Tình yêu không đủ mạnh để một mối quan hệ trụ vững trước thách thức của những khó khăn, mâu thuẫn. Và cách dễ dàng giúp bạn cải thiện mối quan hệ của mình là học hỏi các kĩ năng giao tiếp cần thiết với một nửa yêu thương.
Giãi bày điều thầm kín
Nếu việc tiết lộ sự thật về bản thân dễ khiến bạn thấy bị tổn thương, rất có thể bạn đang lẩn trốn trong mối quan hệ của chính mình. Khi ấy, bạn bị mắc kẹt bởi ý nghĩ tự bày tỏ mọi thứ về mình với nửa kia sẽ khiến bạn sợ hãi, xấu hổ. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng việc bày tỏ một cách chân thành những điều bí mật liên quan đến mình với người yêu/bạn đời - người xứng đáng biết được điều đó sẽ khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên gần gũi hơn. Cũng có thể đến một lúc nào đó họ tự khám phá ra các bí mật của bạn, nhưng tốt nhất là bạn nên chủ động bày tỏ một cách thoải mái nhất.
Tất nhiên, việc chia sẻ những điều thầm kín với người khác không phải dễ dàng. Bạn có thể tiết lộ dần dần, bắt đầu bằng những bí mật mà bạn nghĩ mình ít xấu hổ nhất. Khi bạn cảm thấy thoải mái hơn, bạn sẽ tự tiết lộ được những suy nghĩ, cảm xúc, ước muốn thầm kín trong lòng và cả những sự thật mà bạn chôn giấu trong quá khứ. Chừng nào bạn không còn điều gì giấu giếm người ấy, chừng đó mối quan hệ của bạn mới thực sự dễ dàng.
Chừng nào bạn không còn điều gì giấu giếm người ấy, chừng đó mối quan hệ của bạn mới thực sự dễ dàng (Ảnh minh họa)
Lắng nghe
Để trở thành một người lắng nghe tốt, bạn cần đến rất nhiều kĩ năng kèm theo như: so sánh, đánh giá, chọn lọc, luyệt tập, đọc suy nghĩ người khác... Khi đã thành thạo tất cả những điều này, bạn sẽ biết lắng nghe đối tác - người mà bạn giao tiếp nhiều nhất - một cách hiệu quả. Nói khác đi, việc lắng nghe không dừng lại ở việc tiếp thu những gì người khác nói mà còn là hiểu, nhận thức đúng đắn về điều người ấy muốn truyền đạt với bạn.
Chỉ khi trở thành người lắng nghe tốt, bạn mới có thể đoán biết được suy nghĩ, cảm xúc của người yêu/bạn đời qua từng lời nói. Cùng với đó, bạn sẽ biết chia sẻ, đồng cảm, động viên, khuyến khích... hay làm họ cười. Làm được điều này nghĩa là bạn đang có một mối quan hệ thực sự ý nghĩa.
Biểu lộ tình cảm
Thể hiện tình cảm của bản thân cho người ấy biết là kĩ năng khó khăn hơn cả việc làm chủ tình cảm của mình. Điều quan trọng là việc thể hiện tình cảm cá nhân phải mang lại một hệ quả tích cực, đó là bạn được người ấy đáp lại tình cảm đó.
Trước hết, bạn cần xác định những tình cảm của mình xuất phát từ mong muốn thực sự của bản thân, bạn không dự tính trước, cũng không thể hiện tình cảm vì người khác... Chẳng hạn khi xem phim, bạn muốn nắm tay người ấy, bạn phải thể hiện cho chàng thấy mong muốn được gần gũi, được cảm nhận sự ấm áp từ bàn tay chàng chứ không đơn thuần là hai bàn tay siết chặt. Muốn vậy, hãy thể hiện tình cảm và mong muốn của bạn kèm theo cái nhìn sâu vào mắt chàng. Khi ấy, chàng sẽ cảm nhận được bạn muốn nắm tay chàng vì tình yêu với chàng đang dâng trào, và chắc chắn người yêu bạn sẽ đáp lại mong muốn của bạn.
Xác nhận
Trong quá trình các cặp đôi giao tiếp với nhau, "xác nhận" cũng là một kĩ năng quan trọng bạn nên học tập. Xác nhận mình đang lắng nghe và hiểu những gì người ấy nói, xác nhận tình cảm của mình qua những cử chỉ quan tâm, xác nhận mình nghiêm túc trong mối quan hệ... tất cả những điều đó sẽ giúp bạn và đối tác có sự trao đổi lành mạnh và kết nối sâu sắc hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên xác nhận cảm xúc, mong muốn, nguyện vọng, niềm tin, hành động, quan điểm cá nhân... và không thể thiếu việc xác nhận những gì khiến bạn đau khổ. Thông qua những sự xác nhận này, người ấy sẽ hiểu bạn hơn.
Một lời xin lỗi đúng đắn sẽ giúp bạn xây dựng niềm tin và tăng cường sự kết nối với đối tác suốt hành trình dài mối quan hệ của mình.
Đồng cảm
Sự đồng cảm là kỹ năng đặc biệt quan trọng để xây dựng một mối quan hệ sâu sắc và lâu dài. Chìa khóa để trở thành người biêt đồng cảm là học cách kết nối với những kinh nghiệm sống của người khác. Bạn sẽ không thể hiểu được những nỗ lực của người ấy khi từng trải qua nỗi đau chia tay nhưng bạn sẽ là người biết đồng cảm nếu đặt mình trong cảnh ngộ tương tự. Có những trường hợp chỉ na ná nhau, song nếu đặt mình vào trong đó, bạn sẽ biết người ấy đã hành động sai hay đúng.
Sự đồng cảm không nhất thiết lúc nào cũng phải đồng tình. Bạn có thể đưa ra lời động viên người ấy vì đã hành động đúng hoặc khuyên họ nên suy nghĩ tích cực hơn khi cho rằng họ đã hành động sai... Trong cả hai trường hợp, bạn đều làm được việc cần thiết mà mọi cặp đôi yêu nhau, chung sống đều cần đó là sự đồng cảm.
Xin lỗi
Điều cực kì đơn giản này nhưng không phải ai cũng làm được. Có những người không bao giờ biết phải xin lỗi như thế nào. Một lời xin lỗi đủ sức mạnh để xoa dịu những nỗi đau mà nó còn làm cho người bạn đời cảm nhận bạn hiểu thấu đáo cảm xúc trong họ. Khi nhận lời xin lỗi từ bạn, người ấy hiểu rằng bạn đã ý thức được lời nói, hành động của mình làm tổn thương họ.
Thêm vào đó, cách nói lời xin lỗi cũng là cả một nghệ thuật. "Em xin lỗi" khác hẳn với "Em xin lỗi vì đã làm anh buồn". Một bên là xin lỗi cho có, thiếu thành khẩn, một bên là lời xin lỗi rất chân thành, xin lỗi vì biết mình đã sai lầm.
Một lời xin lỗi đúng đắn sẽ giúp bạn xây dựng niềm tin và tăng cường sự kết nối với đối tác suốt hành trình dài mối quan hệ của mình.
Theo mask online