"Em vẫn ổn, anh à" - đó là lời nói dối kinh điển nhất của mọi cô gái khi không muốn mình trở nên yếu đuối trước mặt người mình hằng yêu thương. Tuy vậy, có mấy ai biết rằng đó là những cô gái vẫn cần sự cảm thông, dù họ đang cố gồng mình để đứng vững.
Con gái chúng ta dù mang danh "phái yếu" nhưng ít người muốn phô phang sự yếu đuối của mình ra để để đổi lấy sự thương xót từ thiên hạ, kể cả người mình yêu. Nhiều khi gặp những chuyện khó khăn chưa tìm được hướng giải quyết vẫn dằn lòng im lặng bởi nghĩ rằng những việc đó vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, vẫn chưa đến mức bó tay bó chân thì sao phải nói ra. Chúng ta sợ nếu cứ ỉ ôi, than thở một chút xíu thôi nhưng lâu dần thành quen, biết đâu đến một ngày ta lại trở thành người chuyên lệ thuộc cảm xúc vào người khác, chưa kể là làm phiền đến họ. Không chỉ thế, với những cô gái có lòng tự trọng cao, họ còn sợ bị mang cái danh "giỏi ăn vạ". Bởi thế, nhiều khi đau đầu, lo lắng và bất an vẫn nhất quyết không chịu hé răng lấy nửa lời mà âm thầm tự tìm cách giải quyết một mình.
Em cứ âm thầm chịu đựng như thế để cuối cùng nhận lấy điều gì? Điều đó có xứng đáng để em phải khổ sở im lặng như thế hay không? Có không ít chàng trai đã hỏi chúng ta câu này, nhưng hỏi để làm gì nếu thực sự vẫn chưa hiểu. Bản chất của con gái không phải là sự mạnh mẽ, họ rất cần sự cảm thông từ người bạn đồng hành của mình. Chỉ cần một chút quan tâm, thông cảm nho nhỏ thôi cũng khiến những khó khăn vất vả phía trước trở nên dễ dàng hơn hẳn. Có điều, chẳng mấy khi ta gặp được hoàng tử đích thực, cũng như chẳng phải người bạn đồng hành nào cũng biết quan tâm chia sẻ, bên cạnh ta những khi yếu lòng.
Bởi vậy, tôi càng thương những cô gái cứ âm thầm chịu đựng, miệng cười tươi:"Em vẫn ổn, anh à" mà lòng đầy những tâm sự, ưu tư như thế.
Tôi gọi họ là những "chiến binh thép". Bạn thời đại học của tôi, có biết bao cô gái đến từ các vùng miền xa xôi của Tổ quốc, vẫn sáng sáng đến giảng đường, chiều và tối về lăn lộn làm thêm rồi tối lại cần mẫn ngồi vào bàn học. Có những người kiếm đủ tiền nuôi thân vẫn thấy chưa an tâm, còn cố gắng vắt sức kiếm thêm để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Sút cân, vất vả là vậy mà chẳng mấy khi các cô than thở, ỉ ôi, và tâm sự những nỗi muộn phiền với cô bạn gái thân thiết, hay với anh chàng người yêu suốt những năm tháng Đại học miệt mài. Họ có mệt mỏi không? Có lo âu không? Có chứ. Nhưng họ che giấu rất khéo. Những tâm tư ấy, họ gói gọn vào lòng. Bởi họ biết, để yếu đuối, để lao vào vòng tay của một ai đó dốc hết bầu tâm sự là điều quá dễ dàng, nhưng thứ níu họ lại, là lòng tự trọng, là khao khát bám trụ với cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt này. Mà để đững vững, để bám trụ được, thì họ cần phải mạnh mẽ, và không gì khác, cái giá của sự mạnh mẽ phải trả bằng sự lặng im, bằng cái cắn răng và sự tự lực vượt lên trong kham khổ.
Đối với họ, tình yêu lứa đôi không còn là cái đích cuối cùng mà họ hướng tới nữa, điều họ cố gắng hết sức để có được, là sự phát triển của bản thân, sự bền vững cho tổ ấm nhỏ tương lai của họ và sự an lòng của cha mẹ nơi quê hương.
Đó không phải là sự sĩ diện rởm, dù đôi khi sự mạnh mẽ đến cứng nhắc ấy có phần hơi ngốc nghếch. Nhưng biết trách ai khi rốt cuộc, chúng ta thực chất không mạnh mẽ như chúng ta hằng tưởng tượng, và điều chúng ta sợ nhất là sự sụp đổ niềm tin vào một người bạn đồng hành mà mình hằng kì vọng, tin yêu?
Tôi sẽ không chúc những "cô chiến binh" của mình tìm được một nửa thấu hiểu các bạn đến độ "chỉ cần cảm nhận thôi anh nghĩ cũng đủ rồi", vì như vậy chẳng khác gì mò kim nơi đáy bể, hay tìm sao trên trời ban ngày. Điều tôi mong, rất giản dị thôi, là những cô gái ấy sẽ có những người bạn đủ thân, đủ tin cậy để dốc bầu tâm sự, để tuổi thanh xuân thực sự trọn vẹn tiếng cười. Nếu không, cứ canh cánh những ưu tư trong lòng như thế, sự hồn nhiên của tuổi trẻ đành nhường bước cho sự già dặn trong tâm hồn từ khi còn quá trẻ. Nụ cười nào còn trọn vẹn hồn nhiên?