“Chuyện chăn gối của vợ chồng tôi vẫn tốt đẹp. Chỉ tội không thể có con do mỗi lần “lên đỉnh” chẳng hiểu sao tôi không thấy…ra”.
Anh Đặng Hoài C., 35 tuổi, ngụ tại quận 4, TP.HCM, một trường hợp đang chờ khám hiếm muộn tại bệnh viện chia sẻ.
Không thấy…ra, vợ nghi ngờ giả bộ
Trong rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới, trường hợp của anh C. thuộc loại hiếm gặp.
Anh C. lấy vợ từ năm 2009, hai vợ chồng vẫn sinh hoạt chăn gối tốt, khả năng “cậu nhỏ” của C. hoàn toàn bình thường.
“Đôi lúc vợ tôi thắc mắc rằng anh có giả bộ hay không mà mãi chẳng thấy…anh ra. Tôi nói tôi có lên “đỉnh” nhưng cô ấy cứ nghi ngờ này nọ.”, anh C. kể.
Mỗi lần quan hệ xong, anh C. thấy nước tiểu có màu đục, không dám nói sợ bà xã lo lắng.
Ngày qua ngày, một phần vì ngại người khác biết chuyện, hơn nữa cả hai vẫn thỏa mãn, vả lại chỗ đấy cũng không thấy đau đớn nên anh C. chẳng mảy may gì.
Tới khi bị hai bên nội ngoại “dí”, đòi cháu, vợ chồng anh C. mới đành dắt díu nhau đi khám.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân C. bị vô sinh do mắc chứng xuất tinh ngược dòng.
Tinh dịch của anh C. thay vì được xuất ra ngoài theo đường niệu đạo lúc đạt cực khoái thì lại…chạy ngược hết vào bàng quang (nơi chứa nước tiểu).
Nguyên nhân nghi ngờ gây ra chứng xuất tinh ngược dòng do anh C. bị đái tháo đường lâu năm.
Xuất tinh ngược dòng có thể gây vô sinh. (Ảnh minh họa).
Anh Nguyễn Đức H., sinh năm 1978, ngụ tại quận Bình Thạnh cũng bị chứng xuất tinh ngược dòng nhưng may mắn hơn anh C.
Anh H. kể: “Tôi và vợ “thả cửa” nhưng chật vật mãi tới 3 năm cô ấy mới có bầu và sinh được đứa con gái. Nhà neo người, ông bà nội cứ hối vợ chồng tôi đẻ thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Thấy hai vợ chồng trắc trở trong đường con cái nên chúng tôi nghe bạn bè khuyên, đi khám hiếm muộn mới hay mình bị bệnh.”
Bác sĩ phát hiện anh H. bị xuất tinh ngược dòng (một phần). Nghĩa là mỗi khi đạt cực khoái, tinh dịch phóng ra ngoài rất ít, phần lớn bị trào ngược trở lại theo ống niệu đạo vào bàng quang.
Tinh dịch phóng ra trong mỗi lần quan hệ ít khiến vợ chồng anh H. khó có con nếu không được điều trị, can thiệp.
Can thiệp vẫn có con được
ThS - BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) cho biết, xuất tinh ngược dòng là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có khả năng gây vô sinh ở nam giới.
Bình thường khi xuất tinh, bàng quang có hệ thống cơ vòng nhỏ để đóng chặt đường thông từ bàng quang ra niệu đạo (đường đi của nước tiểu và tinh dịch ra ngoài).
Xuất tinh ngược dòng là hiện tượng tinh dịch thay vì được xuất ra ngoài theo đường niệu đạo khi xuất tinh lại đi ngược, một phần hoặc hoàn toàn, vào bàng quang (nơi chứa nước tiểu).
Dương vật người bệnh vẫn có hiện tượng cương, cảm giác xuất tinh và giao hợp bình thường. Tuy nhiên, lượng tinh dịch mỗi lần xuất tinh rất ít, hoặc không có. Đi tiểu sau giao hợp có thể thấy nước tiểu đục.
Có 3 nguyên nhân gây ra xuất tinh ngược dòng.
Đó là tổn thương cơ vòng ở bàng quang sau khi bị chấn thương hay có phẫu thuật trước đó ở vùng này.
Hoặc tổn thương về thần kinh gây rối loạn phản xạ thần kinh làm cơ vòng không đóng tốt.
Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh khác cũng có thể làm rối loạn hoạt động của cơ vòng ở bàng quang.
Nói chung việc xuất tinh ngược dòng không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Ảnh hưởng đến sức khỏe chủ yếu là bệnh lý hay vấn đề cơ bản gây ra chấn thương.
Bác sĩ Tường khuyên nam giới có biểu hiện của bệnh xuất tinh ngược dòng cần đi khám, tìm nguyên nhân cơ bản và điều trị.
Ảnh hưởng quan trọng nhất của xuất tinh ngược dòng là khó có con hay vô sinh do tinh trùng không ra được bên ngoài khi giao hợp. Tuy nhiên, hiện nay các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đều giúp các trường hợp này có con được.
Mỗi năm, bác sĩ Tường khám và điều trị cho khoảng 2 – 3 trường hợp bị xuất tinh ngược dòng. Trên thực tế số nam giới mắc chứng bệnh này có thể nhiều hơn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, ngại không dám đi khám.
Theo vietnamnet