Có đôi vợ chồng đều trạc tuổi 50 vào quán ăn. Ông vui vẻ nói với cô phục vụ chừng đôi mươi: “Em lấy trước cho anh chai bia nhé”. Cô phục vụ: “Dạ, em lấy liền, anh”. Cô lại quay sang bà vợ: “Dạ, cô gọi món giúp con”.
Người vợ sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy: “Thôi, về, khỏi ăn uống gì nữa”. Ông chồng gãi đầu, chạy theo giải thích: “Tại con bé đó vô ý vô tứ, đã gọi anh là anh rồi mà còn gọi em là cô”. Bà vợ giận dữ: “Anh vô duyên trước thì có. Đã bao nhiêu lần rồi, gặp mấy cô gái trẻ, cứ anh với em. Anh xưng là anh thì được, chứ làm sao tôi xưng là chị với con bé kia? Cái tật không bỏ”. Người chồng hài hước để xoa dịu: “Rút kinh nghiệm, lần sau vào quán, anh sẽ bảo “cháu - em cho chú - anh một chai bia”. Vợ bật cười, nhưng bữa tối coi như đã hỏng.
Vô ý như… đàn ông
Một câu chuyện khác. Tiệc cưới, người chồng xăng xái gắp đồ ăn cho những người phụ nữ trong bàn, rồi xới qua xới lại đĩa gà luộc để tìm miếng đùi gà cho vợ. Người vợ trừng mắt nhìn chồng. “Sao vậy em?” - Chồng ghé tai hỏi nhỏ. Vợ rít thầm: “Anh vô duyên quá, gắp đùi gà cho em, người ta nghĩ sao? Em là kẻ phàm ăn tục uống à?”. Chồng không nhận khuyết điểm: “Anh biết em thích miếng đùi mới tìm cho em, em quá đáng với anh đó nha, để ý từng ly từng tí vậy?”. Mất hứng, vợ đòi về sớm, chồng cũng đứng dậy luôn. Suốt quãng đường về, người vợ xâu chuỗi thêm một danh sách dài những lần chồng vô ý. Nào là giữa đám đông, đang đứng cạnh vợ mà chồng sốt sắng làm quen, cười nói vui vẻ với một người phụ nữ khác; gặp phụ nữ lạ thì lăng xăng kéo ghế, trong khi chẳng bao giờ kéo ghế cho vợ; rồi chuyện không biết giữ khoảng cách cần thiết với các cô em họ bên nhà vợ trong những lần đi ăn đám giỗ... Càng nghe, anh chồng càng tự ái. Theo như cách “quy kết” của vợ, thì anh quá vô duyên. Anh cố gắng giữ không phản ứng lại. Chỉ đến khi vợ bật ra một câu, anh mới thực sự thấm: “Ngày mới quen nhau, em thấy anh ý tứ, biết trước biết sau lắm. Nhưng, khi đã là vợ chồng, anh vô tư không tả hết. Anh nghĩ, đằng nào em cũng là vợ rồi nên không cần giữ ý, không cần lấy lòng nữa phải không?”. Nói đến đây, cô vợ khóc.
Liệu có thể thay đổi sự “vô tâm vô tính” của đàn ông không? Nhiều nhà tâm lý đã chứng minh: đàn ông thì đại cương, đàn bà thì chi tiết. Đặc tính nghĩ xa, nghĩ rộng, nhìn bao quát của đàn ông dễ khiến họ xem nhẹ tiểu tiết. Mà để đảm bảo được sự tinh tế, ý tứ “trên từng cây số”, đàn ông phải để ý đến từng chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, bản tính kỹ lưỡng của đàn bà khiến họ liên tục nhận thấy sự vô ý của đàn ông, và thường xuyên bực bội với điều đó. Có lẽ, khó mà thay đổi triệt để được thực tế này.
Nếu một bên cứ xem nhẹ mọi chuyện, bên còn lại mãi theo xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, sự tôn trọng dành cho nhau chắc chắn sẽ dần mai một. Một số phụ nữ đã tự tìm cách hóa giải nỗi bực tức bằng cách chấp nhận thực tế theo kiểu: “Ổng vô tâm vậy đó, hơi đâu mà để bụng”.
“Đàn ông nông nổi giếng khơi”, những vô ý vụn vặt ấy thường khiến họ mất điểm bước đầu, nhưng nếu phụ nữ hiểu được điều đó mà bỏ qua, sẽ “khai thác” được sự quan tâm có chiều sâu sau đó. Nói nôm na là họ chỉ sơ ý quên lãng nhiệm vụ với bà xã thôi. Bằng chứng là khi bị vợ khó chịu về sự vô ý ấy, người đàn ông tìm ngay cách để lấy lại lòng tin yêu của vợ đó thôi. Đàn ông dễ làm phật lòng phụ nữ, nhưng lại cũng rất biết cách khiến phụ nữ nhanh chóng nở nụ cười trở lại. Có chị thử chiếc váy mới để đi dự tiệc, nhờ chồng nhận xét. Anh chồng vừa xem ti vi, vừa lơ đễnh buông một câu: “Nhìn như trẻ con, chả khác nhân vật trong phim hoạt hình”. Vợ cau mày. Biết mình nói hớ, anh chữa cháy ngay: “Nói chơi vậy thôi, chứ em mặc váy này đẹp như một nàng công chúa ấy”. Vừa nói, anh vừa đứng lên xăng xái giúp vợ chuẩn bị đồ đạc, dắt xe ra cho vợ. Nếu người vợ cứ chấp nhặt, sẽ “ghim” câu nói vô tâm của chồng, rồi ghét hờn, không thèm để ý đến những hành động chuộc lỗi dễ thương của chồng nữa.
Thế nhưng, bắt đàn bà không chấp nhặt cũng khó chẳng kém bắt đàn ông luôn phải tập trung để không sơ sẩy, vô ý. Xem ra, chỉ còn cách là cả hai phía tập chấp nhận “lỗi tạo hóa” của nhau để nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn.