Tình yêu của hai người như cây xương rồng nở hoa giữa sa mạc, làm tăng động lực cho người muốn sống thật với bản thân.
Tình yêu là thứ có thể đưa người ta vượt qua rất nhiều ranh giới. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất của điều đó là cặp đôi Julian Tăng Ái Linh và Weenny Phạm Thị Thanh Phương. Cùng một giới tính, cả hai đều từng yêu, thậm chí kết hôn, nhưng từ bỏ tất cả để ở bên nhau. Và trong ngày chính thức bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng giới, cộng đồng cả người dị tính lẫn LGBT (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender) đều thán phục cuộc tình kéo dài trên 12 năm tưởng như chỉ trong tiểu thuyết ấy.
Được biết cặp đôi Linh - Phương đang ở Hà Nội, tôi không bỏ lỡ cơ hội đến gặp họ. Linh trông “manly”, nói giọng trầm ấm, nếu không biết trước cô có một cơ thể con gái thì khó mà phân biệt được, trong khi Phương xinh xắn và ngoan, dường như ngây thơ, nói chuyện lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng, tuy thế, đằng sau sự dịu dàng đó là một con người quyết liệt với những gì mình muốn.
Một người đóng hai vai
Mô típ một người đóng hai vai khá phổ biến trong điện ảnh. Không biết có tiếp thu từ các kịch bản phim Hollywood nổi tiếng hay không, nhưng Tăng Ái Linh, cô gái người Việt gốc Hoa, đã tự lên kịch bản “một người hai vai” cho mình để gặp gỡ và ở bên Phương.
Ngay từ rất sớm, Linh đã biết ẩn bên trong cơ thể con gái của cô là một chàng trai. Dù đã có “một người bạn gái” mà cô gắn bó khá lâu, nhưng “anh chàng đào hoa” ở bên trong vẫn cho phép Linh lên mạng để chơi trong một thế giới khác qua nick Yahoo “Duy Khang”. Năm 2002, khi đưa em trai sang Singapore để hỗ trợ em học, Linh thường vào chat room để nói chuyện với ba mẹ ở Sài Gòn và vô tình làm quen với một nickname dễ thương là “phuongpham Lovelyweenny”. Câu chuyện của cặp đôi bắt đầu từ đó.
Phạm Thanh Phương lúc đó đang sống ở Sài Gòn. Hai người làm quen với nhau, Linh thấy Phương dễ thương và suy nghĩ già dặn, dường như cô gái này hơn Linh cả chục tuổi, chứ không phải kém 3 tuổi như ngoài đời. Phương đang chuẩn bị kết hôn, những áp lực tiền hôn nhân quá lớn khiến cô tìm đến Duy Khang để được lắng nghe và chia sẻ. Càng nói chuyện, “Duy Khang” càng thích Phương. Một ngày, Duy Khang ngỏ lời với Phương và nhận được... lời từ chối thẳng thừng. Điều này không làm Tăng Ái Linh chùn bước, thay vào đó, Linh lập một kế hoạch khác.
Trong lúc đó, thời gian 6 tháng sống ở Singapore của Linh cũng kết thúc, cô xách va li về nước. Trước khi về, trong vai Duy Khang, Khang nói với Phương rằng ở Sài Gòn có người bạn rất thân tên là Linh, mong Linh và Phương có thể đi chơi với nhau. Phương đồng ý. Đến đây, Tăng Ái Linh chính thức bước vào cuộc sống của Phương với tư cách một cô bạn gái sáng nhắn tin hỏi thăm, chiều đưa đi chơi, tối về lại lên mạng đóng vai Duy Khang để hỏi han mọi chuyện. Phương hoàn toàn hồn nhiên tâm sự mọi thứ mình nghĩ với Duy Khang và Linh, mà không biết hai người chỉ là một.
Còn Linh, cô cũng để ý xem trong thời gian đó Phương còn hẹn hò với ai khác hay không. Thấy Phương hoàn toàn không để mắt tới ai, Linh mới chính thức tỏ tình với người con gái mình yêu.
Tới một ngày, Linh hẹn Phương ở một quán cà phê đẹp và lãng mạn, nhẹ nhàng nắm tay người con gái này và nói: “Linh yêu Phương rồi. Phương có chấp nhận Linh không?”.
Phương ngơ ngác nhìn người bạn gái mình vẫn chơi lâu nay. Từ trước đến giờ Phương chỉ toàn yêu con trai, không yêu con gái bao giờ, mà tính đến lúc đó vẫn đang có tình cảm với Duy Khang ở trên mạng. Phương rút tay từ chối một cách lịch sự rồi đi về.
