Nhìn những ngôi sao Hàn Quốc với chiếc mũi đẹp mê hồn, khiến nhiều bạn gái “đau khổ”? Chính vì thế, họ đã không ngần ngại đi nâng mũi, thậm chí nâng đến 2-3 lần để sở hữu khuôn mặt thanh tú hơn… Tuy nhiên nếu không cẩn thận, nó cũng tiềm ẩn hậu quả khó lường.
Nâng mũi ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội vì những ưu điểm vượt trội về việc cải thiện dung nhan một cách hiệu quả nhất.
Nâng mũi bọc sụn... đẹp lâu bền với thời gian?!
Theo tìm hiểu của PV, hiện trang website của một số thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn “cập nhật” các công nghệ nâng mũi “hot” nhất mà các sao Hàn ưa chuộng để thu hút khách. Tại các trang web này, thông tin về các dịch vụ nâng mũi khá chi tiết. Đặc biệt, kỹ thuật nâng mũi bọc sụn được các thẩm mỹ viện quảng cáo là một bước tiến mới trong công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu tại Hàn Quốc, giúp cho những cô nàng “mũi tẹt” sớm có được một chiếc mũi xinh xắn, nhỏ nhắn. Bên cạnh đó, cũng khắc phục hoàn toàn các hiện tượng biến chứng sau nâng mũi mà nhiều người thường gặp phải như: Đầu mũi đỏ, bóng; đầu mũi rát bỏng khi trời nóng hoặc lạnh; đầu mũi nhọn, có khi bị thủng do da mỏng dần.
“Một đặc điểm quan trọng của nâng mũi bọc sụn là đầu mũi được dài ra, kỹ thuật này sẽ áp dụng rất hiệu quả cho các trường hợp mũi ngắn, mũi hếch. Mũi sau nâng bằng kỹ thuật mới này cam kết đẹp và lâu bền theo thời gian”, trung tâm thẩm mỹ Q. (TP.HCM) cam kết. Theo tư vấn của thẩm mỹ viện trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau phẫu thuật nâng mũi ghép sụn, dáng mũi cao thanh mảnh, phần sống mũi thấp đã được nâng cao, đầu mũi được kéo dài, chân mũi cũng đã được dựng thẳng. Mũi nhìn rất tự nhiên, gương mặt sáng và dễ thương hơn nhiều.
Bác sỹ chọn miếng sụn nhân tạo (một khâu rất quan trọng), nhìn và ướm thử lên mũi bệnh nhân để quyết định có đổi miếng khác không.
Tuy nhiên, với độ “hot” của phương pháp phẫu thuật nâng mũi bằng sụn kiểu Hàn Quốc, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều trung tâm quảng cáo sai sự thật là có hợp tác với các bác sỹ thẩm mỹ giàu kinh nghiệm của Hàn Quốc để thu hút khách. Được biết, giá nâng mũi bọc sụn dao động 12-15 triệu đồng, nâng mũi gồ bọc sụn có giá 18-20 triệu đồng; nâng mũi S line bằng sụn tự thân 45 triệu đồng...
Qua hotline của thẩm mỹ viện Q., PV được một cô gái tư vấn: “Sửa mũi bọc sụn tai có thể gây tê tại chỗ hoặc tiền mê tê tại chỗ và thời gian thực hiện là 1h30. Sau khi lấy sụn tai, các bác sỹ sẽ rạch một đường khoảng 2cm nếp sau trên của tai (khi vết thương lành thì gần như không thấy sẹo và nằm sau tai-PV). Tiếp đến, bác sỹ sẽ rạch da 2 bên cánh mũi, đường mổ nằm hoàn toàn trong mũi. Bác sỹ sẽ tạo hình lại đầu - cánh mũi giúp đầu mũi đẹp thon gọn và cánh mũi mỏng hơn, đứng hơn. Trong quá trình tạo dáng mũi, bác sỹ sẽ thực hiện tạo hình sụn silicon và sụn tai để phù hợp với mũi của bạn, giúp sống mũi trông đẹp tự nhiên. Đặc biệt, khi khâu da, bác sỹ sẽ điều chỉnh 2 lỗ mũi thật cân đối.
