Có một nhà văn đã nói rằng hôn nhân là cuộc nói chuyện dài, thỉnh thoảng sẽ được giải lao bằng một chút cãi nhau, chịu đựng tật xấu của nhau. Nhưng các chị em đã khôn ngoan khi nghĩ ra cách trị tật xấu nhất của chồng mình.
Không ai thích sống trong một ngôi nhà "lạnh”, nhưng để duy trì lửa ấm thì cần một ngọn gió yêu thương đủ mạnh, đủ nhẹ. Có một nhà văn đã nói hôn nhân là cuộc nói chuyện dài, thỉnh thoảng sẽ được giải lao bằng một chút cãi nhau, chịu đựng tật xấu của nhau.
Với những người phụ nữ dưới đây, có những lúc họ không hài lòng với những tính xấu của chồng, đó là tâm trạng đan xen giữa lo lắng, giận hờn và họ đều có những cách hay để trị “triệt để”.
"Ra tối hậu thư buộc chồng bỏ tật chửi thề"
Đó là lời chia sẻ đầy tự hào của Lê Huệ (25 tuổi, nhân viên hành chính). Chị nói: “Chồng mình là người rất yêu thương vợ con, chúng mình đã chung sống với nhau 4 năm trời nên hiểu tính nhau. Nhưng đôi khi tính xấu của chồng cũng khiến mình phải suy nghĩ, trăn trở. Anh là người đàn ông có ý thức vun vén, lo toan cho gia đình, vợ con, hết mực chiều vợ con song những khi nào anh gặp chuyện bực mình trong công việc, anh thi thoảng lại chửi thề.
Thực ra, điều này anh cũng ý thức là không nên nhưng anh vẫn chưa thay đổi được. Đó là tính xấu của anh, nó rất ảnh hưởng tới con cái nhất là khi các bé đang trong tuổi học ăn học nói. Là vợ, mình đã nhắc anh nhiều lần. Mình nhắc nhẹ nhàng có, cứng rắn có để khuyên nhủ anh. Sau một thời gian, mình nhận ra, anh đang có chuyện bực mình và cần phải giải tỏa.
Đợi lúc anh bình tĩnh trở lại, mình nhẹ nhàng góp ý, cùng anh chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở trong anh. Anh cũng nhận lỗi và hứa sửa. Nhưng được một lúc lại đâu hoàn đó.
Mình đã ra một tối hậu thư cho anh, anh phải thay đổi nếu không ‘Em cũng sẽ bắt chước và chắc chắn con mình cũng sớm muộn gì sẽ nói bậy y hệt bố mẹ’. Điều này dường như đánh trúng tim đen của anh và lần này anh đã thay đổi thật. Dù có chuyện gì, anh tìm cách chia sẻ với vợ bằng một thái độ bình tĩnh nhất”.
“Trị” chồng hay quên bằng cách nhắc và "tẩm bổ" cho chồng"
Hằng Nguyễn (24 tuổi, kinh doanh) và ông xã đã trải qua 9 năm yêu thương và gắn bó. Từng đó thời gian đủ khiến đôi bạn trẻ hiểu tính nhau, hiểu sự yêu cái ghét của đối phương. Khi nói về tật xấu của chồng, Nguyễn Hằng cười thầm: “Anh ấy nhiều tính xấu lắm, nhưng điển hình là tính hay quên”.
Hằng chia sẻ: “Anh xã mình là người đàn ông tuyệt vời, anh chăm sóc gia đình, vợ con number 1. Vợ chồng mình đã có khoảng thời gian tìm hiểu nhau không ngắn nên nói một cách thật lòng, chúng mình rất hiểu nhau. Với tật xấu của anh, mình còn thấy đó là những tật xấu đáng yêu.
Như buổi sáng, anh thức dậy trong trạng thái đầu óc lâng lâng mơ ngủ. Đang đánh răng thì bất chợt anh vụt đặt câu hỏi, hôm qua đã mang xe vào nhà hay chưa? Anh lao thẳng ra cửa và thở phào nhẹ nhõm là đã hoàn thành nhiệm vụ. Có trưa rõ ràng có hẹn vợ đi ăn nhưng chờ mãi không thấy anh đâu. Ngoài ra, anh hay quên những việc nho nhỏ như, khi đi đổ rác, anh thường quên đem túi rác theo (cười), đánh xe đưa vợ đi chơi thì quên chìa khoá xe.
Sự đãng trí, hay quên hàng ngày khiến anh ấy và bản thân mình đôi khi cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, mình cũng hiểu một phần sự đãng trí này là do anh có quá nhiều sự quan tâm, công việc bận rộn. Một lần, đọc báo mình được biết chứng hay quên là do tình trạng não bộ làm việc quá tải, khi não phải xử lý quá nhiều thứ cùng lúc. Mình khá lo lắng và thường xuyên nhắc anh dùng thuốc bổ.
Với tật hay quên của chồng, mình thường nhắc anh ghi thành 1 danh sách tất cả các việc phải làm, thi thoảng mình gọi điện, nhắn tin nhắc anh. Bên cạnh đó, mình thường tìm những món ăn bổ dưỡng tốt cho hoạt động của não bộ. Mình biết, ăn uống và tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện các kỹ năng hay trí nhớ của bản thân".
“Khéo léo hỏi khi chồng kiệm lời"
Nguyễn Huyền (24 tuổi, Nhân viên hành chính tổng hợp) chia sẻ: “Yêu nhau cùng công ty, ở công ty là đồng nghiệp, ở nhà là vợ chồng nên chúng mình khá hiểu nhau. Mình sẽ chấm cho anh điểm 10 nếu như anh nói nhiều hơn bây giờ và anh không ngáy khi ngủ (cười).
Anh là người khá kiệm lời nên nhiều khi mình rất ấm ức khi trong nhà chỉ nghe thấy tiếng của vợ (cười). Thực ra mình biết, chuyện vợ muốn nghe mà chồng không nói xảy ra khá phổ biến. Đàn ông hay che giấu trong lòng những bận tâm, lo lắng chứ không như phụ nữ dễ dàng bộc lộ. Họ có khuynh hướng phòng thủ những vấn đề đang ôm ấp.
Nhưng khi hiểu ra được vấn đề đó, mình đã thay đổi bản thân một chút và cuối cùng tật xấu của chồng đã hoàn toàn tan biến. Anh hay nói chuyện hơn nhờ việc mình biết chọn địa điểm, thời điểm thích hợp hoặc đừng hỏi anh một cách nôn nóng khi thấy anh đang có suy tư.
Dần dần, anh cũng cũng cởi mở với vợ, không còn kiệm lời với vợ nữa. Anh biết chia sẻ với vợ mọi điều bằng hành động và cả lời nói.
Theo Pháp Luật Xã Hội