cổ" lên nói lại" - Kim Thanh (25 tuổi, nhân viên marketing) nói.
Bỏ đi cũng là cách để bạn giải tỏa cảm xúc của mình. Nó cũng "âm thầm" cho người yêu bạn hiểu một điều rằng anh ấy vừa làm sai một điều gì đó và cần phải suy nghĩ lại (Ảnh minh họa)
3. Bỏ qua, coi như không có gì xảy ra, nhưng ghi nhớ và nhắc lại sau đó
"Bất kì thái độ xúc phạm nào cũng không thể chấp nhận được dù vô tình hay cố ý. Chỉ có cách phản ứng với sự xúc phạm này khác nhau mà thôi. Nếu như anh ấy vô tình xúc phạm bạn, bạn có thể góp ý ngay lập tức vì có thể anh ấy không nhận ra mình đã mắc lỗi.
Còn nếu anh ấy cố tình thì cho dù bạn dùng những từ ngữ trách móc để bày tỏ nỗi đau của mình thì anh ấy cũng không tiếp thu và nhận lỗi về mình. Bạn nên bỏ qua, coi như không có gì xảy ra, nhưng ghi nhớ và nhắc lại sau đó khi anh ấy đã bình tĩnh trở lại và sẵn sàng nghe những gì bạn nói.
Nếu anh ấy không chịu nghe bạn nói trực tiếp thì bạn có thể dùng cách viết ra suy nghĩ của bạn để gửi cho anh ấy.
Điều này có thể khiến bạn phải chịu ấm ức nhưng nó cho anh ấy thời gian để suy nghĩ cẩn thận. Nếu biết tạm dẹp "cái tôi" của mình thì tình cảm giữa hai người sẽ bền vừng hơn" - Mai Phương (27 tuổi, giáo viên) tâm sự.
Rõ ràng, việc giữ bình tĩnh khi bị người yêu mình xúc phạm là điều rất khó thực hiện vì theo bản năng, khi bị "đau", chúng ta sẽ vô cùng tức giận và muốn "trả thù" bằng cách làm cho "đối phương" bẽ mặt. Nhưng rõ ràng cách này không hề hiệu quả bằng cách giữ bình tĩnh và dùng lý trí để giải quyết.
Điều quan trọng chị em cần nhớ là phải tôn trọng anh ấy, có như vậy anh ấy mới nhận ra lỗi của mình và tôn trọng lại bạn. Điều này khó thực hiện nhưng nó lại là thứ đảm bảo cho mối quan hệ giữa hai người bền chặt và hiểu nhau hơn.