Cũng theo tìm hiểu của PV, do các trung tâm thẩm mỹ quảng cáo nâng mũi bằng sụn tai là phương pháp được ưa chuộng nhất ở Hàn Quốc mới du nhập vào Việt Nam, nên đã thu hút rất nhiều chị em phụ nữ đến các thẩm mỹ viện nâng mũi. Tại thẩm mỹ viện Cát Tường (45 đường Giải Phóng, Hà Nội)- nơi mới xảy ra vụ án Giám đốc thẩm mỹ viện phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân gây tử vong cho một khách hàng rồi phi tang xác- cũng từng quảng cáo rầm rộ về các phương pháp nâng mũi tiên tiến, trong đó có nâng mũi bằng sụn tai. Thẩm mỹ này có nhiều gói nâng mũi khác nhau, gói 8 triệu đồng thì chỉ là sụn thường không có bọc sụn; gói 13 triệu đồng là gói bọc sụn tai; nâng mũi Hàn Quốc là 14 triệu đồng và còn gói cao cấp nhất là 20 triệu đồng...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, phẫu thuật thẩm mỹ dù nhỏ cũng dễ gặp rủi ro. Vì thế, chị em đừng coi thường sự an toàn của sức khỏe bản thân mình khi coi thường tất cả các thủ thuật hay phẫu thuật, nguy cơ tai biến luôn gặp trong mọi trường hợp. Chỉ khi có bác sỹ biết đề phòng và có kinh nghiệm chống lại sự cố đó thì hãy tin tưởng.
Sẽ gây biến chứng?
Trước đó, theo tìm hiểu của PV, tại thẩm mỹ viện Cát Tường cũng có khá nhiều khách hàng tìm đến nâng mũi. Và, ngay sau khi Giám đốc thẩm mỹ viện này bị bắt, đã có 2 trường hợp nâng mũi (1 ca bị biến chứng) tại thẩm mỹ viện này phải đến bệnh viện khám và phẫu thuật tháo bỏ sụn tai vừa mới cấy vào mũi.
TS.Trần Thiết Sơn- Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình (bệnh viện Xanh – pôn) nhận định: “Làm đẹp là nhu cầu không chỉ có ở nữ giới mà cả nam giới, không chỉ có ở người lớn tuổi mà cả ở người trẻ tuổi. Làm đẹp không chỉ đơn thuần là phẫu thuật, can thiệp từ bên ngoài mà còn cả cách sống, thói quen, văn hóa của chính người có nguyện vọng làm đẹp. Vì vậy, ngày càng nhiều chị em phụ nữ đi sửa mũi, gọt cằm... để có thể sở hữu một khuôn mặt thon gọn, thanh tú”.
Trao đổi với PVL, các bác sỹ chuyên phẫu thuật thẩm mỹ ở những bệnh viện lớn cho hay, đây là phương pháp mới đang được áp dụng tại các bệnh viện và các trung tâm thẩm mỹ cũng quảng cáo rầm rộ về phương pháp này. Trong khi phẫu thuật bác sỹ sẽ lấy thêm một miếng sụn sau vành tai. Vết thương này dài khoảng 1-2cm, dễ chăm sóc, ít sang chấn và mau lành, không để lại sẹo. Ưu điểm đầu tiên của phương pháp này là đầu mũi được bảo vệ tốt, tránh không để sống mũi bị tụt làm bóng đỏ đầu mũi, thời gian phẫu thuật nhanh và có kết quả ngay sau phẫu thuật. Phương pháp này cũng áp dụng cho người có sống mũi thấp, da đầu mũi mỏng, đầu mũi không quá to,...
Theo TS. Thiết Sơn, kỹ thuật nâng mũi bằng cách lấy sụn vành tai hoặc xương chậu ra đời cách đây khoảng 60 năm, thế cho nên đây không phải là kỹ thuật tiên tiến nhất. Kỹ thuật này bắt đầu được áp dụng ở các tỉnh phía Nam khoảng 4-5 năm nay và được chấp nhận nhanh chóng trong giới thẩm mỹ. Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào điều kiện phẫu thuật, kinh nghiệm phẫu thuật viên, nhu cầu của bệnh nhân... “Một nhược điểm của sụn vành tai là khối lượng được sử dụng rất ít, thường phải kết hợp với chất liệu trơ khác như silicon. Khả năng co mảnh sụn sau một thời gian phẫu thuật là khó tránh khỏi. Hiện tượng này cũng gặp với mảnh sụn lấy từ xương mào chậu. Ngoài sụn vành tai và mào chậu, một số xương như bản ngoài xương sọ, xương quay, xương chầy cũng được sử dụng để nâng mũi. Khó khăn của phương pháp này là việc tạo dáng cho mũi từ các mảnh xương này rất khó. Đổi lại, xương này không bị thay đổi hình dáng theo thời gian. Kỹ thuật này chủ yếu áp dụng cho người phương Tây vì các chất liệu silicon bị cấm sử dụng trong nâng mũi ở một số nước”, TS. Sơn trao đổi.
Các bác sỹ khuyến cáo, phẫu thuật nâng mũi bằng sụn tai được thực hiện thành công tại các bệnh viện có chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nâng mũi bằng sụn tai. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ được các bác sỹ khám, hướng dẫn làm các xét nghiệm cần thiết để xem người đó có đủ điều kiện sửa mũi bằng sụn tai hay không. Nếu các bạn gái lựa chọn những thẩm mỹ viện không đảm bảo trang thiết bị kỹ thuật, bác sỹ không có chuyên môn, kinh nghiệm rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.