Chưa cưới nhau mà Trang đã thấy hốt hoảng bởi không biết thói hà tiện của Đức còn đến mức nào nữa.
Chỉ đầu tư đúng chỗ
2 năm yêu nhau, Trang (24 tuổi) luôn chìm đắm trong những món quà tặng đẹp đẽ, có giá trị mà Đức - chồng sắp cưới mua để đẹp lòng người yêu. Trang không phải cô gái quá thực dụng vì nói cho cùng gia đình Trang thuộc loại khá giả, cô lại là đứa con gái duy nhất nên muốn gì đều được nấy. Nhưng để đáp ứng yêu cầu làm người yêu Trang thì ngoài "mẫu mã" ra chắc chắn phải có tiêu chuẩn kèm theo không thể thiếu là “chịu chơi”.
Trong thời gian yêu nhau, Trang chưa bao giờ phải mở miệng than phiền với Đức vì anh luôn biết cô muốn gì, thích gì. Mặc dù đã từng nghe bạn bè lời ra tiếng vào không ít lần nói Đức thuộc dạng "siêu hà tiện", nhưng Trang không tin, vì Đức chưa bao giờ tiếc cô cái gì. Trang luôn ngẩng đầu đầy kiêu hãnh với mấy cô bạn gái: “Túi Zara này đang hot đấy, đôi giày Nine West này đẹp quá, áo khoác Mango này mẫu mới năm nay…Anh Đức mua cho tao đấy!”.
Vậy mà chỉ gần đến ngày kết hôn, Trang mới "ngã ngửa" bởi lời đồn về Đức quả nhiên đúng sự thật.
Bắt đầu từ việc Đức đốc thúc bố mẹ sửa nhà cưới vợ với tiêu chí: chỗ nào phô ra mới cần đẹp. Mà "chỗ cần phô" ở đây là phòng khách, nhà vệ sinh tầng 1 là nơi thường xuyên có khách ghé thăm, còn phòng ngủ, phòng thờ, các tầng trên thì không cần sửa sang, sơn mới làm gì.
Thấy nhà Đức đã cũ, Trang cũng ngỏ ý muốn sửa sang luôn phòng cho bố mẹ chồng và cả phòng 2 vợ chồng. Đức không đồng ý, anh nói với Trang: “Em có biết giờ riêng tiền sơn đã đắt đỏ như thế nào không, đấy là còn chưa nói tiền thi công tính trên từng mét vuông. Phòng ngủ bố mẹ thì ai vào mà cần sơn? May ra có phòng chúng mình thì sau đám cưới tổ chức ở khách sạn, mọi người còn đưa em về nên cần sửa qua tí thôi”.
Trang biết Đức kiếm được rất nhiều tiền, vả lại Trang cũng đâu thiếu tiền, tiêu chí của Trang là đã không sơn sửa thì thôi, đã làm mất công thì làm hết cho bõ công. Sau một hồi cãi vã với nhau mấy ngày, Đức chấp nhận sơn mới phòng cho bố mẹ mình bằng loại sơn giá rẻ nhất, đấy là chưa kể anh còn tranh thủ đi xin mấy thùng sơn thừa bên nhà ông cậu Trang về sơn phòng thờ khiến Trang ngượng chín mặt.
Hôm sau, trong lúc đi chọn mua đồ nội thất cho phòng ngủ cả 2, sau một hồi lựa chọn chán chê, như chợt nhớ ra điều gì, Đức kéo Trang lại thì thầm: “Anh quên mất lần trước dì Hà bảo nhà dì ấy còn một bộ chăn ga gửi từ Đức về bao năm rồi chưa dùng, dì có ý cho mình, chất lại xịn hơn mấy bộ mình vừa xem. Cần gì mua nữa em!”.
Trang ấm ức bỏ về nhà, cô không dám kể với bố mẹ, vì từ trước đến nay Đức luôn làm đẹp lòng bố mẹ cô, giờ cô kể ra, khác gì cô bị lừa.
Chưa tính đến việc Đức bảo cái giường hiện tại trong phòng anh mới dùng 5 năm, gỗ xịn, đẹp, không cần mua giường mới. Giờ ngay cả bộ chăn ga tân hôn Đức cũng muốn tiết kiệm thì Trang không chịu nổi nữa. Đức thản nhiên đáp: “Em đi với anh mọi người đều nhìn thấy, đương nhiên cần phải đẹp rồi, còn giường ngủ của riêng 2 đứa mình ai thấy”.
Tự nhiên chưa cưới nhau mà Trang đã thấy hốt hoảng bởi không biết thói hà tiện của Đức còn đến mức nào nữa. Cô bắt đầu nghĩ liệu mình có nên hủy cái đám cưới đang sắp diễn ra không, bởi tính cô chắc chắn không thể chịu đựng được việc sống chung với một người siêu hà tiện như thế.
Mãi Ninh mới nhận ra thói keo kiệt, hà tiện của chồng là bản tính chứ không phải do hoàn cảnh (Ảnh minh họa).
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời
Không đến nỗi bị “lừa” như Trang, từ thời yêu nhau, Ninh (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã bao lần muối mặt vì thói keo kiệt của người yêu.
