Một số loại thực phẩm rất dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ như đậu nành, hải sản, sữa động vật... Vì vậy, các mẹ cần lưu ý và quan sát bé thật kỹ khi cho trẻ ăn thử một thực phẩm mới.
Dị ứng thức ăn là một phản ứng không bình thường với thức ăn, gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Theo TS. Lê Minh Hương, Trưởng khoa Dị ứng - Miễn dịch - Khớp (Bệnh viện Nhi Trung Ương): Dị ứng thức ăn có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới ba tuổi.
Những thực phẩm gây nên dị ứng thường hay gặp nhất là trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt, cá, hải sản... do các thực phẩm này có tính dị nguyên cao. Dị nguyên thức ăn là các glycoprotein có trọng lượng phân tử từ 7 – 10 kD. Ngoài những đặc tính vốn có của thực phẩm thì quá trình chế biến, bảo quản cũng là những yếu tố gây nên dị nguyên thức ăn. Những người có cơ địa mẫn cảm hoặc hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị dị ứng do dị nguyên thực phẩm.
Các bác sỹ giải thích, trẻ em có hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng.
Triệu chứng trẻ bị dị ứng thức ăn
Khi trẻ bị dị ứng có các biểu hiện dị ứng toàn thân với phần lớn các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến vài giờ như đau quặn bụng, cảm giác nóng ran, nổi ban đỏ ngứa khắp người, mắt xung huyết, đỏ, phù nề môi, mắt, khó thở, thở rít, trụy mạch, tụt huyết áp, hoặc chỉ đơn thuần có các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.
Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi.
Khi trẻ ăn dặm, nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn một loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò...). Những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.
Dưới đây là top các thực phẫm gây dị ứng cho bé:
Các loại thức ăn dễ gây dị ứng nhất là sữa bò, trứng, cá, tôm, bột mỳ, lạc và các loại hạt.
Đậu nành
Trung bình khoảng 0,3% trẻ em mắc phải chứng dị ứng này. Nhưng rất may mắn là hiện tượng dị ứng với đậu nành là nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Các triệu chứng dị ứng đậu nành bao gồm ngứa ran trong miệng, phát ban, ngứa, sưng tấy, thở khò khè, chảy nước mũi hoặc khó thở. Đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn cũng rất phổ biến.
Các nhà nghiên cứu xác định ít nhất 15 chất gây dị ứng có trong protein đậu nành. Trong khi hầu hết các loại dị ứng ở trẻ em sẽ biến mất sau tuổi lên 3, nhưng dị ứng đậu nành lại thường xuất hiện ở tuổi lên 7 và có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.
Hải sản
Trẻ em thường bị dị ứng với động vật có vỏ (sò, ngao, tôm), cá, mực và bạch tuộc. Sau khi ăn các loại thực phẩm này, trẻ bị nổi mề đay, sẩn ngứa, một số trẻ có thể bị tiêu chảy. Sự phản ứng của nó diễn ra khá gay gắt và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Các loại hải sản là tác nhân gây dị ứng nhiều nhất, bao gồm một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao (cá trích, cá chình, lươn, cá tầm, cá ngừ, cá thu, cá marlin, cá kiếm…), nghêu sò, tôm, cua…
Thực phẩm chua
Thật ngạc nhiên khi các loại trái cây có vẻ rất hiền lành và rất tốt cho sức khỏe như dâu tây, cà chua… lại có thể là tác nhân gây dị ứng thực phẩm ở trẻ, nguyên do là hàm lượng axít cao.
Nhiều em bé ăn những thực phẩm này thường bị mẩn đỏ quanh miệng. Đây là loại dị ứng nhẹ, bác sĩ khuyên các trẻ dưới một tuổi không nên ăn đồ chua.
Trứng
Trong lòng trắng trứng gà có một loại protein có thể gây dị ứng cho một số bé mẫn cảm với loại chất này.
Một số loại rau xanh
Một số loại rau xanh có hàm lượng nitrat cao có thể phản ứng không tốt với cơ địa của trẻ nhỏ. Do vậy, trẻ nhỏ nên thận trọng khi ăn các loại rau xanh này: rau bina, củ cải, cà rốt, củ cải xanh.
Ngũ cốc
Trong số ngũ cốc có thể gây dị ứng thì lạc (đậu phộng) đứng đầu bảng, hậu quả xấu đặc biệt với trẻ bị hen suyễn. Kế đến là đậu nành và lúa mì. Mới đây các nhà khoa học còn tìm ra trẻ có cơ địa dị ứng còn có thể bị dị ứng bởi khoai tây.
Sữa bò
Dị ứng sữa bò cũng không hiếm gặp. Đó là tình trạng cơ thể của trẻ mẫn cảm với thành phần đạm sữa bò, gây ra phản ứng dị ứng. Dị ứng xảy ra có thể rất đột ngột: ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân.
Cũng có trường hợp dị ứng diễn ra khó phát hiện hơn như trẻ khó chịu, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy… nên cha mẹ khó đoán bệnh, vì hay nhầm với các triệu chứng bệnh lý khác.
Bên cạnh dị ứng sữa thực sự thì có những phản ứng với thực phẩm do “không dung nạp thức ăn”: cơ thể trẻ không dung nạp đường lactose trong sữa. Trong số các loại dị ứng, dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ khiến các phụ huynh lo lắng nhất vì đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ.
Theo phunutoday