Một khi anh lười, anh sẽ viện dẫn đủ mọi lý do để “trốn” việc nhà, “việc nước”. Trong đó, câu cửa miệng lại là... “tại em chăm quá”.
Đây là câu mà Tâm (nhân viên kế toán, Thanh Xuân, Hà Nội) hay than thở với đồng nghiệp và hàng xóm về ông xã của mình.
Chồng Tâm là giáo viên dạy Lý cấp 3 tại một trường phổ thông trong nội thành. Thuở còn yêu nhau, chị được nhiều người ngưỡng mộ vì có người yêu vừa đẹp trai, hiền lành lại rất chăm chỉ. Chị vốn không thích nghề giáo viên, cũng chưa từng nghĩ sẽ kết thúc quãng đời độc thân của mình bên cạnh một anh chàng “gõ đầu trẻ nuôi thân”. Vậy mà cuối cùng anh vẫn rước được chị về dinh. Ngẫm đi ngẫm lại, đó cũng là cái duyên cái số.
Tâm hồi tưởng về khoảng thời gian hai người mới yêu nhau. Mặc dù anh ở trong ký túc xá, phòng chật hẹp lại đông người nhưng giường anh lúc nào cũng gọn gàng với chồng sách vở được sắp xếp ngăn nắp, quần áo gấp gọn gẽ. Hình như chị chưa từng thấy anh vứt bừa bãi quần áo mỗi nơi một chiếc hoặc ủ đồ mấy ngày đến nỗi bốc mùi mới đem giặt như vài cậu bạn trong lớp chị.
Ngày mới cưới, tâm lý muốn chăm sóc chồng, thể hiện mình với gia đình nhà chồng khiến chị quan tâm anh từng li từng tí. Chị chẳng để anh động tay vào bất cứ việc gì trong nhà mặc cho mình đi làm về muộn, nhiều hôm mệt mỏi rã rời. Anh có muốn giúp, chị cũng không cho. Cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quần áo cho chồng lên lớp,... không việc gì là không có bàn tay của chị.
Không hiểu sao những ngày ấy chị lại có động lực mạnh mẽ đến thế. Mỗi lần thấy nụ cười và vẻ mặt tuấn tú của anh, vòng tay rắn chắc ôm choàng lấy chị khi vừa mới bước chân vào cửa là chị quên hết căng thẳng, muộn phiền ở cơ quan để toàn tâm toàn ý chăm lo cho anh. Phải chăng đấy chỉ là “cái thuở ban đầu” của những cặp vợ chồng mới cưới mà mọi thứ xung quanh đều một màu hồng. Lúc ấy, họ chưa có con.
Chồng Tâm không muốn “động” tay vào bất cứ việc gì trong nhà cả (Ảnh minh họa)
Lúc cưới, chị 27 tuổi, còn anh hơn chị 5 tuổi. Hai bên nội ngoại ở quê đều mong sớm có cháu bế, anh lại là con trưởng nên cả hai không được phép làm trái ý các cụ. Hơn một năm sau, chị sinh cho anh được 1 thằng cu kháu khỉnh. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì hai người thường hay cãi cọ cũng chỉ vì... việc nhà.
Thêm một thành viên nhí, mọi sinh hoạt của hai vợ chồng gần như bị đảo ngược. Chị vừa đi làm, vừa chăm con nên người lúc nào cũng mệt mỏi, áp lực nặng nề. Sau khoảng thời gian được nghỉ để chăm con, chị đi làm trở lại. Bà nội và bà ngoại thay nhau nên trông cháu. Hai anh chị phải cắt giảm một số khoản chi tiêu để nuôi con trong cơn “bão giá”.
Có con, chị không thể quan tâm anh được như trước. Việc nhà, việc cơ quan với vai trò là kế toán trưởng luôn khiến chị bị stress. Lúc này chị cần anh chung tay sẻ chia với mình nhưng anh lại trở thành “chồng siêu lười”. Anh ỷ lại tất cả việc trong nhà, ngoài nhà cho một tay chị lo toan.
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp, về đến nhà anh chỉ đọc báo, xem ti vi rồi soạn bài hay đọc thêm sách. Thằng cu quấy khóc mà mãi anh mới chịu bế nó đi xung quanh nhà một lát. Quần áo giặt xong, chỉ cần lấy ra đem phơi mà có nhắc đi nhắc lại đến 4 -5 lần anh mới chịu làm. Những khi chị đi làm về muộn, nhà cửa bề bộn, nhờ mãi anh mới chịu cầm chổi quét cho cái nhà với thái độ cau có và khó chịu. Anh luôn viện dẫn với đủ 1001 lý do: "Anh bận lắm; Anh mệt; Anh ốm rồi; Em là vợ kia mà; Em chăm chỉ..." Chồng Tâm không muốn “động” tay vào bất cứ việc gì trong nhà cả. Bên nội, bên ngoại có đám cưới hay đám giỗ anh cũng không muốn về.
Nhìn sang nhà hàng xóm thấy vợ chồng con cái họ quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ nhau mọi việc, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười chị Tâm lại ước “giá như...”. Phải chăng lỗi là do chị?