“Hội chứng nữ siêu nhân” là hội chứng của những người phụ nữ nghĩ và hành động như một… siêu nhân. Họ chịu áp lực hoặc tự tạo áp lực rằng mình có thể đảm đương mọi việc trong gia đình, công việc và các hoạt động xã hội.
Nếu như nhiều phụ nữ buộc phải lựa chọn ưu tiên gia đình hay công việc, thì các “nữ siêu nhân” lựa chọn cả hai.
Bạn có muốn trở thành siêu nhân?
Bình đẳng giới ở một khía cạnh nào đó lại khiến cho phụ nữ ngày nay phải đảm đương nhiều vai trò hơn. Và thế là, những “nữ siêu nhân” xuất hiện ngày càng nhiều. Họ ở quanh ta, hoặc rất có thể, là chính bạn. Dễ dàng để nhận ra họ, mẫu phụ nữ đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm, công việc gì cũng đến tay, điều kì diệu là dường như họ đều hoàn thành tốt.
“Nữ siêu nhân” thường quan tâm tới việc làm người khác cảm thấy hài lòng, ưa thử thách, đôi khi cả nể theo nghĩa không biết cách nói “không” với công việc và khá cầu toàn trong cuộc sống. Chỉ duy nhất một điều: họ ít quan tâm tới bản thân.
“Nữ siêu nhân” hầu như không có không có thời gian cho những nhu cầu cá nhân, những sở thích hay mối quan tâm riêng. Tiền không phải vấn đề chính của “nữ siêu nhân” mà các câu mệnh lệnh “cần phải làm”, “nên làm” điều khiển họ. Quá nhiều lời khuyên như phụ nữ nên có sự nghiệp riêng, phụ nữ nên biết cách giữ chồng, phụ nữ nên biết nấu ăn ngon… luôn là phụ nữ nên làm thế này thế nọ mà không phải là đàn ông nên làm thế này thế kia.
Có bao giờ bạn cảm thấy như thể bạn luôn phải nghĩ xem tối nay ăn gì, luôn phải lắng nghe, luôn phải lo đối phó với những đồng nghiệp nữ trẻ trung, năng động mới vào công ty, luôn phải chứng tỏ khả năng mình hơn nữa trước những ánh mắt không phục của đồng nghiệp nam cấp dưới…?
Khi bạn bị cuốn vào guồng quay đó, rất khó để dừng lại. Và danh sách việc cần làm sẽ ngày một nhiều hơn khi con bạn lớn lên và bạn được thăng quan tiến chức trong công việc. Bạn có thể lập thành tích trong chạy cự li ngắn, nhưng nếu không phải một vận động viên chuyên nghiệp, bạn thậm chí khó mà chạm tới đích mà không bị kiệt sức. Thực tế là sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy bị quá tải, đè nén và tù túng.
Do đó “nữ siêu nhân” rất dễ bị stress liên quan tới các bệnh như mụn nhọt, đau nửa đầu, huyết áp cao và tim mạch. Điều này cũng gây ra một số hậu quả về tâm lí như: dễ cáu gắt, không thể tập trung, luôn nghĩ tiêu cực, không biết kiềm chế cảm xúc, vô cảm và các triệu chứng sinh lí như : đau cơ, đau dạ dày, mất ngủ, khó thở…
Tin xấu nữa là đôi khi “nữ siêu nhân” lại không thể bảo vệ được hạnh phúc gia đình của chính mình. Chuyện vợ chồng chăm sóc, quan tâm yêu nhau bao nhiêu là đủ, là vừa, cần có sự nhạy cảm để điều chỉnh thường xuyên. Thiếu quan tâm hoặc chăm sóc quá tận tâm cũng dễ phản tác dụng. Nếu đủ khả năng cân bằng được cuộc sống, nếu may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình và những người xung quanh để có thể vượt qua được khủng hoảng thì: Chúc mừng bạn.
Còn nếu bạn không hạnh phúc khi làm siêu nhân?
Hãy rèn luyện tính dứt khoát bằng cách ưu tiên cho suy nghĩ, cảm xúc của chính mình trước khi nghĩ tới việc khác. Xây dựng hệ thống trợ giúp và các mối quan hệ tương hỗ. Chúng ta ai cũng cần được giúp đỡ vì thế đừng ngại chia sẻ và nhờ cậy. Cũng đừng cầu toàn ví dụ như nhà cửa không nhất thiết phải sạch sẽ 24/7… vì đôi khi lộn xộn một chút cũng có cái hay của nó.
Nếu bạn mình có thể tìm thấy niềm vui trong lao động thì cũng nên nghĩ rằng người khác cũng vậy do đó hãy cùng nhau làm mọi việc, như thế niềm vui sẽ được nhân thêm và mối quan hệ sẽ được gắn kết hơn. Hãy đặt thứ tự ưu tiên cho công việc. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, làm việc này sẽ không làm được việc khác vì sự thật là chúng ta không có 3 đầu 6 tay để bao quát được hết mọi việc.
Vậy là nếu bạn thực sự không phải là “siêu nhân” như Elastigirl (“Cô gái co giãn” trong bộ phim The Incredibles) thì tốt nhất hãy làm một người bình thường hạnh phúc và đừng nhầm lẫn giữa việc cố gắng trở thành người phụ nữ đảm đang với việc tự biến mình thành một “nữ siêu nhân”.
Và mỗi người chỉ có thể là siêu nhân khi họ có thể giải cứu chính mình khỏi những cơn đau, bằng niềm tin, và tình yêu với bản thân.