Các nhà tâm lý Mỹ khẳng định rằng tình yêu thực sự sẽ làm tê liệt "trung tâm phần thưởng" của não nên con người không mong đợi sự đền đáp về vật chất của bạn tình.
Hàng triệu người sẽ không tặng hay nhận quà trong ngày 14/2. Nếu bạn là một trong những người không nhận quà, bạn không nên buồn. Trong cả hai trường hợp (không nhận hoặc không tặng), bạn đều có lý do để biện minh, bởi một nghiên cứu mới đây chứng minh rằng những người đang tận hưởng tình yêu đích thực không hề mong đợi quà hay sự đền đáp từ người mà họ yêu.
"Trung tâm thưởng" là một khu vực ở hệ viền của bộ não. Đây là nơi phóng thích các chất truyền dẫn thần kinh như dopamin, serotonine, noradrenaline để tạo ra các hiệu ứng tích cực như cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng khả năng nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Các nhà khoa học nhất trí rằng "trung tâm thưởng" tự động kích hoạt khi con người bắt đầu yêu hoặc sử dụng ma túy.
Nhiều người yêu thực lòng chỉ cần những lời nhắn nhủ hoặc sự quan tâm chân thành trên Facebook, Twitter trong ngày Lễ tình nhân. Ảnh: blogspot.com
Judson Brewer, một giáo sư tâm lý của Đại học Massachusetts tại Mỹ, nhận định rằng, khi một cá nhân yêu thực sự, người ấy chỉ cầu chúc những điều tốt đẹp cho tình nhân, nhưng không hề mong đợi sự đền đáp từ "đối tác".
"Chúng ta có thể thấy rõ ranh giới giữa tình yêu vụ lợi và tình yêu chân thành khi xem kết quả chụp cắt lớp não của con người", Judson nói.
Để kiểm tra sự khác biệt giữa tình yêu đích thực và tình yêu vụ lợi, Judson cùng các đồng nghiệp tuyển một số người đang yêu để thực hiện một thử nghiệm, Science Daily đưa tin. Nhóm nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên ngồi thiền rồi theo dõi não của họ bằng máy chụp cộng hưởng từ. Khi các chuyên gia yêu cầu tình nguyện viên nghĩ tới khuôn mặt của người yêu, trung tâm phần thưởng trong não hoạt động rất mạnh. Nhưng khi nhóm nghiên cứu yêu cầu họ đọc thầm những câu như kiểu "chúc mọi người hạnh phúc", trung tâm phần thưởng không hoạt động nữa.
"Một trong những mục đích của hoạt động thiền là nuôi dưỡng tình yêu vị tha, nghĩa là chúng ta tắt trung tâm phần thưởng trong não để không tìm kiếm sự đáp trả của người mà chúng ta yêu", Judson bình luận.
Tình yêu vị tha có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, bao gồm cả tình yêu đồng loại hay sự cảm thông sâu sắc đối với những người khốn khổ.
"Nếu muốn biết tình yêu vị tha thể hiện thế nào, bạn hãy nhớ lại cảm giác của bản thân khi bạn thấy ai đó giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn, hay khi bạn giữ cửa siêu thị để người phía sau đi qua", Judson nói.
Nhóm nghiên cứu của Judson Brewer công bố kết quả thử nghiệm của họ trên tạp chí Brain and Behaviour.