Có những câu phê bình, chê bai, nhắc nhở có thể tạo nên vết sẹo không bao giờ lành trong tâm hồn trẻ.
1. “Mẹ chỉ mong con lớn lên không giống như…”
Câu này thực ra cũng là một dạng sỉ nhục trẻ, nhất là khi chúng ta tập trung vào kiểu người mà bạn KHÔNG muốn con trở thành. Nhà tâm lý học Nancy Irwin cho rằng chúng ta sẽ gặt được những gì chúng ta tập trung vào, cho dù là phê bình. Nếu như bạn cứ tập trung nói rằng con bạn béo, chậm chạp, giống như một người nào đó… điều này sẽ trở thành sự thực.
Thay vào đó, hãy tập trung vào những đức tính tốt mà bạn muốn con bạn có được như sáng tạo, hài hước, thích tìm hiểu, lạc quan. Đừng cứ gài con vào thất bại bằng cách bơi móc những điểm yếu của con.
2. “Con không thể…”, “Con không được phép…”
Bạn có thể giảng giải cho con về những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Thế nhưng khi bạn nói con không được hay không nên làm thứ này thứ kia, những bài giảng của bạn bỗng nhiên tan thành bong bóng, chẳng hạn như “Con không được chơi với bạn A”. Trẻ tôn sùng những gì ba mẹ nghĩ về mình, nhưng câu nói này đã làm lòng tự tôn của trẻ vỡ vụn.
Thay vào đó, hãy dành những hạn chế này cho những hành động liên quan đến sự an toàn của trẻ hoặc khi hành đông ấy quá nguy hiểm. Mặt khác, nuôi dưỡng lòng ham mê khám phá của trẻ là một phần quan trọng của một tuổi thơ lành mạnh.
3. “Không bao giờ”
Chuyên viên tâm lý gia đình Edie Raether hoàn toàn phản đối phương pháp dạy con tiêu cực. “Không được nói không bao giờ! Đây là quy tắc quan trọng nhất bởi vì tất cả chúng ta đều cần nhiều chọn lựa khác nhau”.
Thay vào đó, hãy cho con bạn nhiều lựa chọn. Ví dụ như nếu con bạn muốn đua xe và bạn nghĩ rằng nó quá nguy hiểm, vậy thì có những môn thể thao hoặc hoạt động nào khác mà con có thể thử?
4. “Mẹ sẽ đánh/ giết con đấy!”
Tất cả chúng ta đều có những giây phút thốt ra những lời nói kinh khủng nhất. Nhưng hoàn toàn không ổn chút nào khi bạn dùng lời đe dọa mang tính bạo lực dù có tính đùa bỡn hay không.
Thay vào đó, hãy để ý đến cách mà con bạn đang lĩnh hội những lời bạn nói như thế nào. Bạn đã từng chịu đựng những lời mỉa mai, đe dọa, những lần lên giọng trong tuổi thơ của mình kia mà.
Hiện nay có nhiều phương pháp dạy con lành mạnh hơn mà không dùng vũ lực như “Kỷ luật không nước mắt” mà ThS Trần Thị Ái Liên chia sẻ. Phương tây thì có phương pháp time-out, còn gọi là phạt con một mình, là một hình thức dạy con cũng khá hiệu quả.
5. “Con chính là nguyên nhân vì sao…”
Nếu như bạn không định hoàn thành câu nói này bằng một câu mang nghĩa tích cực thì tốt nhất là đừng nói nó. Đừng chơi trò đổ lỗi. Bác sĩ nhi tâm thần Tia Horner cảnh báo rằng, “những lời đổ lỗi không công bằng và bất hợp lý lên con trẻ về những vấn đề của người lớn như thế này sẽ phá hủy hoàn toàn cảm nhận của trẻ về tình yêu vô điều kiện, gây ra sự bất an và hủy hoại sự tự tin của trẻ”.
Thay vào đó, bạn phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề người lớn của bạn. Con bạn không phải dùng để đổ lỗi cho một món nợ hay là một sự ly hôn. Hãy đảm bảo rằng bạn nuôi con lớn bằng cách yêu thương con chứ không phải làm con cảm thấy có tội.
