Kết hôn, mong muốn được chồng yêu chiều như bao người phụ nữ khác, thế nhưng hai vợ chồng sống cảnh "đồng sàng dị mộng" khi không có hứng thú với... "chuyện ấy".
Sau đêm tân hôn với chồng mới cưới là anh Quyết, chị Thụy (Đồng Nai) mới thấy hối hận vì quyết định vội vàng của mình. Chị cho biết hai anh chị đồng ý kết hôn sau một tháng gặp gỡ, hẹn hò. Cả chị và anh Quyết đều là người lỡ dở chuyện lứa đôi. Khi tuổi đã ngấp nghe 35 - 40, bị gia đình giục giã rồi mai mối, người này gặp được nửa kia "ưng mắt" anh chị đồng ý nên duyên.
Khi chị về làm dâu, hàng xóm, họ hàng ai cũng nức nở khen chị tốt phước, sẽ hạnh phúc nhanh cháu sinh con đàn, cháu đống vì lấy được anh chồng tốt, bố mẹ chồng hiền lành, đức độ. Và quả thật chị Thụy không phải phàn nàn về việc đối đãi của chồng cũng như gia đình chồng với mình. Thế nhưng có một điều khiến chị khó có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ khi ở bên cạnh anh, chị không hề có hứng thú, cảm giác gần gũi "gối chăn".
Chị chia sẻ: "Hai vợ chồng tìm hiểu nhau được khoảng một tháng rồi cưới gấp gáp theo kiểu cho xong phận sự và yên bề gia thất. Vậy nên lúc về nhà chồng cả hai nói chuyện với nhau còn e dè huống hồ là chuyện đụng chạm thể xác. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần người đàn ông mình lấy tốt với mình rồi tình yêu sẽ nảy sinh và phát triển nhưng quả là tôi đã sai lầm. Cho dù anh ấy đối xử tốt với tôi thế nào thì tôi cũng chỉ có cảm giác kính trọng chứ không phải là tình yêu, sự thắm thiết giữa vợ và chồng".
Chị Thụy cũng bẽn lẹn bộc bạch rằng, mỗi khi hai vợ chồng chị gần gũi, cả hai không thể xóa bỏ được sự ngượng ngùng. Anh Quyết thì cứ run rẩy mỗi khi đụng vào người vợ. Còn chị, "gần chồng" nhưng người cứ cứng đơ: "Mình thấy rõ sự căng thẳng từ hai phía. Anh ấy lóng ngóng có lẽ sợ mình trở thành kẻ thô bạo trong mắt tôi. Còn bản thân tôi thì e dè, sợ hãi hơn nên người cứ dúm dó".
Cũng trong hoàn cảnh tương tự như chị Thụy là chị Quỳnh (Hưng Yên). Chị thổ lộ, mỗi khi nghe ai khen ngợi chồng mình, và cuộc sống của hai vợ chồng, chị chỉ biết cười trừ không nói nói năng được gì. Người ngoài thì nghĩ rằng chị cười vì hãnh diện, tán đồng. Còn thực chất nụ cười của chị là nỗi niềm chua xót. Chị tâm sự: "Không lẽ lại vạch áo cho người xem lưng. Trong khi người ta khen mình hạnh phúc, mặn nồng thì mình lại phủ nhận và mang cái lý do tế nhị ấy ra để minh chứng. Nhưng đúng là thật tình ở trong hoàn cảnh của mình thì mới thấy quá chán nản".
Nằm cạnh chồng, chị không hề có cảm giác muốn gần gũi, âu yếm (Ảnh minh họa)
Chị Quỳnh cho biết bản thân anh Nam - chồng chị, đúng là người tốt tính. Trước đây, khi chị vừa bị người ta bội bạc thì anh sẵn lòng ở bên, an ủi. Thế rồi với suy nghĩ lấy một người mình yêu chi bằng lấy người yêu mình để đỡ phải khổ thêm một lần nữa chị đồng ý kết hôn với anh mà không có chút tình cảm yêu đương. Và rồi, chị nhận thấy việc anh đối xử tốt với mình mà không có sự đáp lại từ phía chị khiến cho đời sống của cả hai không chút mặn nồng.
