Do âm đạo và âm hộ là những bộ phận nhạy cảm, nên khi bị ngứa gây bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngứa âm đạo như:
- Do ẩm ướt, vệ sinh kém.
- Dị ứng hoặc kích ứng với các thành phần của thuốc ngừa thai, dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh, dị vật trong âm đạo…
- Mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ ở giai đoạn mang thai hay hậu sản hoặc thời kỳ mãn kinh.
Viêm âm đạo do nhiễm nấm Candida albicans, nhiễm ký sinh trùng Trichomonas vaginalis hay nhiễm vi khuẩn ( E. coli, lậu cầu khuẩn…).
Ngoài ra, còn có các yếu tố thuận lợi gây ra ngứa âm đạo: căng thẳng tâm lý (stress) kéo dài, bệnh đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch gây ra rối loạn cân bằng vi khuẩn ở âm đạo…
Triệu chứng:
- Ngứa.
- Bỏng rát.
- Kích thích khó chịu.
- Nhiễm khuẩn: tiết dịch, có mùi hôi.
Các triệu chứng này có thể xảy ra trong một thời ngắn hay kéo dài tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc điều trị
Thuốc được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh. Sau đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng:
Nhóm thuốc kháng histamin H1:
Nhóm thuốc kháng histamin H1 thường được dùng ở dạng thuốc viên, có tác dụng ngăn chận sự hoạt động của histamin gây ngứa, nên thường được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo.
Thuốc kháng histamin H1 được chia làm 2 loại:
- Loại thế hệ cũ (Chlorpheniramin, dexchlorpheniramin…) tác động ức chế lên hệ thần kinh trung ương nên gây buồn ngủ (cần tránh sử dụng khi lái xe, vận hành máy móc..). Các thuốc này sử dụng thích hợp khi ngứa âm đạo gây mất ngủ.
- Loại thế hệ mới (Loratadin, cetirizin…) do không tác động lên hệ thần kinh trung ương nên không gây buồn ngủ.
Nhóm thuốc corticosteroid:
Nhóm thuốc corticosteroid (hydrocortison, betamethason, prednisolon..) thường được dùng ở dạng thuốc viên, thuốc mỡ, kem…, có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng chống ngứa, nên được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo.
Hai nhóm thuốc trên thường được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do dị ứng.
Nhóm thuốc bảo vệ da:
Nhóm thuốc bảo vệ da (glycerin, bơ ca cao, mỡ cừu…) được dùng ở dạng thuốc dùng ngoài như thuốc mỡ, kem… tạo thành một lớp bảo vệ da ngăn chặn các mô bị khô, giúp giảm ngứa, bỏng rát… do ngứa âm đạo gây ra.
Nhóm thuốc làm se da:
Nhóm thuốc làm se da (calamin, oxid kẽm…) được dùng ở dạng thuốc dùng ngoài như thuốc mỡ, kem… có tác dụng làm đông tụ protein tại chỗ nên làm se da, bảo vệ da khỏi bị ngứa, bỏng rát… do ngứa âm đạo gây ra.
Hai nhóm thuốc trên thường được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do kích ứng.
Nhóm thuốc kháng nấm:
Nhóm thuốc kháng nấm thường dùng ở dạng thuốc đặt, thuốc viên có chứa hoạt chất kháng nấm như: nystatin, clotrimazol, miconazol… được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do nhiễm nấm Candida albicans.
Nhóm thuốc kháng Trichomonas:
Nhóm thuốc kháng Trichomonas thường dùng ở dạng thuốc đặt, thuốc viên có chứa hoạt chất như: metronidazol, ternidazol… được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do nhiễm Trichomonas.
Nhóm thuốc kháng sinh:
Nhóm thuốc kháng sinh thường dùng ở dạng thuốc đặt, thuốc viên có chứa kháng sinh phổ rộng như: neomycin, polymycin, chloramphenicol… được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do nhiễm khuẩn.
Ba nhóm thuốc trên thường được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do viêm âm đạo.
Nhóm thuốc nội tiết tố:
Nhóm thuốc nội tiết tố thường dung ở dạng thuốc đặt có chứa estrogen (ethinylestradiol, estradiol, promestriene…), giúp phục hồi lượng estrogen bị sụt giảm ở giai đoạn mang thai hay hậu sản hoặc thời kỳ mãn kinh.
Nhóm thuốc này thường được sử dụng trong điều trị ngứa âm đạo do suy giảm nội tiết tố estrogen.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc phòng tránh các nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây ra chứng ngứa âm đạo là rất quan trọng như: vệ sinh, giữ khô vùng âm đạo, âm hộ; tránh sử dụng các chất gây kích ứng hay dị ứng, phòng ngừa viêm âm đạo...
DS. MAI XUÂN DŨNG
Theo Sức Khỏe & Đời Sống