6. “Con lớn rồi mà, sao lại làm thế”
Khi đứa con 5 tuổi của bạn ăn vạ trong siêu thị, nhiều cha mẹ dễ dàng thốt ra câu nói này vì nghĩ rằng dùng sự mong mỏi là trẻ lớn của con là cách hiệu quả để bảo con ngưng ăn vạ. Thế nhưng bạn lại đang giễu cợt và làm con xấu hổ đấy. Đừng dùng cách này để làm con ngưng hành động xấu của mình.
Thay vào đó, chuyên viên tâm lý trường học Tina Feigal đề nghị rằng “Nếu như trẻ không hợp tác, hãy tìm nguyên nhân gây ra và tìm cách giảm nhẹ nó đi. Đừng đổ lỗi cho con vì con không cố ý.” Thực tế là vậy, nhiều trẻ không kềm được cách phản ứng của mình nếu như thời điểm đó là trẻ đói hoặc buồn ngủ.
7. “Mẹ ước gì con giỏi/ ngoan giống anh con”
Julie Gurner, chuyên gia về bệnh học tâm thần người lớn, nói rằng câu nói này bà nghe nhiều nhất từ bệnh nhân của mình. Câu nói như bóng ma ám ảnh từ tuổi thơ ám chỉ rằng không ai trông mong đứa trẻ.
Đừng so sánh con, dù là khen. Thay vào đó, hãy cho con biết rằng bạn yêu con vì con là một cá thể khác biệt. Ngay khi con quấy, không ngoan, hãy xử lý vấn đề xảy ra lúc đó. Đừng thể hiện bạn thương ai nhiều hơn bằng cách mong ước những cá tính làm con khác biệt biến mất.
8. “Ba thất vọng vì con”
Lòng tự tin mong manh của con hoàn toàn bị sụp đổ khi nghe câu nói này. Trẻ con không muốn gì ngoài sự ủng hộ của ba mẹ hoặc ít nhất là sự công nhận vào công việc mà con đã hoàn thành.
Chuyên viên tâm lý Jennifer Powell-Lunder đề nghị một cách khác để thể hiện sự thất vọng. Bạn có thể nói “Ba thất vọng với sự lựa chọn của con” hoặc “Con thường lựa chọn rất tốt, vậy chuyện gì xảy ra ở đây?” Những câu nói này cho thấy trong khi bạn thất vọng về cách hành xử của con, bạn vẫn yêu con vô điều kiện.
9. “Con là đứa trẻ hư hỏng!” “Con hư quá!”
Khi con cư xử không như bạn mong muốn, bạn đã nói ra câu này mà không biết rằng mình đã dán nhãn HƯ lên con. Cách cư xử của con có thể không tốt, nói cách khác, sự lựa chọn hành vi của con không tốt, nhưng con của bạn không hư. Bạn và cả con cần phải hiểu sự khác nhau này.
Chuyên viên trị liệu hôn nhân và gia đình Lori Freson cảnh báo rằng “Tôi dám cá với bạn rằng nếu như con bạn tin rằng mình hư, cách cư xử của con sẽ ngày càng tệ hơn”
Thay vào đó, hãy xử lý hành động, không vì một hành động mà “dán nhãn” cho con. Nếu con ăn vạ ở nơi công cộng, hãy nói với con rằng gây ồn ở nơi đấy không phải là lựa chọn tốt. Không nói con hư chỉ vì con gây rối.
Thế đấy, không có cha mẹ nào là hoàn hảo trên thế giới này. Trong khi việc bạn phiền lòng, mệt mỏi, cáu giận, thất vọng vì con là chuyện bình thường thì việc quan trọng hơn là bạn biết cách nói với con như thế nào. Hãy “uốn lưỡi bảy lần” khi nói chuyện với con nhé vì lời nói không xóa được. Tất nhiên, khi bạn mắc lỗi, một lời xin lỗi và một cái ôm vẫn sẽ làm con bạn cảm thấy được yêu thương và trợ giúp.