Về nhà, Linh tự nhủ, nếu cô gái kia không yêu mình thì sẽ không bao giờ liên lạc nữa, để ai ở yên trong thế giới của người đó. Còn Phương, cô cứ suy nghĩ về những điều đã có giữa cô với Linh và dần nhận ra tình cảm của mình. Ba ngày không liên lạc với nhau, tới ngày thứ tư, Phương là người nhấc máy lên gọi Linh, chỉ để hỏi: “Đi xem phim không?”. Hai người dắt tay nhau đi xem phim như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra.
Đám cưới để... trả hiếu
Phương đã chính thức nhận lời của Linh, nhân vật Duy Khang từ nay không cần bước ra sân khấu nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ được sung sướng ở bên nhau.
Năm 2002, Phương đã làm xong các thủ tục hủy hôn với người chồng mà lẽ ra cô sẽ cưới. Nhưng ở nhà Linh, mọi người đã bắt đầu biết chuyện Linh yêu thương một cô gái và người thân, đặc biệt là mẹ Linh, ra sức phản đối. Nhà Linh là một gia đình gốc Hoa, cực kỳ gia giáo, việc một cô gái chung sống với một cô gái là không thể có được. Mẹ Linh mỗi khi nhìn thấy con gái là lại gào khóc đòi chết. Bà van xin con đừng đi theo đường sai mà hãy lấy chồng, có con như bao người khác. Ba Linh nói với con gái một câu đơn giản: “Con hãy cho mình một cơ hội, cho Phương một cơ hội, cho ba má và cho người đàn ông yêu con một cơ hội đi con”.
Trước tất cả những áp lực đó, Linh quyết định kết hôn với người đàn ông thành đạt ở Úc (do người họ hàng giới thiệu) để trả hiếu cho ba mẹ. Cô làm thủ tục hôn nhân và theo chồng sang Úc sống, đồng thời đi học bên này. Không nỡ nói với người yêu sự thật này, Linh chỉ bảo “mình đi học”. Trong lòng Linh nghĩ, nếu sang đó, Linh hòa nhập, có thể làm một người vợ ngoan, thì thôi. Còn nếu không, cô sẽ trở lại tìm Phương.
Nhà chồng của Linh rất thương con dâu. Trong nhà, mẹ chồng làm hết mọi việc. Chồng Linh đưa tiền nong cho vợ quản lý, có chi tiêu gì cũng nói cho vợ biết, mẹ chồng cũng thỉnh thoảng cho 50 - 100USD (khoảng 1 - 2 triệu đồng) để con dâu mua sắm thêm. Bạn bè của hai vợ chồng đến chơi đều khen anh chồng lấy được vợ xinh, ngoan. Anh chị của chồng Linh cũng quý em dâu, các cháu quý cô Linh. Cuộc sống có thể nói là hoàn hảo. Ngoại trừ một việc: Linh biết mình không thuộc về nơi này.
Cái gì từ trái tim thì sẽ đến với trái tim (Một trong những bức ảnh cưới của Linh và Phương).
Đêm tân hôn, trinh tiết của cô thuộc về người đàn ông kết hôn với cô, anh trân trọng điều đó và nâng niu cô từng chút một, tự hào về cô; trong khi Linh cảm thấy như mình bị cưỡng hiếp. Những ngày tháng tiếp theo cũng không khá hơn. Mặc dù chồng Linh là một người đàn ông hiền và ga lăng, nhưng anh không nhận ra những điều đó mà chỉ nghĩ người phụ nữ Việt Nam rụt rè trong chuyện chăn gối. Linh thực sự cô đơn.
Nhà chồng có những cửa sổ cao, ngày nào Linh cũng thơ thẩn ngồi trên cửa sổ, nghĩ sao mình không chết quách đi. Cô thường đợi lúc chồng ra khỏi nhà để vớ ngay lấy máy tính chat với Phương. Tết năm 2004, Linh về Việt Nam thăm mọi người. Đối mặt với Phương, cô thú thật cuộc sống bên Úc cho người yêu nghe.
Phương đã ôm Linh vào lòng. Linh rất thích được vuốt tóc, Phương để Linh nằm lên đùi và nhẹ nhàng vuốt tóc Linh, phân tích mọi thứ cho Linh nghe, khuyên Linh đừng chịu cuộc sống khổ cực như vậy nữa. Từ từ, Linh nghe ra, nói với mẹ đẻ, muốn ly hôn, nhưng một lần nữa mẹ Linh phản đối. Bà xin con hãy cố gắng có một đứa con đi thì sẽ dành thời gian chăm con mà hết nghĩ linh tinh. Nhưng Linh thấy không thể để cho một đứa trẻ khổ cực được.
Nói là làm, cô trở lại Úc, thu xếp đồ đạc đi tạm sang nhà họ hàng ở (cô còn dở khóa học ở Úc). Lúc cô đi, mẹ chồng quỳ xuống sàn nhà khóc, cô cũng quỳ theo, hai mẹ con ôm nhau khóc. Trong lòng Linh, cô thương chồng mình và thương cả mẹ chồng, nhưng cũng không thể làm gì khác. Cuộc hôn nhân của Linh coi như kết thúc, chỉ còn vài thủ tục giấy tờ.
Cuộc chiến với hai dòng họ
Kết thúc 9 tháng học, Linh trở lại Việt Nam. Bố mẹ Linh giận con, Linh sang nhà người yêu ở. Hai người lại có những ngày tháng quấn quýt, vui vẻ với nhau trong nhà Phương, cùng ăn uống, cùng giúp mẹ Phương bán hàng. Nhưng rồi mẹ Phương biết được chuyện của hai người, bà túm cổ áo Linh tống ra ngoài đường, nhờ bảo vệ của cửa hàng “cho Linh một trận để chừa đi, không được lại gần Phương nữa”.
Cặp đôi Linh - Phương lúc đó gặp được 2 điều may mắn. Thứ nhất, người bảo vệ cửa hàng vốn rất quý Linh nên thay vì “xử lý” Linh, ông lại nói chuyện này với bà ngoại của Phương. Thứ hai, bà ngoại của Phương lại là một người có đầu óc cởi mở, thương cháu. Bà gọi mẹ Phương lại và bảo “Nếu con Linh nó rụng một sợi tóc nào, thì mày chôn luôn tao đi”. Nhờ thế mà mẹ Phương “tha” cho Linh. Bà ngoại động viên cô ra ngoài ở với Phương. Hai người chung sống với nhau luôn từ đầu năm 2005.
Xuất thân của cả Linh và Phương đều là con nhà có điều kiện, ít khi phải đụng tay, đụng chân vào thứ gì. Nhưng bây giờ, hai đứa tay trắng, thậm chí bằng cấp cũng không có. Hai người nai lưng ra kiếm tiền nuôi nhau, trừ đi tiền nhà mỗi tháng 2 triệu đồng, xăng xe... thì mỗi ngày trong túi Linh chỉ cầm có 8.000 đồng.
Rồi hai người cũng tìm cách để xin về lại với gia đình. Thoạt đầu, cả hai bên gia đình đều coi con mình (và người còn lại) như kẻ vô hình. Đặc biệt là gia đình của Linh đông người, mỗi năm 10 đám giỗ, mỗi khi Phương về nhà tham gia đám giỗ, động tay vào cái gì cũng không được. Ngồi trong mâm cơm, ăn cơm trắng không dám gắp thịt, gắp kiểu gì cũng bị mắng.
Mấy chị em họ hàng, thấy hai người bị bắt nạt thì cũng hùa vào. Có khi tụi nhỏ chỉ nói bâng quơ “em thèm ăn ốc quá”, “em thích cái nọ, cái kia quá”, nếu Linh - Phương dẫn tụi nó đi ăn thì bảo “ủa, tui nói chơi mà hai bà làm thiệt hả”, còn nếu không thì biết tay chúng, bởi không khó để nói lên nói xuống “ky bo, hà tiện”. Mỗi lần đi đám giỗ về, Phương tủi thân khóc lóc, Linh dỗ dành hàng tuần liền.
Cái gì từ trái tim thì sẽ đến với trái tim. Nhờ có chồng làm “cầu nối”, Phương và mẹ chồng đã bắt đầu nói chuyện với nhau. Nếu như trước đây Phương chẳng biết làm gì ngoài chiên trứng, thì bây giờ cô đã làm được rất nhiều món trong cỗ gia đình.
Mẹ của Linh cũng xót con gái, cho một căn nhà để hai đứa ở. Đến lúc này, gia đình hai bên đều đã chấp nhận. Linh và Phương chỉ còn tính toán xem có một đứa con. Tình yêu của hai người như cây xương rồng nở hoa giữa sa mạc, điều kỳ diệu đó làm tăng động lực cho những người muốn sống thật với bản thân, với tình yêu của mình. Hai người khẳng định, họ kể ra câu chuyện của mình không phải để cổ xúy cho cộng đồng LGBT, mà để tránh những kỳ thị không đáng có cho họ.