Vợ cho rằng “tốt khoe xấu che”, nên khi gia đình gặp chuyện, vợ tự lo lấy một mình, không muốn để chồng biết. Chồng chưa từng tỏ ý xem thường gốc gác, gia cảnh nhà vợ, vậy mà không hiểu sao, vợ vẫn không muốn chồng chia sẻ chuyện nhà.
Chồng vừa đi làm về, thấy vợ đang nghe điện thoại. Nhìn cách trò chuyện của vợ, chồng biết mẹ vợ đang gọi. Đang nghe ngon trớn, bỗng vẻ mặt vợ đăm chiêu, nói: “Mẹ tắt máy đi, lát con gọi lại”. Vợ cầm máy đi lên lầu.
Suốt bữa cơm, vợ bần thần lo lắng. Chồng biết nhà vợ đã xảy ra chuyện nên quan tâm “có chuyện gì vậy em?”. Vợ đáp cụt ngủn “không có gì”. Biết tính vợ, chồng không hỏi thêm nhưng lòng lấn cấn không vui. Trước giờ vợ luôn mặc cảm vì nhà vợ ở quê, nghèo khó, trong khi nhà chồng khá giả, các em chồng ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng. Vợ cho rằng “tốt khoe xấu che”, nên khi gia đình gặp chuyện, vợ tự lo lấy một mình, không muốn để chồng biết. Chồng chưa từng tỏ ý xem thường gốc gác, gia cảnh nhà vợ, vậy mà không hiểu sao, vợ vẫn không muốn chồng chia sẻ chuyện nhà.
Nhớ năm ngoái, vợ đột ngột nói về đám giỗ bà dì rồi hối hả thu dọn về quê. Sau đó chồng mới hay cô em vợ mới học lớp 10, yêu một anh chàng cùng lớp, bị ba mẹ cấm đoán nên rủ nhau trốn đi mất biệt. Cả nhà vợ đổ đi tìm khắp nơi. Chuyện lớn vậy mà vợ nỡ giấu chồng, chỉ vì sợ chồng cười chê.
Mới đầu tháng trước, cậu em vợ nhậu xỉn gây tai nạn, phải bồi thường cho nạn nhân số tiền lớn. Vợ âm thầm rút sổ tiết kiệm, vay thêm bạn bè để giúp ba má giải quyết hậu quả. Tình cờ chồng biết được, vợ chỉ nói “chuyện nhà em, để em tự lo”… Mỗi lần tâm sự chuyện nhà, vợ toàn khoe thành tích: ba má mới mua thêm hai công ruộng, thằng em đã xin được việc làm, lúa mùa này được giá… Chồng hỏi, em gái dạo này đã chú tâm lo học chưa? Mấy tháng trước nghe mẹ bị giật hụi, đã đòi được chưa? Vợ chợt nổi quạu, bảo chồng tò mò chi chuyện vặt vãnh…
Mỗi lần mẹ vợ lên chơi, hay mang chuyện nhà ra kể. Tính mẹ phóng khoáng, ăn to nói lớn. Vì vậy chồng luôn nghe vợ suỵt khẽ: “Mẹ đừng lớn tiếng quá, chồng con nghe được, cười nhà mình”. Mẹ vợ chỉ thầm thì được một lúc, lại rổn rảng to tiếng. Vợ lại suỵt suỵt. Bình thường, chồng hay tìm cách lảng đi để mẹ và vợ tự do trò chuyện. Bữa đó chồng muốn trêu vợ, cố tình nhâm nhi ly cà phê thật lâu để ngồi lại. Dù nghe lõm bõm nhưng chồng cũng đoán ra câu chuyện: ba vợ năm xưa lập “phòng nhì”, có con rơi. Giờ người phụ nữ ấy quay về đòi chia mấy công ruộng cho con. Mẹ vợ đang vừa rầu vừa bực. Chồng thấy đồng cảm với mẹ vợ nên đến bên cạnh, định chia sẻ. Vợ xua tay, đuổi chồng lên lầu. Mẹ vợ bực mình: “Chồng bây chứ đâu phải người dưng, phải để nó biết, sao lại sợ nó cười”.
Mẹ nói đúng. Chồng không phải người dưng, càng không cười chê nhà vợ. Đã là vợ chồng thì phải cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vui buồn có nhau. Chuyện nhà vợ cũng là chuyện của chồng. Chồng rất muốn cùng vợ chung tay gánh vác, góp công góp của. Còn hiện giờ, chồng như người ngoài. Chuyện xảy ra lâu lắc lâu lơ chồng mới biết. Vô hình trung, chồng trở thành người vô trách nhiệm với nhà vợ. Mà quan trọng là vợ chồng không thật lòng, cứ giữ kẽ với nhau. Trước sự bí ẩn của vợ, chồng rất khó chịu. Chồng biết, ôm việc một mình vợ cũng không vui. Vậy tại sao không chia sẻ với chồng, để vợ chồng cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết?
Theo PNO