Đành rằng người yêu cũng thuộc diện “vượt khó”, anh mồ côi từ nhỏ, chính sự hiếu học và chịu khó bươn chải 2, 3 chỗ làm thêm một lúc của anh khiến Ninh yêu. Nhưng việc anh ta cứ liên tục hét vào tai Ninh: “Cô chê tôi nghèo, chê tôi kiệt, sao không đi yêu thằng khác mà cứ dính lấy thằng nghèo như tôi làm gì?” khiến bao lần Ninh ức đến rơi nước mắt.
Đến phòng Ninh ăn cơm (Ninh ở trọ cùng 2 cô bạn), lần nào trước khi về anh cũng phải hỏi nhỏ: “Em có phải đóng thêm tiền cơm hôm nay cho anh không? Nếu đóng thì đóng bằng em thôi nhé vì anh ăn ít lắm!”.
Lần đầu tiên dẫn anh về nhà ở Nam Định chơi, Ninh phải mua sẵn 2 cân hoa quả lẽo đẽo xách theo anh về nhà rồi nói dối với bố mẹ là đồ anh mua. Đến tối, sau bữa cơm gia đình, cô bạn thân rủ 2 người đi uống nước, lúc tính tiền, người yêu Ninh đưa 50 nghìn cho cô bạn Ninh dõng dạc: “Anh với Ninh đóng tiền nước nhé em, anh xem giá rồi bọn anh hết 45 nghìn thôi!”. Ninh "muối mặt" toan rút ví ra trả thì anh đưa ánh mắt sắc lạnh lườm Ninh. Cô bạn thân có lẽ hơi sốc nhưng vẫn kịp trấn tĩnh để từ tốn trả lại tiền anh rồi thanh toán cho cả 3 người.
Ninh đành lí nhí giải thích với bạn mình, trước kia đi ăn toàn các đôi đi đông nên "cam-pu-chia" hết, anh quen sống sòng phẳng vậy rồi.
Đành rằng gia đình khá giả, nhưng từ ngày ra trường Ninh chưa bao giờ xin tiền bố mẹ, cô cũng không muốn người yêu vì nghĩ nhà mình có của mà ỉ lại. Ninh nghĩ do anh sống nghèo khó từ nhỏ nên tiết kiệm. Nhưng sau khi kết hôn, điều kiện sống đã tốt hơn rất nhiều, chồng Ninh vẫn không hề thay đổi.
Đi ăn, cà phê với bạn bè, anh không bao giờ rút ví trả tiền, dù vợ chồng Ninh đã được bạn bè mời rất nhiều lần. Nếu Ninh có lỡ trả tiền lần nào thì anh sẽ ca cẩm suốt mấy ngày những điệp khúc như: “Sao em cứ phải trả cho vợ chồng họ, sĩ như thế được cái gì?”. Ninh không chịu được cũng cự cãi lại: “Anh không thấy vợ chồng nó mời mình đi ăn bao nhiêu lần rồi à?”, thì chồng cô còn hét to hơn: “Tôi đâu có xin bạn cô đãi tôi, họ tự mời đấy chứ. Đồng tiền tôi kiếm khó khăn lắm, tôi không thích uổng phí vì người ngoài”.
Khi Ninh mua bất cứ món đồ, vật dụng cho gia đình, cho chồng hay cho con thì anh đều soi giá rất kỹ và không ít lần nhắc nhở cô: “Em đi làm lương có 5, 6 triệu/ tháng, cần gì mặc cái áo đến 4 - 5 trăm nghìn. Ngoài vỉa hè anh thấy người ta treo biển có mấy chục nghìn kia kìa, mua mà mặc, đừng có phí phạm”. Chồng Ninh không nhớ hôm nay là sinh nhật vợ, đã rất lâu rồi cô mới dám mua cho mình một chiếc áo đẹp như để bù đắp cho việc không nhận được quà của người thân yêu nhất là chồng.
Một lần, mẹ Ninh từ quê xuống khám bệnh ở viện Nội tiết. Ngay hôm đó, chồng cô tức tốc xin nghỉ làm giữa giờ đi theo nhưng không phải vì anh quan tâm đến mẹ vợ mà chỉ để xem vợ có giành phần nộp tiền xét nghiệm, siêu âm cho mẹ không. Đợi đến khi Ninh đưa mẹ lên xe về quê thì chồng đã chờ ở nhà tra hỏi: “Bố mẹ mang tiếng ở quê nhưng điều kiện hơn vợ chồng mình nhiều, anh không xin bố mẹ em, nhưng vài trăm tiền thuốc với mẹ đâu có đáng, em cần gì trả cho mẹ?”.
Ninh không trả lời chồng mà lẳng lặng bỏ vào phòng. Cô lấy ra tờ đơn ly hôn đã viết từ lâu ra để trước mặt chồng và nói: “Tôi đã chán người đàn ông keo kiệt, ti tiện như anh đến tận cổ rồi, đến việc tôi mua cho mẹ đẻ tôi vài trăm tiền thuốc anh cũng cho là không đáng thì với anh cái gì mới đáng hả? Hóa ra anh keo kiệt, hà tiện đến vậy là do bản tính chứ không phải tại hoàn cảnh. Tôi đã chọn nhầm người!”