Quán quân Next Top mùa đầu tiên cho biết, nếu coi Hoàng Thùy là đối thủ thì cô không cho phép mình lười biếng.
- Truyền thông và khán giả bây giờ gọi chị bằng cái tên khá 'Tây' Trang Khiếu thay vì tên thật Huyền Trang. Vì sao lại có sự thay đổi như vậy?
- Cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2010 kết thúc, tôi bắt đầu đặt chân vào giới người mẫu chuyên nghiệp và hoạt động với cái tên Huyền Trang. Thế nhưng, thời gian sau khi từ Mỹ trở về, tôi gặp vài rắc rối về hình ảnh. Như mọi người thấy, tôi mất một thời gian dài tìm kiếm lại bản thân và thời gian gần đây đã ổn định hơn.
Để đánh dấu cho sự thay đổi của mình, cũng như tăng tốc cho bản thân, tôi quyết định sử dụng tên Trang Khiếu trên con đường người mẫu chuyên nghiệp. Tôi đoán, sẽ có nhiều người ngạc nhiên vì tôi bỗng dưng bỏ đi công sức 2 -3 năm mình xây dựng, thậm chí sẽ có người lạ lẫm với tên mới của tôi, nhưng ai cũng có sự trưởng thành. Tôi muốn khi mọi người nhắc đến mình sẽ là một Trang Khiếu đã có những bước đi vững chắc, chứ không còn là Huyền Trang Next Top Model ngây ngô và phong độ thường xuyên bấp bênh.
Trang Khiếu ngày càng trưởng thành và bản lĩnh sau quãng thời gian tìm kiếm cơ hội phát triển ở thị trường quốc tế
- Không chỉ thay đổi về tên, so với ba năm trước thì sự hiền lành, nhút nhát của chị đã được thay thế bằng tính cách, tự tin, khôn khéo. Chị nghĩ gì về điều này?
- Tất cả là do môi trường. Ba năm trước, tôi là một cô gái trẻ 20 tuổi bước vào ngành công nghiệp thời trang. Mọi thứ với tôi còn quá mới mẻ và lớn lao nên tôi nhút nhát và hay ngại ngùng. Tôi nghĩ, cô gái nào chắc cũng vậy, chứ không riêng mình tôi. Nhưng ba năm đã trôi qua, mọi thứ phải khác. Nếu mãi mãi là cô bé thì tôi sẽ không thể sống trong guồng quay của xã hội, chứ đừng nói là showbiz. Giống như môi trường bên ngoài thôi, hoặc “tiến hoá” hoặc “đào thải”. Tôi tồn tại được đến giờ thì buộc phải có chút “tiến hoá”, không thì khổ lắm (cười). Một cái cây 3 năm không lớn lên thì có nghĩa, cái cây ấy “chết” rồi.
Thật ra, hiện tại tôi vẫn thấy mình khá nhút nhát, hiền lành, chưa khôn khéo và lanh lợi mấy đâu. Nhưng tự tin, kinh nghiệm và lòng yêu nghề thì đã “đầy” hơn đôi chút. Đó là khác biệt lớn nhất tôi cảm nhận được ở mình.
- Không có công ty người mẫu trong nước nâng đỡ, chị hoàn toàn tự tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài thông qua các mối quan hệ cá nhân. Để được xuất hiện tại sàn diễn quốc tế, chị trải qua những khó khăn gì?
- Tôi nghĩ, đó là sự kiên trì và chịu được áp lực. Nếu ở Việt Nam, tôi sẽ sống với nghề khá đơn giản bởi tôi có vài danh hiệu nên được mọi người ưu ái. Tuy nhiên khi ra nước ngoài, tôi chỉ là một lính mới, lính lạ, thế nên việc ưu tiên không bao giờ tồn tại. Trong một môi trường có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cô gái đầy nhiệt huyết đi casting, tôi buộc phải lăn lộn để có một chỗ trên sàn diễn.
Khó khăn ở nước ngoài không phải là những điều đến nhanh mà là thứ đến từ từ, bào mòn bản thân. Lần đầu bị từ chối ở một sân chơi, tôi hơi sốc nhưng vẫn tiếp tục đi đến địa điểm casting thứ hai với nhiệt huyết dâng trào. Thế rồi, tôi nhận được một gáo nước lạnh chê bài và cái lắc đầu từ chối. Khi nhận thêm 2-3 cái lắc đầu trong một ngày, sau đó kéo dài trong nhiều ngày, cộng thêm hàng trăm giờ chạy đôn chạy đáo khắp các địa điểm casting thì lại là chuyện khác. Mỗi lần thất bại trên đất người là mỗi lần tôi bị bào mòn sự nhiệt huyết. Điều đó rất kinh khủng, giống như bạn thấy tương lai mỗi lúc lại tối đen và bế tắc. Áp lực tâm lý như vậy đáng sợ hơn gấp nhiều lần những thử thách hay rắc rối. May mắn là tôi vẫn giữ cho mình ngọn lửa cuối cùng để bước tiếp và lấy được các cơ hội trình diễn.
Cô không ngừng làm mới hình ảnh của bản thân trong mắt công chúng.
- Để có hồ sơ đẹp, lọt vào mắt xanh của các hãng khi tham gia casting, theo chị cần hội tụ những yếu tố gì, đặc biệt là với các chân dài gốc châu Á?
