Đang hưởng tuần trăng mật tại Nha Trang, Thục (Hà Nội) nằng nặc đòi chồng đưa về vì không chịu được cảm giác khó chịu khi liên tục buồn tiểu và đau buốt mỗi khi đi vệ sinh.
Cô dâu 23 tuổi cho hay, sau 2 ngày tận niềm hạnh phúc làm vợ, cô bắt đầu thấy đau rát vùng kín, tiểu buốt, thậm chí nước tiểu còn có màu đỏ nhạt như lẫn máu. Cô lo lắng không hiểu mình bị bệnh gì, thậm chí còn nghĩ tới khả năng do hai vợ chồng đi tắm bùn và bị viêm nhiễm nên nước tiểu mới có màu giống... bùn.
Trở về Hà Nội đi khám, Thục mới thở phào khi bác sĩ nói bùn không phải là nguyên nhân khiến cô gặp vấn đề về tiểu tiện. Tình trạng Thục trải qua được gọi là viêm bàng quang sau tuần trăng mật, bệnh rất nhiều đôi uyên ương mắc phải trong giai đoạn đầu có đời sống tình dục, và có thể điều trị sớm khỏi.
Ảnh minh họa: Prayersoflight.photoshelter.com.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội), rất nhiều phụ nữ trẻ mới lập gia đình, hoặc trong giai đoạn đầu sinh hoạt tình dục gặp tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt - biểu hiện của viêm đường tiết niệu. Nguyên nhân có thể là tần suất quan hệ dày, gây cọ xát quá nhiều vào vùng kín, vệ sinh trước và sau khi quan hệ chưa đúng cách...
Y học đặt tên các trường hợp này là viêm bàng quang tuần trăng mật (honeymoon cystitis) vì tình huống này thường gặp ở các tân nương trong tuần trăng mật, hay các cặp vợ chồng lâu ngày gặp nhau và có tần suất sinh hoạt quá nhiều. "Thông thường, các trường hợp này chỉ cần nghỉ ngơi, giảm bớt tần suất quan hệ, uống nhiều nước, thư giãn... sau vài ngày sẽ khỏi", bác sĩ cho biết.
Tuy nhiên, một số trường hợp, viêm nhiễm có thể vào sâu hơn, lên bể thận, niệu quản hoặc biểu hiện tiểu rắt, tiểu buốt lại là dấu hiệu của các bệnh khác như có sỏi đường tiết niệu... Như vậy, nếu sau vài ngày không thấy đỡ, người bệnh cần đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời. Tránh tự tiện dùng kháng sinh vì dùng không đủ liều có thể gây kháng thuốc, dễ tái phát, hoặc dùng kéo dài có thể tạo cơ hội cho nấm phát triển.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên về nam khoa - niệu khoa Lê Anh Tuấn, nhiễm trùng tiểu là một trong những nhiễm trùng phổ biến. Đặc biệt, do sự khác biệt về cấu trúc giải phẫu học mà tần số nhiễm trùng tiểu thường gặp ở nữ hơn là nam giới.
Bác sĩ cho biết, nước tiểu trong cơ thể bình thường không bị nhiễm trùng. Nhưng nếu vùng quanh lỗ tiểu được mở trong tình trạng có nhiều vi trùng, vi trùng sẽ dễ dàng tấn công vào đường tiểu và bắt đầu phát triển, khiến nhiễm trùng xuất hiện. Nếu nhiễm trùng chỉ nằm tại niệu đạo người ta gọi là viêm niệu đạo. Nếu nhiễm trùng tiếp tục đi vào trong bàng quang và sinh sôi tại đó người ta gọi là viêm bàng quang. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng tiếp tục đi ngược lên thận gây ra viêm thận - bể thận.
Theo bác sĩ Tuấn, viêm bàng quang sau tuần trăng mật ám chỉ khả năng nhiễm trùng đi vào niệu đạo của phụ nữ trong lúc quan hệ tình dục. Một số phụ nữ không bao giờ bị tình trạng này do cấu trúc cơ thể tạo nên sự bảo vệ đối với nhiễm trùng. Niệu quản và bàng quang được cấu tạo có cơ chế chống trào ngược nước tiểu lên trên thận và dòng nước tiểu đều đặn từ bàng quang được tống ra trong lúc đi tiểu đã giúp rửa sạch trùng. Cơ thể cũng có khả năng tự miễn nhiễm, tuy nhiên, nhiễm trùng vẫn xảy ra.
