Thận được coi là bộ máy lọc chất độc trong máu ra khỏi cơ thể, bởi vậy, khi chức năng thận suy giảm thì chất độc bị tích lũy lại sẽ gây bệnh. Đồng thời, khi thận không sản xuất đầy đủ hormone sẽ gây ra rối loạn chức năng các cơ quan khác trong cơ thể.
Để bảo vệ sức khỏe của thận, bạn cần nắm được những vấn đề có liên quan đến thận như sau.
1. Vị trí của thận trong cơ thể?
Thận được "đặt" ở phía sau khoang bụng, phía trên thắt lưng. Phía sau thận được bảo vệ bởi xương sườn. Nếu bạn đặt tay lên hông thì đầu ngón tay cái chỉ ra vị trí của thận.
2. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến thận?
Đúng. Thận thực hiện các chức năng cần thiết của việc giữ máu trong cơ thể, đào thải các độc tố. Trong thực tế, một số người nghiện thuốc lá bị ung thư biểu mô tế bào thận. Hút thuốc cũng làm tăng lắng đọng cholesterol trong các mạch máu lớn, giảm lượng máu cung cấp cho thận. Điều này có nghĩa là nồng độ oxy trong thận giảm, gây ra tình trạng thiếu oxy, làm giảm bớt khả năng hoạt động tối ưu của thận.
3. Mỗi ngày thận lọc bao nhiêu máu?
Lượng máu được lọc qua thận tùy thuộc vào thể trạng, sức khỏe của mỗi người và sức khỏe của thận. Một người lớn khỏe mạnh, thận làm việc tốt thì sẽ có khoảng 180 lít máu được lọc qua thận mỗi ngày để loại bỏ các chất thải độc hại ra khỏi máu.
Thận là một trong những cơ quan thải lọc vô cùng quan trọng trong cơ thể. Ảnh minh họa
4. Những thực phẩm nào tốt cho thận?
Để thận làm việc tốt, khỏe mạnh, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng kali thấp cho cơ thể. Thận có nhiệm vụ duy trì lượng kali trong cơ thể. Nếu lượng kali tăng có thể dẫn đến sự bất thường trong nhịp tim, thậm chí dẫn đến cơn đau tim. Vì vậy, ăn những thực phẩm có hàm lượng kali thấp sẽ tốt hơn cho thận, ví dụ như dứa, đậu xanh.
5. Nguyên nhân chính gây suy thận là gì?
50% bệnh nhân bị bệnh thận là bởi bệnh tiểu đường gây ra. Ở những bệnh nhân tiểu đường, protein albumin cần thiết cho các chức năng cơ bắp bị rò rỉ vào các đơn vị lọc của thận làm cản trở các ống thải nước tiểu ra khỏi cơ thể. Do đó, nước tiểu được hấp thu ngược trở lại vào cơ thể làm thay đổi sự cân bằng của độ cytokine - phân tử có nhiệm vụ truyền tín hiệu tới các tế bào trong phản ứng miễn dịch, ngừa bệnh. Khi các phân tử này bị suy giảm, có thể dẫn đến tổn thương ở thận và hệ tiết niệu.
Ngoài ra, những người bị cao huyết áp, người bị bệnh lý nhiễm trùng... cũng có thể gặp biến chứng và suy thận.
6 Những thói quen phổ biến nào gây hại thận?
Một số thói quen gây hại thận bao gồm:
- Uống ít nước: Nước có nhiệm vụ pha loãng nước tiểu. Nước tiểu được bài tiết nhanh chóng không chỉ giúp ngăn ngừa sỏi mà còn “làm nhạt” nước tiểu khi ăn quá nhiều muối, từ đó bảo vệ thận.
- Lạm dụng thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau lâu dài làm giảm tốc độ dòng chảy trong máu của cơ thể, do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc giảm đau của bệnh nhân suy thận cũng dễ dẫn đến ung thư bàng quang.
- Ăn quá nhiều muối: 95 % muối trong chế độ ăn uống được chuyển hóa bởi thận, nếu không kịp đào thải nó sẽ tiếp tục tăng thêm gánh nặng, dẫn đến giảm chức năng thận.
7. Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận?
Để thận khỏe mạnh, bạn cần lưu ý các biện pháp sau:
- Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị tốt đường máu ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu.
- Không hút thuốc lá, uống nhiều rượu.
- Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng...
- Uống đủ nước, tập thể dục đều đặn.
- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi.
- Khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu..