Từ ngày ba thằng Thắng mất, tôi chưa bao giờ thấy cái gánh mà tôi đang vác trên vai lại nặng nề như thế.
46 tuổi, ngay cả trong mơ tôi cũng không tin là mình sắp sửa làm mẹ chồng. Vậy mà điều đó sắp trở thành sự thật. Hoặc là tôi chấp nhận con dâu “trời đánh” hoặc tôi mất con. Nó đã ra tối hậu thư với tôi như vậy. Cả tháng nay, không có đêm nào tôi ngủ được. Kể từ khi thằng Thắng dẫn con Nga về, tôi có cảm giác có một trận cuồng phong đang chờ đợi đâu đó và sẽ bất ngờ giáng xuống đầu mình. Tôi không dám nhìn lâu cái đầu tóc nhuộm đỏ choét của cô gái đó, cũng không đủ can đảm ngồi nói chuyện với cô ta quá 3 câu.
Tôi không biết con tôi tìm đâu ra một người quái dị như vậy. Từ tóc tai, quần áo, nói năng, đi đứng... cô ta đều trái ngược với những gì mà trước đây tôi từng mường tượng, hi vọng về một cô con dâu cho đứa con trai độc nhất của mình. Giờ đây, mỗi khi nghĩ về cô gái đó, tôi lại thấy đau thắt ruột gan. Tôi nghĩ mình luôn lấy nhân nghĩa để đối đãi với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ những cảnh đời khốn khó, chưa từng hại ai mà sao số phận lại ác nghiệt với tôi như vậy?
Nhớ hôm đầu tiên Thắng nói đưa người yêu về giới thiệu, nó bỏ nhỏ với tôi: “Mẹ đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá Nga, cô ấy tốt lắm mẹ ạ”. Trời ơi, suýt chút nữa là tôi ngất xỉu khi thấy cô ta, vậy mà nó còn bảo cô ta tốt lắm nghĩa là sao? Người có tâm tốt không bao giờ bộc lộ ra bên ngoài một ngoại hình kinh khiếp như vậy. “Ba con theo vợ bé bỏ mẹ con từ hồi con còn nhỏ xíu. 5 tuổi con phải theo mẹ con ra ga Sài Gòn bán trà đá, bánh mì dạo...”- Nga kể với tôi trong bữa cơm.
Tôi không biết con tôi tìm đâu ra một người quái dị như vậy. (Ảnh minh họa)
Nghĩa là cô con dâu tương lai của tôi xuất thân từ giới giang hồ đầu đường xó chợ; từ nhỏ đã quen nói tục, chửi thề, tranh giành, đánh nhau. Nga chỉ học hết lớp 9 bổ túc văn hóa. “Mới đầu con mở cái shop nhỏ xíu bán quần áo cũ, sau đó dành dụm mở cái bự hơn. Cứ vậy mà bây giờ con được mấy cái tiệm thời trang...”- Nga vừa gắp thức ăn cho thằng Thắng vừa kể.
Tôi quan sát cô gái 22 tuổi đang ngồi đối diện. Trông cô ta già dặn hơn tuổi của mình rất nhiều. Thảo nào mà cô ta rù quến thằng con khờ khạo của tôi.
Bài liên quan: Cái ngữ ấy mà dâu con gì hả trời!
'Vòi tiền' con dâu là hạ thấp giá trị của mình
Chứng cuồng con đầu lòng
Mẹ chồng quan tâm quá, con dâu sợ
Lời con dâu: “Bà già rách việc”
Khi ba thằng Thắng mất, tất cả yêu thương tôi dồn hết cho con những muốn sau này nó nên người, coi như tôi hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất. Vậy mà học hết lớp 11, nó nhất quyết bỏ học: “Con học không vô nữa, mẹ ép con, con cũng không học được”- nó nói như khóc.
Hết năn nỉ, khuyên nhủ đến dọa nạt, nó cũng không nghe, tôi đành phải để con đi học nghề sửa chữa xe máy với ông sửa xe trong xóm theo ý nguyện của nó. Nó lanh lẹ, thông minh nên ông rất thương và truyền hết các ngón nghề. Vì thế, không bao lâu, nó đã thành thợ sửa xe chủ lực trong tiệm của ông. Tôi mừng vì điều đó nhưng trong lòng vẫn luôn mang mặc cảm. Tôi muốn con tôi học đại học ra làm ông này bà kia chứ không phải suốt ngày lấm lem dầu nhớt như vậy. Thế mà thực tế lại quá cay đắng.