Bệnh nhân có thể bị một hay nhiều triệu chứng sau đây:
- Tiểu gấp (mắc tiểu phải đi ngay không thể nhịn được).
- Cảm giác đau và rát buốt khi đi tiểu.
- Cảm giác mệt mỏi cả ngày: mệt, sốt nhẹ hay ớn lạnh...
- Đau ngay cả khi không đi tiểu.
- Khó chịu vùng hạ vị hay bụng dưới.
- Mặc dù rất mắc tiểu và cần đi tiểu nhưng chỉ ra được rất ít nước tiểu.
- Nước tiểu có thể ra đục hay ra hồng.
Trong trường hợp có sốt kèm với các triệu chứng khác như: đau lưng, buồn nôn và nôn thường thì có thể vi trùng đã vào đến thận. Khi có triệu chứng trên, bệnh nhân nên khám sớm để được làm các xét nghiệm máu cũng như nước tiểu và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ, các nhiễm trùng tiểu lần đầu có thể dễ dàng cảm giác hết triệu chứng sau vài ngày điều trị, nhưng bạn vẫn cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc. Nhiều trường hợp, triệu chứng có thể hết sớm nhưng vi trùng vẫn tồn tại nếu ta ngưng kháng sinh sớm quá, vi trùng sẽ phát triển nhanh và nhiều hơn rồi bùng lên tạo nên đợt nhiễm trùng mới.
Để phòng tránh tình trạng này, các cặp uyên ương nên rửa sạch bộ phận sinh dục trước khi quan hệ; đi tiểu ngay trước khi và sau khi quan hệ; uống thật nhiều nước mỗi ngày và không nhịn tiểu quá lâu; chị em không nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ dạng xịt vì sẽ gây tổn thương cho lỗ tiểu và phá hủy các vi khuẩn thường trú; Nên dùng vòi sen để tắm tốt hơn ngâm mình trong bồn; khi đi cầu xong, nên lau hay rửa từ trước ra sau để tránh vi trùng đi từ vùng hậu môn đi vào vùng tiểu.
Lương y Phó Hữu Đức đang khám bệnh cho một phụ nữ trẻ. Ảnh: MT.
Theo lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong đông y, viêm đường tiết niệu có nguyên nhân gốc rễ là do thận khí nóng, kết hợp cùng các tác nhân như lao động quá độ, tình dục không điều hòa, tâm trạng bất ổn, ăn uống thái quá…
Ông Đức cho biết, bệnh này đặc biệt hay gặp vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng nực, các chất cặn bã chủ yếu thoát qua lỗ chân lông, qua mồ hôi, ít qua đường tiểu, từ đó sinh ứ ở đây. Những người hay nhịn tiểu, thường xuyên phải ngồi trên tàu, xe... cũng dễ mắc bệnh hơn.
Theo lương y, đông y có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này bằng các bài thuốc đặc trị. Một số loại cây có tính mát, lợi tiểu cũng có tác dụng tốt chữa viêm đường tiết niệu như râu ngô, kim ngân hoa, bông mã đề, rau má, lá cối xay, rễ cỏ tranh...
Tuy nhiên, theo ông, để tránh tình trạng hay bị tái lại, ngay khi có các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, người bệnh nên đi khám để được thầy thuốc xác định tình trạng bệnh và kê thuốc phù hợp. Nhiều người có thói quen uống thuốc theo lời mách, bệnh có thể lui triệu chứng nhưng dễ tái phát, thậm chí để lại hậu quả xấu.
Một trường hợp được lương y thăm khám mới đây là một điển hình. Bệnh nhân là một phụ nữ 26 tuổi, khi khó chịu vì liên tục mót tiểu, tiểu đau, thậm chí ra máu sau khi lấy chồng không lâu, chị nghe lời mách, lấy cùng lúc cả lá sen, nấm linh chi, cây chó đẻ (hay còn gọi là diệp hạ châu) về uống. Sau một thời gian, thấy người mệt mỏi, chán ăn, chị mới đi khám, làm xét nghiệm thì biết bị teo gan.
"Các vị thuốc bệnh nhân dùng cùng có tính thanh nhiệt, giải độc, nhưng chỉ nên dùng một trong 3 và liều lượng phù hợp với thể trạng, tình trạng bệnh. Viêm đường tiết niệu do thận khí nóng nhưng ở mỗi người, với tính hàn và nhiệt khác nhau thì lại cần uống thuốc với liều lượng không giống nhau", lương y Đức cho biết.
Theo vnexpress.net