Trước khi chính thức thành vợ chồng vào năm 2010, chị và anh đã có hai năm chung sống trong ngôi nhà của mẹ anh cho. Mang tiếng “ra riêng” nhưng theo chị, mẹ chồng rất “dài tay”.
Bà thường ghé qua nhà vợ chồng chị để khi thì mang cái tủ về, lúc lại chuyển cái giường đi hay sửa sang góc bếp theo ý mình. “Tôi rất khó chịu vì bà cứ thỉnh thoảng qua “bố cục” lại nhà của vợ chồng tôi” - chị kể. Than thở chuyện này với anh, chị thất vọng vì anh cũng chỉ ậm ừ cho qua. Chị càng bức xúc hơn từ khi con gái chào đời vào năm 2012. Là người có học thức, lối sống hiện đại, chị không chấp nhận cách nuôi dạy, chăm sóc “lỗi thời” của mẹ chồng như cháu bị nấc cụt, bà… dán ngay mảnh giấy lên giữa trán, cho uống chín ngụm nước hay khi cháu đổ bệnh, thay vì đưa đi bệnh viện, bà sử dụng những phương pháp dân gian để chạy chữa tại nhà.
Khoảng cách giữa mẹ chồng - nàng dâu cứ lớn dần, chị lại còn bị bồi thêm áp lực chồng thất nghiệp, mọi chi tiêu mình chị lo liệu. Có lần, trong lúc cãi nhau, chị vô tình buột miệng: “Cha con anh là đồ… ăn bám, ăn hại” khiến anh nổi điên đánh vợ. “Cũng từ đó, lần nào vợ chồng gây nhau anh ấy cũng đánh đập tôi, có lần đánh đến nỗi tôi phải nhập viện. Tình cảm vợ chồng “bốc hơi” theo những lần tôi bị bạo hành như thế” - chị nói. Không thể tiếp tục chung sống, chị viết đơn ly hôn và xin được quyền nuôi con. Tháng 9/2013, TAND Q.10 xử sơ thẩm, tuyên bác đơn, để tạo cơ hội cho hai người hàn gắn. Không chấp nhận, chị bỏ về sống với mẹ ruột, để lại con gái cho anh nuôi. Thương con trai vừa kiếm việc làm vừa phải chăm con, mẹ anh chuyển đến ở trong ngôi nhà của họ. Từ đó, mỗi lần đến thăm con, chị gần như bất lực trước sự cản trở quyết liệt của mẹ chồng: “Bà cấm tôi vào nhà; chửi bới, xúc phạm tôi. Thấy tôi là bà ẵm cháu bỏ đi. Con bé ốm phải nhập viện, tôi đến thăm bà cũng cản trở, nói tôi bỏ con nên không có quyền gì với cháu”. Chị kháng án.
Vợ chồng chị trong phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM
Trong phiên phúc thẩm vào cuối tháng 11 ở TAND TP.HCM, một lần nữa chị tuyên bố không thể nào chấp nhận sự bạo hành của chồng. Chị nói: “Chúng tôi chung sống với nhau gần bốn năm nhưng thời gian ly thân đã quá nửa. Tôi không bỏ đi hoặc nhờ mọi người can thiệp thì liệu có còn đứng đây được để mà xin ly hôn?”. Anh thì cho là tính chị rất ngoan cố, ngang ngạnh: “Vợ chồng gì mà mới nói hai, ba câu là gây nhau, cô ấy kết luận đã “vậy là không ở được nữa, để tôi dọn đi”. Giận quá, tôi tát một cái thì cô ấy la làng, hết điện thoại báo cho gia đình để mẹ và chú chạy qua can thiệp đến nhờ hàng xóm cứu giúp”. Vì không muốn to chuyện nên anh giật điện thoại, ôm ghì lấy chị để cản trở việc “cầu viện”, chị coi đó là hành vi tàn nhẫn của chồng: đánh vợ không cho ai giải cứu! Mẹ chồng thấy chị như vậy nên vốn đã ghét càng thêm ghét.
Anh còn khẳng định, mỗi lần qua thăm con, chị không một lời hỏi han mẹ chồng mà đứng bên ngoài… ngoắc ngoắc con, còn dẫn cả “binh đoàn” gồm mẹ, chú sang đòi con, gây náo loạn. Lúc con nằm viện, chị đến hất hàm hỏi mẹ chồng: “Sao? Bệnh gì? Ngủ lâu chưa? Kêu nó dậy chơi”. Có người mẹ chồng nào chịu đựng được thái độ ấy? Anh nói thêm, từ nhỏ, anh đã thiếu tình thương do cha mẹ chia tay. Sau này cha mẹ quay lại, anh mới thấm thía sự thương yêu, hạnh phúc trong vòng tay gia đình nên xin tòa đừng cho ly hôn; phần anh rất yêu vợ, phần không muốn con phải khổ. “Làm bất cứ điều gì mà vợ quay về tôi cũng làm. Tôi đã tìm được việc với mức lương 13 triệu đồng/tháng để cùng vợ lo cho gia đình” - anh hứa.
Anh dỗ dành vợ khi phiên xử kết thúc
Trong hôn nhân, thay vì cố gắng hóa giải những va chạm, cái tôi của mình lại được chị nâng lên quá cao nên khó dung hợp với người khác. Phần anh, lẽ ra phải là sợi dây liên kết giữa mẹ chồng - nàng dâu thì anh chỉ nghiêng về phía mẹ ruột của mình. “Cuộc sống chung, các bên đều phải có sự điều chỉnh, tế nhị, hy sinh một chút để cửa nhà êm ấm. Trên tất cả, để đứa bé không rơi vào cảnh được mẹ mất cha, được cha mất mẹ vì sự ích kỷ của mỗi người” - vị chủ tọa phân tích.
Nhận thấy mâu thuẫn của vợ chồng và mối bất hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu chỉ cần khéo léo thu xếp sẽ lại ổn thỏa, nên lần nữa tòa tuyên bác yêu cầu xin ly hôn của chị.
Chị gục mặt nức nở sau phán quyết của tòa. Anh tiến lại gần ôm lấy vai vợ, thì thầm: “Thôi, được rồi, cho anh thêm cơ hội”, rồi ân cần rút khăn lau nước mắt cho vợ. Chị yên lặng đón nhận...