Hạnh cảm thấy bị ức chế và gò bó trong cuộc sống với Đăng. Đã hơn chục lần cô nghĩ đến chuyện ly hôn, và cô đã nói điều này với anh vào tuần trước.
Lý do tan vỡ, nếu nghe ai qua cũng tưởng đâu là chuyện đùa: vì chồng… sạch quá.
Tính ra, Hạnh và Đăng đã cưới nhau được hơn 4 năm. Đây là người chồng do cô tự yêu, tự chọn, tự cưới chứ chẳng ai ép uổng gì cả. Yêu nhau từ lúc mới ra trường, thấy Đăng là người siêng năng, nghiêm túc, có chí cầu tiến, lại không thích lăng nhăng với cô này cô kia nên khi anh ngỏ lời Hạnh đã đồng ý ngay.
Mới yêu đương, tìm hiểu chưa tới 1 năm là cưới, chắc chắn sẽ còn nhiều bỡ ngỡ và vấp váp khi mới về sống chung - đó là điều Hạnh đã tự an ủi mình trong suốt mấy năm qua. Nhưng thời gian gần đây thì cô không thể tự “vuốt ve” mình như thế nữa. Thà chia tay quách còn hơn, nếu hôn nhân là địa ngục thì níu kéo làm gì cho khổ thân?
Thực ra, lúc mới khoe người yêu với bạn bè, Hạnh đã bị cảnh báo. Mấy đứa bạn thân đều khuyên Hạnh hãy từ từ tìm hiểu thêm, đừng cưới vội vì Đăng có vẻ kỹ tính, khắt khe. Gạt ngoài tai những câu đó, Hạnh chỉ cười: “Chồng kỹ tính thì vợ được nhờ chứ sao. Nhất là những cô gái đoảng và hậu đậu như mình, sẵn tiện lấy chồng kỹ tính mà rèn giũa luôn”.
Thực ra, lúc mới khoe người yêu với bạn bè, Hạnh đã bị cảnh báo. (ảnh minh họa)
Cưới nhau, thời gian đầu dù chưa quen với những quy tắc, nề nếp của chồng đưa ra, nhưng Hạnh có vẻ “khoái” khi được chồng hướng dẫn từng li từng tí về chuyện quét nhà, lau nhà, nấu ăn, rửa chén, trang trí sắp xếp nhà cửa. Từ nhỏ đã ít khi đụng đến việc nhà, nên Hạnh cảm thấy an tâm khi Đăng bày vẽ từ việc xếp chén lên kệ như thế nào, chổi quét nhà xong dựng ở đâu, mỗi ngày phải lau nhà mấy lần, chén bát để quá 3 ngày thì trước khi dùng phải tráng lại bằng nước sôi ra sao… Nhưng đến khi được chồng “dạy” quá kỹ về việc giữ vệ sinh cá nhân thì Hạnh cũng có phần bực bội. Làm gì thì làm, trước khi đi ngủ là phải rửa chân bằng nước ấm và lau thật sạch rồi mới được bước lên nệm. Nếu đang ngủ phải dậy đi ra ngoài thì quy trình được lặp lại một lần nữa.
Có khi đang màn dạo đầu nóng bỏng, chồng ngừng lại để hỏi: “Em đánh răng chưa?” làm Hạnh mất cả hứng. Rồi thì anh kiểm tra rất kỹ từng… bộ phận trên cơ thể vợ, “nhắc nhở” cô phải thế này, thế kia. Những ngày trời nóng nực, mồ hôi ra nhễ nhại, dù rất buồn ngủ và mệt mỏi vì cả ngày làm lụng vất vả, Đăng vẫn dựng Hạnh dậy bắt đi tắm thêm lần nữa rồi mới được vào ngủ. Hạnh vừa đi tắm vừa lầm bầm, chồng “chăm” như thế thì đúng là cực hình chứ sung sướng nỗi gì.
Nhìn bạn bè có con cái đùm đuề, rồi khoe hình này hình nọ trên facebook, Hạnh cũng muốn sinh em bé lắm. Nhiều lúc nghĩ có đứa con để chăm bẵm, bầu bạn mỗi ngày có thể sẽ làm cho cuộc sống của cô vui vẻ, ý nghĩa và bớt tẻ nhạt hơn. Nhưng rồi Hạnh không dám có bầu. Cũng vì nỗi ám ảnh về sự kỹ tính và sạch sẽ quá mức của chồng. Mỗi khi bàn về chuyện con trẻ, Đăng thường hay bảo rằng muốn có con thì phụ nữ cần phải biết cách chăm sóc bản thân mình trước. Anh chê chị dâu để bé Suri dơ quá nên em bé bị hăm da, nổi sẩy hoài. Anh chê chị bạn anh cứ bỏ mặc cu Bean với mớ đồ chơi nên em bé rất dễ bị nhiễm giun sán do ngậm đồ chơi vào miệng.
Nhiều lần tỉ tê, thậm chí càu nhàu rồi cãi vả với nhau về sự quá “nghiêm ngặt” và kỹ càng mà Đăng yêu cầu đối với Hạnh về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, nhà cửa. (ảnh minh họa)
Anh chê nhỏ Vy, bạn thân của Hạnh, là không biết giữ gìn cơ thể nên dù em bé đã được hơn nửa năm rồi mà ngồi gần cô ấy vẫn nghe phảng phất mùi… bà đẻ. Rồi nào là cách tắm rửa, lau chùi vệ sinh, cách giặt đồ phơi đồ cho em bé, những lưu ý để chơi cùng mà không làm dơ em bé… anh thuyết giáo cho Hạnh nghe biết bao nhiêu là lý thuyết mà một người mẹ trẻ cần phải học. Hạnh như muốn “đứng hình” trong mớ bòng bong lý thuyết và những yêu cầu của chồng. Cô nghĩ, đã là mẹ thì tự dưng thiên chức thiêng liêng đó sẽ mách bảo cho cô những điều cần làm để con mình được tốt nhất. Nhưng chắc chắn Đăng không nghĩ vậy. Với Đăng, cái gì cũng phải sạch sẽ, khoa học, từng chút một.
Nhiều lần tỉ tê, thậm chí càu nhàu rồi cãi vả với nhau về sự quá “nghiêm ngặt” và kỹ càng mà Đăng yêu cầu đối với Hạnh về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, nhà cửa. Nhưng Đăng nhất định không nghe theo. Đăng đưa ra những lý lẽ thuyết phục được dựng xây vững chắc trên nền tảng khoa học. Và chỉ vậy.
Tuần trước, khi Hạnh đòi ly hôn, Đăng có phần ngỡ ngàng, nhưng rồi im lặng. Anh nói đây là chuyện quan trọng, cần có thời gian suy nghĩ thêm. Hạnh biết, cô cũng cần suy nghĩ thêm nữa. Tìm hạnh phúc sau một lần đò cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng mà cứ lẩn quẩn mãi với con đò quá cứng nhắc và nhiêu khê, đòi hỏi quá đáng như thế này thì Hạnh chẳng ham, mà cũng không chịu đựng nổi.