- Khi họ nhận hồ sơ của bạn, họ đã thấy bạn trông như thế nào, nhan sắc ra sao. Điều cuối cùng khiến họ có đặt bút ký hợp đồng là phụ thuộc vào việc bạn sẽ tự tin, đam mê và muốn vị trí đó không.
- Chị từng chia sẻ, cát-xê diễn tại London Fashion Week chỉ có vài triệu, vậy chị lấy đâu tiền để trang trải cho cuộc sống trong thời gian ở đó?
- Tôi diễn nhiều show mà, chưa kể còn một số công việc kèm theo như chụp lookbook cho những nhà thiết kế trẻ. Tôi cũng được các anh chị đi trước giúp đỡ nên “dễ thở” hơn trong việc chi tiêu chỗ ở và ăn uống. Kinh nghiệm những lần đi nước ngoài trước đây đã trở thành “bảo bối” để tôi có thể trụ lại London suốt một tháng trời.
- Không ít người đặt bàn cân so sánh chị với Hoàng Thùy Khi khi cả hai đều xuất hiện tại London Fashion Week vừa qua. Bản thân chị nghĩ gì về sự cạnh tranh này?
- Đó là những gì mọi người thấy thôi. Tại London, cả tôi và Hoàng Thùy đều phải vất vả casting cùng hàng trăm cô gái trẻ hơn, đẹp hơn. Tôi cạnh tranh với họ cũng đủ mệt rồi chứ thời gian đâu mà so đo với Hoàng Thùy. Huống hồ, tôi và Hoàng Thùy là những đại diện thế hệ mới của người mẫu Việt Nam trên đất người, vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi thế, chúng tôi cần phải liên kết, giúp đỡ nhau. Tôi nghĩ, việc tạo ấn tượng và khiến cho thế giới nhớ đến những cô gái Việt Nam quan trọng hơn so với chuyện so sánh ai giỏi, ai kém.
Tất nhiên, cũng có người không tin những điều tôi nói và cho rằng, tôi và Hoàng Thùy đang cạnh tranh nhau. Nếu sự thật có cạnh tranh thì cũng tốt bởi Hoàng Thùy là một cô gái tuyệt vời. Có một ‘đối thủ’ như Hoàng Thùy, tôi luôn có động lực để không bao giờ cho phép mình lười biếng.
- Với cái mác 'người mẫu trình độ quốc tế', không ít người sẽ hét giá cao khi tham gia các show trong nước, chị thì sao?
- Nếu làm như vậy thì có thể tôi sẽ mất show. Những người tổ chức show diễn đã làm nghề rất lâu và họ cũng chẳng phải dạng ngây thơ gì. Thế nên họ không bỏ một đống tiền oan cho những thứ trên trời. Ở showbiz Việt, cuộc sống là cộng sinh mà. Nếu một ai đủ sức để hét giá (và sống sót được) thì người ta cứ hét, còn không thì sau một thời gian lại về đúng chỗ của mình. Tôi không việc gì phải lăn tăn về nó. Mà thú thật, “người mẫu trình quốc tế” ở Việt Nam cát-xê không hề cao đâu. (cười)
Quán quân Next Top mùa đầu tiên được hai công ty người mẫu lớn ở Singapore đề nghị ký hợp đồng.
- Thời gian qua, chị tích cực giảm cân để có phom dáng của người mẫu quốc tế, đồng thời tạo style thời trang đời thường cá tính riêng. Chị phản ứng sao nếu có ý kiến cho rằng, chị ôm tham vọng trở thành một biểu tượng thời trang?
- Tôi làm vậy để sinh tồn thôi. Làm người mẫu, tôi sống dựa vào phom dáng và hình ảnh của mình. Đó không phải tham vọng mà là sự nghiêm túc với nghề. Nghề nào cũng cần đầu tư và cực khổ. Nghề người mẫu thì hình ảnh và tạng người luôn quan trọng số 1. Tôi tích cực như vậy cũng vì trách nhiệm với bản thân và với chính công việc mình lựa chọn. Còn biểu tượng thời trang, tôi chưa nghĩ đến. Nó còn hơi xa xôi, nhất là một người vừa thoát khỏi những rắc rối về hình ảnh như tôi.
- Danh tiếng, tiền bạc dễ làm cho con người sống trong ảo tưởng. Chị đã bao giờ tự mãn về điều đó chưa?
- Thú thật là tôi thấy bản thân mình chưa thu thập đủ danh tiếng, tiền bạc. Hàng ngày, tôi đều nỗ lực, cố gắng từng chút một để có một chỗ đứng vững chắc. Nhiều đêm, tôi đã bật khóc vì áp lực công việc. Vì thế, tôi cho rằng, mình chưa đủ danh tiếng, kinh nghiệm để bàn về việc này.
- Hiện tại, chị có kế hoạch gì để phát triển sự nghiệp ở thị trường quốc tế?
- Sau những chuyến đi nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ, tôi thấy mình đã có đủ trải nghiệm cá nhân. Thị trường quốc tế như guồng máy khổng lồ, muốn tấn công nó, ngoài sự chịu khó, đam mê cần có cả sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Trong thời gian này, tôi sẽ chuyển hướng vào những thị trường châu Á gần hơn. Tôi sẽ tìm kiếm công ty, ê kíp nâng đỡ rồi mới quay lại châu Âu và Mỹ. Có lẽ, đã đến lúc tôi thay đổi sau quá trình một mình lang thang tự mày mò đi casting. Muốn câu cá lớn thì phải cần chuyên nghiệp (cười).
Theo ngoisao.net