Tôi đành phải chấp nhận mà trong lòng không có lấy một ngày vui. Tôi biết thằng con tôi sẽ gắn bó với cái nghề vất vả này suốt đời bởi nó cứ liên tục đi học hết lớp này tới lớp khác để nâng cao tay nghề. Và bây giờ khi đã 23 tuổi đời, nó lại đi học bổ túc văn hóa để lấy cái bằng cấp III. Nó bảo tôi: “Mai mốt con sẽ thi vô trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, học cho có bài bản”. Tôi chưa kịp mừng vì cái sự học của nó thì đùng một cái, nó tuyên bố cưới vợ. Nghe đâu nó quen Nga lâu lắm rồi, từ khi con nhỏ còn bán đồ sida.
Không lẽ tôi sắp mất con thật hay sao? Nhìn nó bây giờ, tôi biết nó bị con kia bỏ bùa mê thuốc lú rồi, nhưng cái ngữ ấy thì dâu con gì hả trời! (ảnh minh họa)
Sau lần gặp đầu tiên, tôi bảo con: “Mẹ không đồng ý. Con phải biết rằng xuất thân của một con người rất quan trọng. Ba con Nga bỏ vợ con theo vợ bé, nó là bụi đời thứ thiệt, làm sao có thể làm dâu con nhà này? Hơn nữa, con còn quá trẻ, phải lo sự nghiệp, vướng vô vợ con làm gì?”.
Nhưng Thắng không nghe. Nó bảo hiện giờ cả nó và Nga đều có công ăn việc làm ổn định, không chỉ lo cho bản thân mà còn có thể lo cho cha mẹ, anh em đủ đầy. Về ngoại hình kinh khiếp của Nga, thằng con tôi bênh vực người yêu: “Coi cô ấy vậy chớ không phải vậy đâu mẹ. Chẳng qua là do làm ăn, buôn bán nên phải hầm hố một chút cho thiên hạ ngán, không dám ăn hiếp”. Nhưng tôi kiên quyết: “Mẹ nói không là không! Nếu con không nghe lời thì đừng có trách mẹ”. Thằng con tôi nhăn mặt: “Mẹ thiệt kỳ. Chuyện hạnh phúc của đời con chớ có phải của mẹ đâu mà mẹ lo dữ vậy?”.
Nó nói cứ tỉnh rụi như không. Tôi không ngờ nuôi con không lớn đến từng này rồi mà nói nó chẳng chịu nghe lời, lại còn đi bênh vực người dưng. Tôi buồn đến đổ bệnh. Nó bảo con Nga đi chợ, cơm nước cho tôi. Công bằng mà nói, con nhỏ nấu ăn cũng được. Nhưng sao mỗi khi nhìn thấy nó là máu trong người tôi lại sôi sục.
Tôi bảo thằng Thắng: “Con nói với con Nga đừng có tới lui nữa, nhìn nó, mẹ bệnh thêm”. Thằng con tôi lại giở câu nói quen miệng của nó: “Mẹ thiệt kỳ...”. Tôi quát: “Kỳ, kỳ cái gì? Mẹ từng tuổi này rồi, mẹ biết nhìn người. Cái ngữ ấy mà dâu con gì? Rước nó về, mai mốt nó leo lên đầu con mà ngồi”.
Có lẽ trong cơn nóng giận, tôi đã nói nhiều lời khó nghe nên thằng Thắng ra “tối hậu thư”: “Mẹ không cưới Nga cho con thì con tự cưới. Mẹ không cần phải bận tâm. Nhưng con nói trước, nếu như vậy thì con sẽ đi ở rể nhà người ta thì mẹ đừng có trách”.
Trời ơi, lại còn như vậy nữa? “Được rồi, chúng mày thích làm gì đó thì làm, tao không quan tâm. Muốn đi đâu đó thì đi”- tôi lại quát lên. Thằng Thắng bỏ ra ngoài. Từ bữa đó, nó lầm lũi đi về, không ríu rít chuyện trò với mẹ như trước. Tôi hỏi gì thì nó trả lời, không thì thôi. Tôi có cảm giác như có ai đó đang bóp nghẹt trái tim mình.
Không lẽ tôi sắp mất con thật hay sao? Nhìn nó bây giờ, tôi biết nó bị con kia bỏ bùa mê thuốc lú rồi, nhưng cái ngữ ấy thì dâu con gì hả trời!