Bản thân chị không yêu chồng nên việc "gần gũi" với chồng giống như là nghĩa vụ không thể chối được. Chị chưa bao giờ thấy bản thân mình có hứng thú, hay chủ động cởi mở chuyện gối chăn. Đã vậy, chồng chị cũng không quá đòi hỏi. Vì thế mọi việc cứ diễn ra như được lập trình. Khi anh khều tay thì chị quay sang, cởi cúc áo. "Cứ như thế cuộc sống của hai vợ chồng tôi qua đi một cách nhạt nhẽo và lạnh lùng. Bản thân tôi cũng thấy mình vô dụng, ngu ngốc khi một người đàn ông tốt như vậy mà không thể có cảm xúc, tình cảm khi ở bên…" - chị Quỳnh thở dài cho biết.
Mọi chuyện trở nên bế tắc hơn khi chị Quỳnh nhận thấy mình trở nên lãnh cảm với chồng sau thời gian sinh con. Những ngày tháng gần đây, chị thường xuyên lấy lý do từ chối việc vợ chồng gần gũi. "Tôi biết anh ấy buồn, thất vọng nhưng tôi không thể mở lòng mình ra. Tôi chán ghét mình, chán ghét cuộc sống đồng sàng, dị mộng của cả hai. Tôi ước gì mình có thể yêu được anh ấy. Ước gì có thể làm chồng mình hài lòng..." - chị Quỳnh buồn rầu nói.
Một trường hợp khác là chị Thảo, anh Quân (Hà Nội). Anh chị lấy nhau khi anh muốn tìm cho những đứa con của mình một người mẹ tốt. Được người thân giới thiệu chị là người đàn bà góa bụa hiền lành, đảm đang, anh gặp gỡ rồi đồng ý "rổ rá cạp lại".
Những tưởng cuộc sống sẽ trôi đi êm đềm thế nhưng người đàn bà đã qua một đời chồng như chị Thảo nhanh chóng nhận ra mình ngoài vai trò là bảo mẫu trong nhà thì thêm nghĩa vụ phục vụ nhu cầu sinh lý mỗi khi chồng cần. Chị không được quyền đòi hỏi, được quyền ao ước, chủ động khi muốn chồng âu yếm mình.
"Có được anh chồng mà thiên hạ ai cũng chấm 10 điểm vì đẹp trai, có học thức, tốt với người xung quanh, còn với mình thì giống như một con số 0 tròn trĩnh. Ở bên cạnh anh ấy tôi thấy mình giống như một người bấu víu vào cuộc sống của mấy bố con. Chăm chồng, chăm con chồng quên cả nhu cầu chăm sóc bản thân. Tưởng như thế sẽ được chồng yêu chiều thế nhưng thật cay đắng. Đời sống chăn gối của hai vợ chồng giống như cơn ác mộng vì anh ấy là người có quyền đòi còn tôi là người buộc phải trả. Chỉ làm 'chuyện ấy' khi anh ấy muốn. Còn nhu cầu của mình thế nào anh ấy không cần quan tâm" - chị Thảo chia sẻ.
Chị cho rằng cuộc đời của mình thật bi kịch khi người chồng mà chị yêu thương sớm bỏ chị lại cõi đời khi vừa lấy nhau được hai tháng, chị còn chưa kịp sinh con. Để đến bây giờ, chị là một khúc gỗ, là vật thế thân, là nơi để người chồng mới giải tỏa nhu cầu "chuyện ấy" một cách sạch sẽ, khi cần. "Nếu trước đây, có một đứa con với người chồng trước, tôi sẽ ở vậy nuôi con. Nhưng ông trời không thương mình, số phận hắt hủi mình để rồi lại lấy phải người không có tình cảm với mình. Giờ thì phải chịu đựng trong đắng cay…" - chị Thảo gạt nước mắt, nói.