Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng đối với người mắc bệnh trĩ, đặc biệt là trong dịp Tết.
Bệnh không từ một ai
Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến, không từ một ai, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Bệnh tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Bệnh đến từ nhiều nguyên nhân như: táo bón lâu ngày, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, béo phì, mang vác nặng, mang thai và sinh con, chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá ít chất xơ, rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu…) và chế độ sinh hoạt không điều độ (căng thẳng quá mức, không tập luyện thể dục thể thao…).
Các dấu hiệu để nhận biết bệnh: đi đại tiện đau, ra máu. Lúc đầu chảy máu ít, lâu hơn, cứ mỗi lần đại tiện hay ngồi xổm máu lại chảy, có khi rất nhiều. Búi trĩ thập thò ra ngoài vùng hậu môn, sau khi đi đại tiện thì tự tụt vào. Càng lâu ngày, khối này to lên dần và không tự tụt vào mà phải dùng tay nhét. Cuối cùng, khối sa này thường xuyên nằm ngoài hậu môn. Ngoài ra, người bị bệnh trĩ có thể kèm theo các triệu chứng như mùi hôi, ngứa quanh lỗ hậu môn. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trĩ gây ra một nỗi khó chịu, bực bội thường trực cho người bệnh.
Người bệnh nên ăn gì trong dịp Tết
Chế độ ăn uống, thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng đối với người mắc bệnh trĩ, đặc biệt là trong dịp tết, những ngày mà lượng thực phẩm, lượng bia, rượu, đồ ăn cay, nóng chúng ta nạp vào cơ thể nhiều hơn ngày thường. Trong khi đó, lại ít vận động hơn.
Nên ăn uống:
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa chất xơ, có tính mát, có tác dụng chống táo bón như rau diếp cá, mồng tơi, rau má, đậu bắp, mướp hương, bí đỏ, rau lang, khoai lang, bơ, chuối, thanh long, cam, quýt, dưa hấu, quả nho đỏ và đen. Nên ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, tránh dạng chiên xào nhiều dầu mỡ.
Nên tăng cường các thức ăn có tác dụng nhuận tràng, tiêu hóa tốt, giảm đại tiện ra máu, làm mát cơ thể như: Đậu đỏ (nên nấu chung với gạo); mè đen; ruột già của lợn, dê; quả óc chó; măng; mật ong. Ăn ngũ cốc nguyên hạt vì nó có chứa tất cả các phần dinh dưỡng của hạt, nó cung cấp nhiều chất xơ, protein và các vi chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc tinh chế.
Bổ sung sữa chua bởi sữa chua cung cấp thêm các phế phẩm sinh học mang lại lợi ích cho tiêu hóa, các lợi khuẩn trong sữa chua giúp bộ máy tiêu hóa của bạn tốt hơn và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Các chế phẩm sinh học trong sữa chua cũng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh trĩ. Đồng thời, uống nhiều chất lỏng, uống nước hoặc chất lỏng khác thêm mỗi ngày. Chất lỏng có thể có nguồn gốc từ sữa, nước, nước tinh khiết (nên uống ít nhất 8-10 cốc nước/ngày), trà thảo dược, nước dùng của món ăn. Hãy nhớ rằng các loại nước ép trái cây và nước ép rau quả chứa ít chất xơ hơn nhiều so với việc ăn các thực phẩm này.
Song song đó, đừng vì suy nghĩ “ngày tết cứ chơi thỏa mái” nên không vận động, chỉ ngồi một chỗ ăn uống, đánh bài, xem tivi… Hãy vận động thường xuyên, đi bộ, bơi lội, tập thể dục thể thao hàng ngày để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh, sảng khoái.
Không nên ăn: những gia vị cay nóng như ớt và hạt tiêu, gừng tươi (có tính nóng), mù tạt (có tính cay, ấm), thịt gà lôi (có rất nhiều chất béo). Không nên sử dụng rượu, bia, nước uống có gas, đặc biệt là các loại rượu mạnh. Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá. Bạn cũng nên bớt lượng muối vì muối có thể gây kích ứng và làm cho ngứa tồi tệ hơn. Lượng muối thường có trong các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, thịt nguội…
Trong những ngày này, vì đã không phải làm việc nên người bệnh cần tránh những căng thẳng không cần thiết. Thêm nữa, không nên nhịn đại tiện vì bất cứ lý do gì, đại tiện ngay khi có cảm giác muốn sẽ giúp giảm những cơn đau. Sau khi đại tiện, bệnh nhân chú ý vệ sinh hậu môn bằng nước sạch hoặc nước muối, không dùng giấy vệ sinh cọ xát gây trầy xước vùng da hậu môn và búi trĩ sa.
Theo Tuoitre.vn