Ngay khi biết Vy là người Thanh Hóa, mẹ bạn trai đã kịch liệt phản đối mối quan hệ của hai người. Bà thậm chí còn gọi điện cấm đoán, xúc phạm cô...
Vy (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, tình yêu của cô bắt đầu từ năm thứ 4 đại học với một anh chàng hơn tuổi người Nam Định. Mọi chuyện êm đềm cho đến năm thứ 3, khi Nam, người yêu Vy quyết định giới thiệu cô với gia đình. Cũng chính thời khắc ấy, tương lai với bao dự định sụp đổ trước mắt hai người.
Sau buổi gặp gỡ, Vy được biết gia đình anh "kỵ" cô với lý do: “Dân Thanh Hóa đanh đá, ky kiệt, chín xu đổi lấy một hào”. Không những nói xa nói gần để cố ý đến tai cô, bà mẹ anh còn gọi điện nói thẳng: “Sẽ không bao giờ ủng hộ mối quan hệ này và cả họ cũng không ai đồng ý cả”. Tự trọng, cảm thấy mình không đáng phải chịu những lời xúc phạm thái quá như vậy và vì biết chắc không thể sống tốt trong môi trường toàn người kỳ thị mình, nên Vy dù còn rất nhiều tình cảm với Nam vẫn kiên quyết chủ động dứt tình.
Song suốt hai năm sau khi chia tay, Nam không hề yêu ai khác, cũng nhất quyết không chịu lấy vợ và nói thẳng với mẹ: "Người con yêu mà không được lấy thì con sẽ ở vậy suốt đời". Sốc trước câu nói của anh, bà mẹ đã quyết định tìm hiểu xem Vy là người thế nào để con trai bà phải si tình đến thế. Sau khi cho con gái cả đi "dò tin", biết rõ ngọn nguồn tính cách cũng như gia cảnh của Vy, bà và mọi người bỗng chuyển sang vun vén, tìm mọi cách cho hai người đến với nhau.
Vì vẫn còn tình cảm với Nam, cộng với sự vun vén hết mực của gia đình người yêu, nên Vy đồng ý quay lại và làm đám cưới sau hai năm trời xa cách. Vy cho biết, giờ gia đình nhỏ của cô đã có một bé gái 3 tuổi. "Không những thế, nhà chồng quý mình lắm. Bố mẹ chồng đi đâu cũng khen có con dâu thảo hiền".
Ảnh minh họa: N.P
Hai năm yêu nhau, cùng trải qua bao vui buồn từ thủa sinh viên, vậy mà chỉ vì gốc quê Thanh Hóa, tình yêu của Quyên với Tùng (người Hà Nội) gần như đi vào ngõ cụt khi cô theo anh về ra mắt. Ngay khi biết quê quán của Quyên, bố mẹ Tùng ra sức phản đối, cho rằng người Thanh Hóa nhiều tính xấu, mặc cho anh cố gắng giải thích cô ngoan ngoãn, dịu dàng, chăm chỉ, học giỏi. Gia đình anh liên tục gây sức ép buộc hai đứa phải chia tay.
Dự định khuyên nhủ bố mẹ dần dần, nhưng vì áp lực quá lớn, nên sau 4 tháng Tùng đã nói lời chia tay với cô, với lý do bố anh rất bảo thủ, không ai có thể thay đổi những định kiến của ông; còn mẹ là người ít học, nên thường xuyên dùng những lời lẽ có ý xúc phạm, miệt thị. “Điều đó khiến anh không chịu được, thà anh chia tay để em bớt khổ còn hơn tiếp tục để sau này em phải nghe những lời đay nghiến”. Mới đầu, Quyên vẫn cố gắng níu kéo vì còn quá yêu Tùng, nhưng dần dần cô phải buông xuôi vì chính anh là người bỏ cuộc trước.
“Điều đau lòng hơn cả không phải là gia đình anh ấy, mà là người từng yêu tôi rất nhiều giờ đây không đủ bản lĩnh nắm chặt tay tôi để đương đầu với khó khăn. Tôi không biết phải làm thế nào nữa…”, cô tâm sự.
Trên các diễn đàn lớn cũng có nhiều topic liên quan đến việc kỳ thị người Thanh Hóa, Nghệ An. Một số topic nổi bật như: “Gia đình bạn trai ngăn cản vì em là người Thanh Hóa”, “Ai có người yêu, chồng Thanh Hóa, Nghệ An thì vào cho ý kiến"…
Trên diễn đàn webtretho, Liên tâm sự cô là người Thanh Hóa và chưa bao giờ bận tâm đến việc phân biệt vùng miền của một số người. Cá nhân cô nghĩ đúng là thừa hơi mới đi lăn tăn vì câu kỳ thị của người dưng. Bản thân cô khi được chàng người yêu (người Hà Nội) kể về tình trạng nhiều người "ghét dân Thanh Nghệ", Liên chỉ nói: "Em không quan tâm, và anh có quyền lựa chọn". "Đến giờ người yêu mình vẫn chả có gì chê trách vì mình là người Thanh Hóa cả", cô nói.
Phương (Vĩnh Phúc) còn bị mẹ ngăn cản ngay từ khi biết cô quen một anh ở Nghệ An: "Thôi con ạ, mẹ xin. Con tránh xa Thanh Hóa, Nghệ An ra cho mẹ nhờ". Trong khi sự thật là mẹ cô chưa từng tiếp xúc với ai người miền Trung.
Chuyên viên tư vấn Phạm Thị Lan cho rằng, thực tế hiện nay một số bạn trẻ bị phản đối yêu và kết hôn chỉ vì mình có gốc Thanh Hóa, Nghệ An. Tuy nhiên, cũng không ít luận cứ, luận chứng được đưa ra để chứng minh người Thanh Hóa và Nghệ An không xấu như một số người vẫn nghĩ, họ có những điểm tốt cần được trân trọng.
Xét về mặt nhận thức và tâm lý, mọi sự việc đều có tính hai mặt, trong một bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài. Con người cũng vậy, có người nọ người kia. Vậy nên, khi nhìn nhận và đánh giá vấn đề, rất cần một cái nhìn khách quan, đa chiều và tránh tâm lý đám đông - quy luật rất thường gặp trong cuộc sống và tâm lý con người.
Trường hợp một số bạn bị gia đình phản đối yêu hoặc kết hôn với lý do vùng miền cần bình tĩnh để giải quyết. Khi bị phản đối, bạn nên tìm hiểu xem xét lý do thực sự dẫn đến sự kỳ thị là gì? Là do nghe thông tin không tốt về vùng miền hay vì chính họ là người từng trải, va chạm và chứng kiến nên để lại ấn tượng không tốt. Khi hiểu rõ vấn đề, các bạn mới có thể tháo gỡ một cách dễ dàng.
Bên cạnh đấy, các bạn cũng không nên nóng vội, cần cho gia đình đối phương thời gian kiểm chứng những gì họ nghe và thấy. Tuyệt đối tránh những suy nghĩ tiêu cực rằng "Họ không thích mình tại sao mình lại phải tốt với họ" hoặc "sờ gáy xem lại mình đi"... Cách nghĩ ấy không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho những suy nghĩ tiêu cực tăng lên theo cấp số nhân. Thay vì thế, cách cư xử khéo léo và lễ độ trong mọi hoàn cảnh cộng với sự chân thành trong tình cảm sẽ làm mọi người dần nhận ra những suy nghĩ thiếu hụt trong việc đánh giá vấn đề.
Trong một số trường hợp các bạn có thể trao đổi trực tiếp vấn đề vùng miền một cách thẳng thắn, chân thành, khách quan đa chiều để bố mẹ người yêu có thể hiểu và dần chấp nhận. Việc nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh cũng là cách nên nghĩ đến. Chắc chắn sẽ có người công tâm để chia sẻ khách quan về vấn đề mà các bạn đang gặp phải.
Song hơn hết, một tình yêu trong sáng, chân thành cùng sự kiên trì sẽ luôn là bằng chứng rõ ràng nhất để thuyết phục gia đình xóa bỏ mọi định kiến và cởi mở chấp nhận. Kết thúc có hậu của Vy và Nam chính là thành quả từ sự kiên trì đó.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trương Giao Bảo cũng chia sẻ rằng, việc kỳ thị với người miền Trung, cụ thể là Thanh Hóa, Nghệ An thường xuất phát từ các tin đồn thiếu thực tế. Không ít bạn khi yêu bị ảnh hưởng bởi lời mách bảo của đồng nghiệp, bạn học cho rằng người Thanh Hóa, Nghệ An ky bo, tính cách gia trưởng... khiến bản thân người trong cuộc cũng dần bị áp đặt theo suy nghĩ đó.
Tiếp theo là ảnh hưởng từ sự cấm cản của gia đình. Nhiều ông bố bà mẹ chia sẻ với con cái về người Thanh Hóa, Nghệ An thế này thế kia, thậm chí còn đưa ra dẫn chứng một số gia đình lấy người vùng miền này và thấy được tính cách của họ tằn tiện, gia trưởng như thế nào... Hoặc đơn giản là do phụ huynh nghe được những lời đồn đại của thế hệ trước một cách vô căn cứ, nhưng "mưa dần thấm lâu", dần hình thành định kiến và tiếp tục áp đặt lên cách suy nghĩ của thế hệ sau.
Tuy nhiên, thực tế là những gia đình bất hạnh, lối sống thiếu lành mạnh, không hạnh phúc đâu phải chỉ thuộc về người Thanh Hóa, Nghệ An mà rải đều ở khắp mọi miền đất nước. Hơn nữa, hạnh phúc cá nhân là do người trong cuộc quyết định, bố mẹ chỉ nên góp phần định hướng. Trước khi định hướng, bản thân các bậc phụ huynh cần có cái nhìn đa chiều, chuẩn xác, không được áp đặt theo xu thế. Đồng thời, bố mẹ cũng phải dành thời gian tìm hiểu xem đối tượng con mình yêu và muốn kết hôn là thế nào, không nên chưa tìm hiểu đã vội quy chụp này nọ, sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc con cái sau này.