2 tuổi đã có kinh nguyệt, 13 tháng tuổi đã “dậy vú”, 10 tuổi mà “cái ấy” cứ dựng đứng lên khi gặp con gái,…là những chuyện khiến các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ.
Có kinh nguyệt khi…chưa đầy 2 tuổi
Đó là trường hợp dở khóc dở cười của bé T.T.T.V. (sinh tháng 3/2009 ở Tiền Giang). Chị N.T.N.Y., mẹ bé V., kể lúc bé khoảng 16-17 tháng thì có huyết trắng âm đạo nên chị đưa bé đi khám. Bác sĩ khám cho rằng do việc vệ sinh không kỹ nên bé mới bị như vậy. Khi bé 18 tháng, gia đình phát hiện bé ra huyết âm đạo nên đưa đến hai bệnh viện huyện ở Tiền Giang để khám nhưng các bác sĩ nói không sao.
Tuy nhiên, tháng sau bé lại ra huyết âm đạo ba ngày rồi hết như tháng trước. Gia đình lại đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Tiền Giang khám. Tại đây, bác sĩ nói bé bị rối loạn nội tiết, vài tháng sau sẽ hết. Song, mấy tháng liên tục bé đều có hiện tượng kinh nguyệt ba ngày rồi hết, khi có kinh bé cũng khó chịu, mệt mỏi, đau bụng nên chị Y. hốt hoảng đưa con đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ khám. Sau đó, chị được bác sĩ hướng dẫn qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ cho biết bé V. là trường hợp dậy thì sớm. Ngoài có kinh nguyệt, ngực của bé V. cũng “dậy vú” sớm.
Các bé dậy thì sớm khiến các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ. Ảnh minh họa
Tương tự là trường hợp bé gái Đ.K.H (sinh tháng 2/2009, Mỹ Thạnh An, Bến Tre), bé có tuyến vú phát triển và có kinh nguyệt khi bước vào tuổi thứ 2 khiến gia đình không khỏi ngạc nhiên. Chị N. (28 tuổi), mẹ bé H. cho biết ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vú của bé, gia đình chị đã đưa bé đi khám tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM. Dù được cho thuốc uống nhưng tình hình không có gì biến chuyển. Đến tháng 5/2011, vùng âm đạo của bé đột nhiên ra một ít máu, kéo dài 2 ngày như đến ngày đèn đỏ.
Chị T. (ngụ quận 3, TP.HCM) cũng vô cùng hốt hoảng và lập tức đưa con gái đi chữa trị khi thấy bé mới 13 tháng tuổi nhưng vú lại phát triển to hơn bình thường, khi sờ thì thấy có cục chàm to gần bằng quả tắc. Có bé mới vào lớp 1, bỗng nhiên một hôm “bị chảy máu” vùng kín khi đang trong giờ học. Cô giáo hốt hoảng gọi báo phụ huynh. Mẹ bé tưởng con bị lạm dụng tình dục vội đưa đến bệnh viện. Sau khi khám, bác sĩ cho biết cháu có “kinh nguyệt”.
3 tuổi mọc ria, 10 tuổi có tinh dịch
Không chỉ có bé gái mắc bệnh dậy thì sớm, một số bé trai cũng có những biểu hiện dậy thì ngay từ khi còn rất nhỏ. Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng từng điều trị cho một bé trai N.L.M.T (31 tháng tuổi) nhưng đã có những biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành, như bộ phận sinh dục phát triển, lông tay, lông chân và lông mu mọc dài, đen, gương mặt dần già đi và vỡ tiếng.
Còn trường hợp của chị K. (ngụ Nhà Bè, TP.HCM) cũng dở khóc dở cười khi con trai mới 10 tuổi “thỏ thẻ” với mẹ sao “cái ấy” của con cứ “dựng đứng” lên mỗi khi đứng gần các bạn gái trong lớp.
Thực tế, trẻ dậy thì sớm không phải hiếm gặp. Riêng bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, từ năm 2008 đến nay đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 40 bệnh nhi bị bệnh dậy thì sớm. Bên cạnh trẻ gái, không ít bé trai mới 3-4 tuổi cũng có biểu hiện dậy thì như bộ phận sinh dục bỗng dưng to bất thường, xuất hiện lông ở “vùng kín”, thậm chí có trẻ đã thích quan tâm đến một số vấn đề chỉ dành cho người lớn.
Phụ huynh “mất ăn, mất ngủ”
Rất nhiều phụ huynh có con bước vào tuổi dậy thì đang "mất ăn mất ngủ" trước những biểu hiện bất thường của con. Cùng với việc phát triển cơ thể, trẻ cũng có cảm xúc giới tính sớm hơn. Nhiều bậc cha mẹ kêu trời khi thấy con ở lứa tuổi 7-8 đã quan tâm đến bạn khác giới, yêu đương, thậm chí lên mạng tìm xem những hình ảnh, phim sex,...
Theo Ths. BS Đinh Thạc, khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hầu hết trẻ dậy thì sớm, tâm sinh lý chưa phát triển kịp với sự lớn lên về thể chất. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi. Một số trẻ bị rơi vào trầm cảm vì không biết chia sẻ cùng ai. Các bé trai có khuynh hướng hung hăng, dễ nổi cáu và hay gây gổ với những người xung quanh. Trẻ có thể bị mất ngủ, đứng ngồi không yên hoặc có những hành vi bất thường, nhiều trẻ còn bị rối loạn suy nghĩ và có cái nhìn lệch lạc về tình dục,…
Bác sĩ Thạc khuyến cáo, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được thăm khám và điều trị, khi cần thiết phải làm một số xét nghiệm về nồng độ hormon trong máu và nước tiểu, chụp CT, MRI,…Nếu phát hiện trẻ dậy thì do nguyên nhân nào, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Trẻ cũng cần được tư vấn tâm lý thật thấu đáo khi có dấu hiệu học tập sa sút, hoặc trẻ bị rơi vào trạng thái trầm cảm.