“Bao năm không “phây” thì chẳng làm sao, từ ngày chơi “phây”, biết được con dâu coi mẹ chồng như cái gai trong mắt mà mất ngủ...
Ảnh minh hoạ
Chị làm nghề buôn bán, quanh năm ở cái kiot ngoài chợ chẳng biết gì ngoài giá cả, hàng hóa. Tình cờ, chị gặp lại người bạn học vào mua sắm trong chợ, tay bắt mặt mừng hỏi thăm hết đám bạn thân ngày xưa. Buổi gặp mặt sau 20 năm được tổ chức sau đó, bạn bè chị, nhiều người lấy chồng sớm cũng đã lên chức mẹ chồng như chị. Hôm ấy chị trố mắt khâm phục nhìn cảnh mấy người bạn “cắp nách” ipad lên mạng mở “phây” (facebook) khoe “gia cảnh”. Lâu nay chị cứ nghĩ cái thứ công nghệ đó chỉ dành cho giới trẻ, ai ngờ cũng là “mốt” của mấy bà U50.
Sau hôm đó, chị tức tốc sắm ngay một chiếc ipad và gia nhập hội mẹ chồng thời công nghệ cùng nhóm bạn. Chị cũng tập tành lên mạng chơi “phây”. Ngồi bán hàng chị thường xuyên mang ipad ra “luyện” và “tám” đủ thứ với bạn bè, khoe hết nhà cửa, con cái đến cháu chắt...
Một hôm, đang hì hục mở hàng thì chị nhận được điện thoại của bà bạn bảo “có chuyện gì với con dâu mà nó lên mạng chửi mẹ chồng chan chát thế kia”. Theo sự chỉ dẫn của bạn, chị mở “phây” thì điếng người với “cảnh” con dâu cầm trịch diễn đàn nói xấu mẹ chồng trên mạng. Nó còn dựng một chân dung mẹ chồng hành nghề buôn bán nên đối xử với con dâu theo kiểu chợ búa để mọi người thảo luận.
Hôm đó, người bạn còn lôi ra cho chị một lô một lốc status con dâu trút hận về mẹ chồng trên “phây” trước đây. Hóa ra bấy lâu nay hễ có mâu thuẫn gì với mẹ chồng là nó lên mạng kể xấu chị. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhà chị ở trong đời thực trước nay đã căng thẳng. Con dâu chị lười biếng, cái gì cũng ỷ lại bố mẹ chồng. Hai vợ chồng nó ở nhà, sinh con, không công ăn việc làm. Vợ chồng chị bấm bụng, nghĩ nuôi chúng nó ít lâu rồi hai đứa sẽ tự lo công việc dần dần. Ai ngờ, sinh chưa đầy năm, con dâu lại chửa tiếp. Cái cảnh vợ chồng trẻ con đánh chửi nhau liên miên khiến nhà cửa chẳng lúc nào yên. Có hôm bực mình quá, chị bảo không sống được với nhau thì ly hôn. Con dâu nghe vậy giận dỗi bế con bỏ về nhà mẹ đẻ cả tháng. Chị đang tính để cho hai bên “hạ hỏa” rồi sang đón dâu và cháu về. Ai ngờ…
Một bà bạn trong nhóm cũng than thở chuyện từ ngày có “phây” con dâu cả xa cách với mẹ chồng, thỉnh thoảng lại mặt nặng mày nhẹ. Lý do là, có lần thấy mọi người so sánh chuyện con dâu với nhau, chị cũng buột miệng kể chuyện dâu nhà mình. Nghe chuyện, mấy người bạn bàn luận có ý chê bai con dâu chị có học vấn mà không biết ứng xử. Ai ngờ nó âm thầm theo dõi “phây” của mẹ chồng, biết được nên sinh ra ác cảm. Một lần chị tình cờ nghe con dâu nói chuyện với chồng: “Mẹ anh sống hai mặt, đời thực thì ngọt nhạt với con dâu nhưng trên “phây” thì bêu xấu, nói chẳng ra gì”. Từ hôm đó, lòng chị trĩu nặng mỗi lần tiếp xúc với con dâu.
Bà bạn khác có thâm niêm hơn 10 năm làm mẹ chồng cũng trải lòng: “Bao năm không “phây” thì chẳng làm sao, từ ngày chơi “phây”, biết được con dâu coi mẹ chồng như cái gai trong mắt mà mất ngủ. Uổng công bấy lâu nay, mình cứ xem nó là dâu tốt. Tôi đang tính cho vợ chồng nó ra riêng cho thoải mái cả đôi bên”. Hỏi ra mới biết, cô con dâu không biết mẹ chồng cũng chơi “phây” nên cứ hồn nhiên “chém” chuyện nhà chồng trên mạng. Bà tâm sự với con trai góp ý với vợ chẳng ngờ nó nóng tính “dạy vợ” bằng nắm đấm. Con dâu cho rằng mẹ chồng xúi giục con trai đánh đập vợ nên từ đấy cũng thay đổi thái độ với bà”.
Kể lể cho nhau nghe một hồi, mấy bà mẹ chồng trong nhóm đồng tình kết luận nên tẩy chay “phây”, thà khuất mắt trông coi còn yên ấm cửa nhà. Nhưng chị ngẫm nghĩ, lỗi chẳng phải tại cái “phây” mà là tại người chơi “phây”, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng phơi bày ra cho thiên hạ “góp ý”. Mà số người “góp ý” tốt thì ít “mổ xẻ” xấu thì nhiều. Rồi chị nghĩ ngược lại nếu “phây” mẹ chồng tràn ngập lời ca tụng con dâu, và ngược lại “phây” con dâu cũng tràn ngập yêu thương với mẹ chồng thì làm sao có chiến sự ảo thành thật được.