Chân lạnh, tay run không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Ảnh minh họa: internet
Tay chân lạnh do thể chất yếu
BS Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa Y học cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, theo y học cổ truyền, khi người khỏe thì âm dương cân bằng, khi bệnh là âm dương mất cân bằng: có thể âm thịnh sinh nội hàn (trong cơ thể lạnh), hoặc âm hư sinh nội nhiệt (trong cơ thể nóng), hoặc dương thịnh sinh ngoại nhiệt (ngoài cơ thể nóng), hoặc dương hư sinh ngoại hàn (ngoài cơ thể lạnh). Nếu dương hư, cơ thể dễ mệt mỏi, nhợt nhạt, tay chân bị lạnh.
Theo y học hiện đại, tay và chân là hai bộ phận xa tim nhất, nếu bị thiếu máu, lượng máu từ tim bơm ra ít, dẫn đến bàn tay và chân bị lạnh. Ngoài ra, nếu lượng hồng cầu hạ thấp, khí huyết lưu thông kém dẫn đến dinh dưỡng không đủ cũng khiến tay, chân lạnh.
Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể tự cải thiện bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt như tăng cường nguồn thực phẩm chứa sắt, vitamin B12, thực phẩm cay nóng, thực phẩm bổ dưỡng và chất đạm như thịt bò, dê. Cần ngâm chân trong nước ấm nấu với lá (có thể lá lốt, lá ngải cứu), nước muối; hoặc kích thích tay chân bằng cách xoa bóp dầu nóng.
Theo y học cổ truyền, khi bị chứng tay, chân lạnh, nên dùng các loại thuốc bổ dương, tùy theo tạng dương hư mà có các loại thuốc bổ dương thích hợp, thông thường là bổ thận dương gồm: thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, phục linh, trạch tả, nhục quế, phụ tử. Hoặc có thể dùng bài thuốc: thiên môn, thục địa, nhân sâm. Nếu sau một thời gian kiên trì áp dụng những biện pháp trên vẫn không cải thiện thì cần đến khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ tìm ra nguyên nhân cụ thể và can thiệp phù hợp.
Run do đâu?
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, run là hiện tượng vận động cơ không có chủ ý, do sự rối loạn đường truyền giữa não bộ và các dây thần kinh gây nên.
Nguyên nhân gây run là do các bệnh liên quan đến não bộ như: thoái hóa tế bào thần kinh; tổn thương tế bào thần kinh do đột quỵ, viêm não, thuốc; rối loạn thần kinh; thoái hóa não ở người cao tuổi. Ngoài ra, hiện tượng run tay còn gặp ở một số người sau cai rượu, suy gan, đa xơ cứng, cường giáp, ngộ độc thủy ngân. Run tay xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp ở người già.
Run vô căn: đây là run lành tính hoặc có yếu tố di truyền. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trung niên, một số ít xuất hiện ở tuổi thiếu niên nhưng sau đó mất đi và xuất hiện trở lại khi về già. Hiện tượng run xuất hiện rõ nhất khi tay bưng một vật gì hoặc đang xỏ kim,
khi đứng.
Run tĩnh (run Parkinson): do tổn thương một nhóm tế bào thần kinh ở não nên run sẽ xảy ra dù cơ bắp đang được thư giãn. Hiện tượng run xuất hiện rõ khi đặt tay lên đùi, duỗi thẳng khi đứng hoặc đi bộ. Nhưng khi tay có hoạt động hay cầm nắm trở lại, hiện tượng run sẽ biến mất.
Run tiểu não: tiểu não là cơ quan thuộc tổ chức thần kinh trung ương, có chức năng điều hòa chính xác các cử động của cơ thể. Khi mắc một số bệnh như khối u trong não, đột quỵ, nghiện rượu mạn tính, đa xơ cứng... làm tổn thương vùng tiểu não cũng gây ra hiện tượng run tay.
Run sinh lý: khi cơ thể thay đổi cảm xúc đột ngột, sử dụng các chất kích thích, tay chống đỡ một vật gì đó trong thời gian dài... cũng gây ra hiện tượng run.
Run do rối loạn trương lực cơ: nếu bệnh khu trú ở phần bàn tay thì cũng gây ra hiện tượng run tay.
“Điều trị hiện tượng run dựa vào nguyên nhân gây bệnh, có thể dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và khoảng 1/3 trường hợp run (nhất là run vô căn) được cải thiện đáng kể nhờ liệu pháp tâm lý. Phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng nếu các phương pháp khác không hiệu quả” - BS Vũ cho biết.