Đây là một trong những yếu tố kiêng kị trong phong tục cưới hỏi ở miền Bắc.
Với người Việt, hôn lễ luôn được coi là một trong những ngày trọng đại nhất trong cuộc đời. Bởi vậy, có rất nhiều điều kiêng kị được đặt ra buộc cô dâu, chú rể cần phải ghi nhớ và thực hiện nếu muốn sau này "hòa thuận, êm ấm".
Kiêng cô dâu khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ
Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải đi thẳng về phía trước mà không được ngoái lại nhìn hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ.
Rất nhiều gia đình kiêng việc này bởi họ cho rằng con dâu đã theo chồng mà còn vương vấn gia đình thì sau này sẽ sớm bỏ chồng về nhà mẹ đẻ hoặc không chu toàn với công việc nhà chồng.
Không để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng
Thường thì chỉ có bố cô dâu và những người họ hàng thân cận, các vị cao trưởng bối mới được đưa cô dâu về nhà chồng. Một lý giải khá thú vị cho phong tục này là sợ con dâu và mẹ đẻ sẽ tạo nên thế lực lấn át mẹ chồng.
Không để cô dâu có bầu đi vào nhà từ cửa chính
Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trường hợp nhà không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui xẻo. Một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bừng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra. Tuy nhiên, phong tục này hiện nay không còn được áp dụng nhiều.
Đầu giường và hai bên thành giường tân hôn không được đối chiếu với gương lớn
Bởi nếu xắp xếp như thế sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt vợ chồng. Giường tân hôn không được kê ở mé tây ngôi nhà, hoặc căn phòng. Ngoài ra, phía cuối giường không trực diện với cửa ra vào, nếu không dễ gây tâm lý bất an, dễ gây đau đầu. Giường tân hôn không kê dưới xà ngang, nhưng nếu đã làm trần giả che kín thì không sao.